Giới đầu tư túc tắc gom hàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Năm (2/3) khi lợi suất trái phiếu kho bạc hạ nhiệt, sau bình luận của Fed Atlanta, Raphael Bostic về lộ trình tăng lãi suất ưa thích của ông.
Giới đầu tư túc tắc gom hàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt

Trong một cuộc tranh luận về việc tăng lãi suất của Fed, ông Bostic cho biết ông ủng hộ "chậm và ổn định" là hành động thích hợp của Fed, vì tác động của lãi suất cao hơn có thể chỉ bắt đầu được cảm nhận vào mùa xuân.

Trước đó, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trước đó đã chạm mức cao mới trong 4 tháng là 4,091%, sau khi dữ liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động tiếp tục mạnh lên, trong khi một báo cáo riêng cho thấy chi phí lao động tăng nhanh hơn so với dự báo ban đầu trong quý IV.

Phiên này, lợi tức kỳ hạn 10 năm chỉ tăng tăng 6,7 điểm cơ bản lên 4,064%. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, thường thay đổi theo kỳ vọng lãi suất, đã giảm 0,4 điểm cơ bản xuống 4,885%, sau khi chạm mức cao mới trong 15 năm trước đó là 4,944%.

Dữ liệu bảng lương tháng 2 và giá tiêu dùng trong những ngày tới sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm manh mối về lộ trình của lãi suất trước cuộc họp ngày 21-22 tháng 3 của Fed, nơi dự kiến ​​​​sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones tăng 341,73 điểm (+1,05%), lên 33.003,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,96 điểm (+0,76%), lên 3.981,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 83,50 điểm (+0,73%), lên 11.462,98 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhờ cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu và năng lượng, nhưng dữ liệu cho thấy lạm phát khu vực đồng euro vẫn ở mức cao làm gia tăng lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,5% lên 459,98 điểm.

Các cổ phiếu năng lượng tăng 1,4% được hỗ trợ bởi giá dầu thô ổn định nhờ các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.

Còn nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, như Diageo và Unilever đều nhích hơn 1%, trong khi chỉ số thực phẩm và đồ uống châu Âu tăng 1,8%.

Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng ở 20 quốc gia sử dụng chung đồng tiền chung euro đã tăng 8,5% trong tháng 2, so với mức tăng 8,6% một tháng trước đó do giá năng lượng thấp hơn, nhưng con số này vẫn cao hơn mức 8,2% được dự đoán trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà kinh tế của Reuters.

Mặc dù lạm phát cũng thấp hơn mức cao nhất hai con số đạt được vào tháng 10, nhưng vẫn có những lo ngại rằng giá năng lượng tăng vọt trước đó đã ngấm vào nền kinh tế, thông qua cái gọi là hiệu ứng vòng hai, khiến cho việc tăng giá thậm chí còn khó loại bỏ hơn.

Giles Coghlan, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại HYCM cho biết: “Lạm phát cao có thể khiến ECB tăng lãi suất lên cao hơn, đồng nghĩa với điều kiện kinh doanh kém thuận lợi hơn cho các công ty châu Âu”.

Đầu tuần, dữ liệu từ Tây Ban Nha, Pháp và Đức chỉ ra rằng lạm phát vẫn ở mức cao và làm dấy lên lo ngại rằng ECB sẽ duy trì quan điểm diều hâu trong thời gian dài hơn.

Kết thúc phiên 2/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 29,11 điểm (+0,37%), lên 7.944,04 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 22,62 điểm (+0,15%), lên 15.327,64 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 49,97 điểm (+0,69%), lên 7.284,22 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục tăng do lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung gia tăng, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số sản xuất ở Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 2.

Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,47 USD/thùng (+0,60%), lên 78,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,44 USD (+0,52%), lên 84,75 USD/thùng.

Tin bài liên quan