Giữa tâm dịch, nhà đầu tư Thái Lan đổ vốn vào Việt Nam

Nhà đầu tư Thái Lan tăng cường hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập tại Việt Nam giữa “tâm bão” Covid-19.
34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã được Tập đoàn WHA đã mua lại thông qua công ty con. Ảnh: D.M

34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã được Tập đoàn WHA đã mua lại thông qua công ty con. Ảnh: D.M

Thành lập công ty con, mở rộng hoạt động 

Công ty TNHH Delta Electronics (Thái Lan) gần đây công bố kế hoạch thành lập công ty con tại Việt Nam trong quý II hoặc quý III/2020. Công ty con này có 100% vốn sở hữu của Delta Thái Lan và sẽ được thành lập tại Việt Nam với vốn điều lệ 500.000 USD.

Ông Jackie Chang, Chủ tịch Delta Electronics Thái Lan chia sẻ, Covid-19 không làm thay đổi kế hoạch mở rộng của Công ty tại Đông Nam Á. Hiện khu vực này được đánh giá có triển vọng tích cực trong dài hạn, đặc biệt là Việt Nam khi nhiều công ty đa quốc gia đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.

“Việt Nam được xem là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển vùng của Công ty. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong khối ASEAN trong giai đoạn 2020-2021, dù chịu tác động của Covid-19. Điều này càng chứng minh cho quyết định mở rộng kinh doanh của Công ty tại thị trường Việt Nam”, ông Jackie Chang nói.

Delta Electronics hướng đến việc hỗ trợ các công ty lớn của Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch đầu tư hoạt động kinh doanh mới, cũng như chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện trong năm 2021, thì Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào đội ngũ nhân sự để tăng cường sự hiện diện trong nước.

Theo ông David Nardone, Giám đốc điều hành phụ trách mảng đất công nghiệp của WHA Industrial Development Plc, Việt Nam là quốc gia quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn WHA. Năm 2019, Tập đoàn tiếp tục mở rộng và hoàn thành 145 ha đầu tiên thuộc giai đoạn I của Khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An, bao gồm một tòa nhà văn phòng mới.

Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 9 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án, tổng vốn đầu tư 10,8 tỷ USD. Trong quý I/2020, nhà đầu tư Thái Lan đã rót 43,64 triệu USD vào Việt Nam cho hoạt động đầu tư, góp vốn mua cổ phần.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)   

Thông qua công ty con WHA Utilities and Power (WHAUP), Tập đoàn đã mua lại 34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, một trong những công ty cung cấp nước hàng đầu cho Thủ đô Hà Nội. Trong một động thái chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nước cho khách hàng tại Khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An, WHAUP cũng đã mua 47,3% cổ phần Công ty cổ phần Cấp nước Cửa Lò tại Nghệ An.

Năm 2020, WHA Industrial Development sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào Khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An. Song song, Công ty sẽ thúc đẩy quá trình cấp giấy phép để phát triển phần còn lại của giai đoạn I, với diện tích 498 ha.

Ngoài ra, Tập đoàn WHA sẽ tiếp tục tìm các cơ hội phát triển kinh doanh có giá trị cao, bao gồm các dự án phát triển khu công nghiệp, cung cấp nước công nghiệp và đô thị, cũng như dự án xử lý nước thải tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Mua lại các dự án

Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Thái Lan) đã quyết định chi 457 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước.

“Việc mua lại các dự án là một trong những bước đi quan trọng trong kế hoạch mở rộng kinh doanh và cải thiện hiệu quả tài chính của Công ty trong dài hạn. Nền kinh tế sẽ hồi phục và nhu cầu về điện sẽ tiếp tục tăng cao. Năng lượng tái tạo là một phần của xu hướng toàn cầu, do đó Công ty quyết định thực hiện thương vụ này để mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch”, ông Jormsup Lochaya, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty Super Energy nói.

Nguồn tin từ Nikkei Asian Review cho hay, gần đây, SCG - tập đoàn đa ngành Thái Lan - đã tuyên bố sẽ mua Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa trong bối cảnh mua sắm online tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á giữa đại dịch.

Tận dụng cơ hội mua sắm trực tuyến lên ngôi giữa đại dịch, SCG quyết định liên doanh với nhà sản xuất bìa cứng hàng đầu Nhật Bản - Rengo để mua vào khoảng 15% tổng tài sản Bao bì Biên Hòa, tương đương con số chi ra gần 635 tỷ baht (khoảng 448-500 tỷ đồng). Thương vụ này là một phần của chiến lược mở rộng kinh doanh của SCG tại ASEAN và giúp Công ty tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp Thái Lan đang tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn CP và SCG là những thương hiệu quen thuộc đối với người Việt. Trong khi đó, Tập đoàn Central Group và TCC đang phát triển kinh doanh trong thị trường bán lẻ.

“Trong thế hệ tiếp theo, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan về mọi mặt do tốc độ phát triển mạnh mẽ và cơ cấu dân số trẻ với độ tuổi trung bình chỉ 27 tuổi. Điều đó có nghĩa là người dân sẽ cởi mở hơn và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế. Tại Việt Nam, cơ hội ở khắp mọi nơi, điều quan trọng là nắm bắt cơ hội như thế nào”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam nhận định.

Tin bài liên quan