TS. Trần Văn Huynh

TS. Trần Văn Huynh

Gỡ gánh lo tồn kho vật liệu

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam cho rằng, trong lúc thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay, để giải quyết đầu ra, gỡ gánh lo hàng tồn, các doanh nghiệp sản xuất VLXD cần phải hướng đến xuất khẩu bằng cách thay đổi hướng tiếp cận thị trường.

Thị trường bất động sản đi xuống đã tác động nhiều đến lĩnh vực sản xuất VLXD. Ông đánh giá thế nào về thị trường VLXD năm 2012?

Thị trường VLXD vẫn được ví như “bánh mì” của ngành xây dựng. Vì thế, lĩnh vực bất động sản và các công trình hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất VLXD. Trong 2 năm qua, thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công bị cắt giảm, trong khi quy hoạch ngành VLXD vẫn tăng trung bình 7 - 8%/năm khiến đầu ra cho các sản phẩm VLXD khó khăn.

Điển hình như ngành xi măng. Năm 2011, nhu cầu xi măng trong nước khoảng 49 triệu tấn, trong khi theo công suất lên đến 54 - 55 triệu tấn. Đến năm 2012, dự báo nhu cầu cũng chỉ khoảng 49 triệu tấn, nhưng công suất lên đến gần 70 triệu tấn. Nếu doanh nghiệp hoạt động hết công suất thì lượng hàng tồn kho rất lớn.

Với lĩnh vực gốm sứ cũng vậy. Năm 2010, nhu cầu là 206 triệu m2, nhưng công suất là 275 triệu m2. Đến năm 2015, dự kiến nhu cầu 302 triệu m2, nhưng thiết kế lên đến 414 triệu m2.

Trước những khó khăn của ngành sản xuất VLXD, các cơ quan quản lý và Hội đã có giải pháp gì để kích cầu, thưa ông?

Để kích cầu VLXD, Hội đã có nhiều kiến nghị như làm đường quốc lộ bằng bê tông, hạn chế sử dụng VLXD ngoại nhập, hạn chế nhập khẩu thép… Trong đó, kiến nghị làm đường quốc lộ bằng bê tông không được chấp thuận, trong khi kiến nghị khuyến khích sử dụng VLXD sản xuất trong nước đã được Chính phủ đồng ý, nhưng các chủ đầu tư công trình không mấy hưởng ứng. Thậm chí mới đây, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu các công trình từ vốn nhà nước phải dùng vật liệu không nung, nhưng có rất ít chủ đầu tư chấp hành.

Với lĩnh vực thép, dù chúng tôi kiến nghị hạn chế nhập khẩu, nhưng việc nhập khẩu vẫn diễn ra mạnh. Bên cạnh đó, các công trình đấu thầu quốc tế, nhà thầu nước ngoài vẫn nhập VLXD nước ngoài vào, khiến lĩnh vực sản xuất VLXD trong nước bị ảnh hưởng. Vì thế, tôi cho rằng, những kiến nghị kích cầu VLXD thời gian qua có nhiều, nhưng không mấy hiệu quả.

Gỡ gánh lo tồn kho vật liệu ảnh 1

Việc hướng đến xuất khẩu dù chỉ là giải pháp tình thế, nhưng vẫn là một hướng tốt

Việc tiêu thụ tại thị trường trong nước gặp khó khăn, trong khi công suất sản xuất rất lớn. Ông đánh giá thế nào về lượng hàng tồn kho VLXD hiện nay?

Cho đến thời điểm này, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp không quá cao. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho VLXD thấp không phải do tiêu thụ tốt, mà chủ yếu là do các doanh nghiệp giảm mạnh sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp ngừng sản xuất. Trong đó, cũng có một số doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm ở thị trường nội địa đã hướng sang xuất khẩu.

Theo tôi, việc hướng sang xuất khẩu là một giải pháp hết sức linh hoạt của doanh nghiệp để thoát khỏi khó khăn tạm thời. Đơn cử, ngành xi măng năm nay dự kiến thừa khoảng 20 triệu tấn. Gạch men được dự đoán chỉ tiêu thụ được 60% công suất. Vì vậy, nếu không hướng đến xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Thời gian gần đây, Hội chợ VietBuild được tổ chức định kỳ, thu hút rất nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD tham gia. Ông có đánh giá gì về hiệu quả của VietBuild trong việc kích cầu VLXD?

Tôi thừa nhận, VietBuild đem lại những hiệu quả nhất định và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiệu quả của Hội chợ chưa cao, vì thế, có rất ít thương hiệu lớn, đã có chỗ đứng trên thị trường tham gia. Trong khi đó, việc làm sao để tổ chức Hội chợ một cách hiệu quả vẫn là một bài toán khó, đặc biệt, khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì thế tôi cho rằng, việc doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu dù chỉ là giải pháp tình thế, nhưng nó vẫn là một hướng tốt, nhất là khi đầu ra ở thị trường trong nước đang gặp nhiều khó khăn.