Gỡ khó trong xây dựng luật, đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
Khá nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế trong xây dựng pháp luật, đấu giá tài sản đã được mổ xẻ thẳng thắn tại nghị trường và giải pháp gỡ khó cũng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề cập.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: V.T

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: V.T

Nhiều lần đôn đốc cũng chỉ có 8/28 bộ trưởng thực hiện

Trong phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày 15/8 cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lần đầu tiên được chọn vào “ghế nóng”.

Được kết nối trực tuyến với tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố, nên các chất vấn thể hiện sự quan tâm đến nhiều khía cạnh trong công tác xây dựng luật, trong đó có nguồn nhân lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) chất vấn về giải pháp tổng thể mang tính đột phá để cải thiện đội ngũ làm công tác pháp chế, vì các giải pháp của địa phương thời gian qua đã “đụng trần pháp luật”.

Hồi âm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện tại, đội ngũ làm công tác pháp chế trên cả nước là khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người làm chuyên trách, 7.000 người kiêm nhiệm. Các bộ, ngành trung ương có 89 tổ chức pháp chế và 65 phòng pháp chế ở địa phương.

Trong phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước giám sát, vị trưởng ngành tư pháp cũng không ngại để cập một thực tế là, theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần đôn đốc, hiện mới có 8/28 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia chỉ đạo công tác này.

“Tôi xin nêu và cũng đồng thời cảm ơn bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước”, ông Long công khai thông tin.

Có đến 20 bộ, ngành, công tác xây dựng luật vẫn do thứ trưởng phụ trách, mà theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, kinh nghiệm cho thấy, bộ trưởng trực tiếp cùng Phó thủ tướng phụ trách thì tiến độ sẽ nhanh, còn thứ trưởng phụ trách nhiều khi không đủ thẩm quyền để giải quyết. Vì thế, ông Long đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm và trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Nhấn mạnh một số bộ, ngành không ưu tiên cho công tác pháp chế, song Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu thực tế kinh phí hỗ trợ cho những người làm pháp chế rất thấp.

Giải pháp quan trọng nhất là làm sao xây dựng được một chức danh như pháp chế viên để từ đó có tiêu chuẩn, chế độ chính sách phù hợp, thì sẽ cải thiện được tình hình.

“Công việc rất khó, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ sâu, nhưng chế độ rất thấp”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu thực tế khi “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời cho biết sẽ có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình trong thời gian tới.

Bên cạnh vấn đề trên, một số đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế.

Thừa nhận tình trạng đại biểu nêu là có thật, nhưng lượng hóa rất khó, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu một số nguyên nhân như cán bộ không xem xét vấn đề trong tổng thể, nên cứ nói do pháp luật, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa.

Về giải pháp, ông Long đề cập việc Bộ Nội vụ được giao ban hành nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm, nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, bởi đây chỉ là nghị định, còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.

Cũng đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà “hứa” thời gian tới sẽ tập trung “công phá” tình trạng sợ trách nhiệm, hoàn thiện chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Giá đấu giá đất chưa sát thị trường, giải pháp nào khắc phục

Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn trưởng ngành tư pháp.

Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về giải pháp khắc phục tình trạng tính giá khởi điểm đấu giá chưa sát với thị trường, ông Long nói, ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng giá khởi điểm lại không thuộc diện điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản, mà thuộc phạm vi của Luật Đất đai.

“Chúng ta vẫn đi theo quy định về bảng giá, khung giá, UBND tỉnh đưa ra các phương án và xây dựng giá khởi điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý vấn đề này trong sửa đổi Luật Đất đai sắp tới”, ông Long hồi âm đại biểu.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhìn nhận, hiện nay, một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản. Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của tình trạng trên là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nói, đấu giá trực tuyến là hình thức hiệu quả để đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực, chi phí của hoạt động đấu giá. Ông Thắng đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác chuẩn bị thực hiện đấu giá trực tuyến trong thời gian tới.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận, thời gian qua còn tình trạng vi phạm, thông đồng, dìm giá để trục lợi trong các phiên đấu giá, có liên quan đến đấu giá viên. Bộ trưởng khẳng định, kỹ năng hành nghề đấu giá, năng lực đấu giá viên còn hạn chế là thực tế.

Người đứng đầu ngành tư pháp cho biết, trong giai đoạn 2018-2022, cơ quan chức năng đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, một số trường hợp đã được chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử.

Cho rằng “tình trạng quân xanh - quân đỏ không nhiều lắm, chỉ là ngoại lệ”, ông Long cho biết, trong Dự thảo sửa đổi Luật Đấu giá tài sản chuẩn bị trình Quốc hội đã có căn chỉnh để siết chặt các điều kiện tham gia đấu giá.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá; tăng cường các biện pháp chuyên nghiệp hóa đấu giá viên, phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trả lời chất vấn về đấu giá trực tuyến, Bộ trưởng nói, đây cũng là hình thức tốt để hạn chế tình trạng không minh bạch, thông đồng, dìm giá. Phương thức này cũng được áp dụng phổ biến tại tổ chức đấu giá tài sản tư nhân.

“Các tổ chức này đã có trang và cách thức đấu giá trực tuyến còn đấu giá tài sản công thì giờ mới nghĩ tới”, Bộ trưởng nêu và cho biết, Bộ Tư pháp đang bổ sung các quy định, chi tiết hóa để xây dựng trang, cổng thông tin điện tử thực hiện đấu giá trực tuyến. Song, việc này gặp khó khăn như “kinh phí theo hướng nào, quản lý ra sao, cơ chế tự chịu trách nhiệm, cơ chế quản lý thị trường thực hiện thế nào”.

Bộ trưởng thông tin, các cơ quan đang nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức đấu giá trực tuyến Hàn Quốc, để sớm xây dựng, ban hành được cách thức vận hành.

Kỳ vọng tạo bứt phá cho ngành nông nghiệp

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời về những vấn đề nóng trong lĩnh vực nông nghiệp, như giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới so với nội dung Quốc hội đã chất vấn tại Kỳ họp thứ ba. Vì vậy, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới.

Tin bài liên quan