Gỡ những nút thắt trong thu hút đầu tư nước ngoài

Gỡ những nút thắt trong thu hút đầu tư nước ngoài

(ĐTCK) Cải thiện môi trường pháp lý, tăng năng lực quản lý nhà nước và đồng bộ hóa các công cụ luật pháp để nâng cao hiệu quả quản lý và thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn là chủ đề nóng bỏng được tập trung bàn thảo tại Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Báo Đầu tư phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức diễn ra cuối tuần qua.

Nguyên nhân được sự nóng bỏng này được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, đó là Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức do cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới đang ngày càng trở nên quyết liệt.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông thì đầu tư nước ngoài đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Do vậy, việc nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc hoàn thiện môi trường pháp lý cũng như đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, rõ ràng trong các quy định về đầu tư kinh doanh nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Cũng theo ông Đông, chưa bao giờ yêu cầu giải quyết các vướng mắc, bất cập cũng như hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, từ đó cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới trong thu hút đầu tư nước ngoài đặt ra cấp thiết như hiện nay. Chính vì vậy, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Đánh giá thực trạng hoạt động quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sự liên kết và tính lan tỏa chưa cao mà cũng không thấp, công tác quy hoạch đầu tư nước ngoài của các ngành và địa phương vẫn chưa tập trung, quy trình thủ tục cấp phép thiếu thông thoáng, tồn tại nhiều điều kiện không hợp lý, đặc biệt hậu kiểm sau cấp phép còn yếu, hệ thống văn bản pháp luật thực thi chồng chéo mâu thuẫn.

Đặc biệt, về mô hình quản lý đầu tư, theo ông Hoàng là vẫn chưa hợp lý. “Vừa qua, chúng ta cấp phép đầu tư lúc vào xem xét rất kỹ nên bị đánh giá là thủ tục rườm rà, nhưng sau khi cấp phép, khâu quản lý còn nhiều vấn đề, đặc biệt là sau khi phân cấp. Năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thu hút đầu tư nhiều hơn, quy mô lớn hơn, công cụ cũng như bộ máy kiểm soát sau cấp phép về nguyên tắc cũng phải tương xứng, nhưng thực tế, bộ máy đã tương xứng chưa thì vẫn là vấn đề cần bàn”, ông Hoàng băn khoăn.

Chính vì vậy, theo ông Hoàng, hiện nay mô hình đầu tư của Việt Nam cần được cải tiến tiệm cận dần với mô hình của thế giới. Theo đó, khâu đầu vào cần nhanh thông thoáng đạt tiêu chí là được cấp phép, nhưng sau đó sẽ phải quản lý chặt đảm bảo quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Để thực hiện được mục tiêu đó, ông Hoàng cho rằng cần phải có công cụ quản lý và hàng rào kỹ thuật để đảm bảo thực thi tốt khâu hậu kiểm. “Công tác hậu kiểm cần được thực thi bằng hệ thống luật pháp liên quan và cả bộ máy tương ứng và xuất phát từ ý thức của cả phía DN và cơ quan nhà nước”, ông Hoàng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ là cải cách thủ tục hành chính, cài thiện cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng lao động, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Ở khía cạnh môi trường pháp lý, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, việc đẩy nhanh rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý cũng là điều kiện hết sức quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu thu hút và sử dụng dòng vốn FDI. Đây chính là mục tiêu then chốt trong công tác hoàn thiện các văn bản luật trọng yếu là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được tiến hành rất khẩn trương và nghiêm túc hiện nay.

Tin bài liên quan