Trên thực tế, những khu công nghiệp có nhà ở cho công nhân đều ít chịu biến động về nguồn lao động. Ảnh: Thành Nguyễn

Trên thực tế, những khu công nghiệp có nhà ở cho công nhân đều ít chịu biến động về nguồn lao động. Ảnh: Thành Nguyễn

Giữ lao động trong khu công nghiệp bằng chính sách nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để kéo người lao động trở lại các khu công nghiệp, xây nhà ở cho công nhân được xem là đòn bẩy hữu hiệu.

Nhiều rào cản

Năm năm làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, vợ chồng anh Thắng, chị Tâm vẫn đang ở trong một căn phòng trọ thuê ở xã Hải Bối với giá 2 triệu đồng/tháng, cộng với chi phí sinh hoạt hàng ngày, mỗi tháng cũng mất khoảng 6 triệu đồng, thế nên giấc mơ về một ngôi nhà ở thành phố vẫn là điều gì đó xa vời với đôi vợ chồng trẻ này khi tổng thu nhập của họ chỉ gần 16 triệu đồng/tháng.

Quanh Khu công nghiệp Thăng Long, hiện có nhiều dãy nhà trọ với diện tích chỉ khoảng 14-15 m2/phòng do người dân bản địa tự phát xây nên, là nơi ở ghép của 2-3 công nhân hoặc các cặp vợ chồng từ ngoại tỉnh lên thành phố làm việc. Nhiều công nhân làm việc tại đây tâm sự, điều kiện vật chất thiếu thốn, trong khi thu nhập chưa được cải thiện nhiều khiến giấc mơ về một ngôi nhà chốn thành thị phai nhạt dần. Vì thế, nhiều người đã trở về quê sinh sống, đặc biệt sau giai đoạn dịch bùng phát vừa qua.

Nhìn lại câu chuyện thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc bố trí người lao động làm việc “3 tại chỗ” tại các khu công nghiệp còn nhiều bất cập, trong đó có lý do nhiều khu công nghiệp chưa có hoặc có chưa đáng kể lượng nhà ở dành cho công nhân.

Trước thực tế này, ông Thọ cho biết, Chính phủ đang xây dựng chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó xem xét bổ sung một gói tín dụng phục vụ xây dựng nhà ở cho công nhân.

“Sau khi có chủ trương, điều quan trọng tiếp theo là tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho dự án nhà ở công nhân trong khu công nghiệp. Chẳng hạn, theo quy định tại Luật Đất đai, đất khu công nghiệp không được bố trí làm đất ở, hay như quy định về khoảng cách an toàn từ khu dân cư đến cơ sở sản xuất - kinh doanh theo tiêu chuẩn đối với đơn vị sản xuất độc hại cấp 1 là 1.000 m, cấp 2 là 500 m… cũng khiến việc phát triển nhà ở công nhân gặp khó”, ông Thọ nêu quan điểm.

Cũng chỉ ra những bất cập trong triển khai xây dựng nhà ở công nhân, ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn chủ đầu tư nhà ở cho công nhân, trong khi ngân sách hỗ trợ lại hạn chế, dẫn đến chủ đầu tư chưa mặn mà.

Cũng theo ông Việt, trên thực tế, tại Thanh Hóa, giá cho thuê, giá bán nhà ở công nhân do doanh nghiệp thực hiện cao hơn so với giá thuê, giá nhà tự xây của người dân. Ví dụ, căn hộ diện tích 60 m2 do doanh nghiệp đầu tư xây dựng có giá khoảng 660 triệu đồng, nhưng giá cho lô đất 60 m2 ở nhiều khu vực tại Thanh Hóa chỉ khoảng 160 triệu đồng, còn chi phí xây nhà chưa tới 500 triệu đồng, lại được đứng tên chủ đất và thiết kế theo ý mình, nên người dân vẫn lựa chọn giải pháp tự mua đất, xây nhà.

Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư khu công nghiệp muốn xây nhà ở cho người lao động, nhưng lại chưa được bố trí đất để làm dự án. “Có một doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh với tổng số khoảng 117.000 lao động, doanh nghiệp này muốn xin đầu tư xây nhà ở cho công nhân trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Tuy nhiên, đây là khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng nên không thể cấp đất cho doanh nghiệp”, ông Việt kể.

Giải pháp nào?

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), thời gian qua, việc sản xuất - kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, thiếu hụt lực lượng lao động... Ngoài yếu tố dịch bệnh, thực trạng này còn xuất phát từ nguyên nhân các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, để duy trì sản xuất - kinh doanh, vấn đề phát triển nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp càng trở nên cấp thiết.

Đưa ra giải pháp, trước mắt là quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sao cho thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, ông Điệp cho rằng, Bộ Xây dựng cần sớm đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân; trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí quỹ đất làm nhà ở cho công nhân (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân và có cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như chỉ định công ty xây dựng kết cấu hạ tầng là nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

“Giải pháp trên sẽ giúp tháo gỡ 2 nút thắt lớn nhất hiện nay trong phát triển nhà ở cho công nhân, đó là chủ đầu tư và quỹ đất sạch triển khai dự án”, ông Điệp nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm thực tế khi triển khai dự án nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp tại Bắc Giang, ông Nguyễn Như Long, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang nêu quan điểm, khi lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung tại các đô thị, khu công nghiệp phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân (các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ bố trí tối thiểu 35% trên tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội cao tầng); ưu tiên bố trí khu nhà ở cho công nhân tại những vị trí thuận lợi, gần khu công nghiệp để thuận tiện cho việc đi lại; việc lập quy hoạch phải phù hợp, đảm bảo đáp ứng cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Cũng theo ông Long, quy hoạch khu nhà ở cho công nhân cần đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo tốt các điều kiện về dịch vụ, tiện ích xã hội (y tế, giáo dục, công cộng, thiết chế văn hóa...), đảm bảo cho công nhân, người lao động có cuộc sống ổn định, an toàn. Dự báo các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu nhà ở xã hội cho công nhân phải có tính khả thi và định hướng phát triển lâu dài. Nhà ở xã hội dành cho công nhân cần đa dạng, đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của công nhân, đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.

Còn đại diện Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cho rằng, giải pháp để gia tăng dự án nhà ở công nhân là phải lựa chọn những khu vực có diện tích đủ lớn, từ đó đảm bảo đạt được các điều kiện về một khu đô thị có đầy đủ các tiện ích về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, khắc phục tình trạng lâu nay chúng ta vẫn xây một vài tòa chung cư đơn lẻ, thiếu sự kết nối đồng bộ với các khu đô thị hiện hữu, khiến các khu nhà ở không thu hút được người dân đến định cư, gây lãng phí nguồn lực, tài nguyên xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan