Góc nhìn chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn hấp dẫn

Góc nhìn chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đợt hồi phục khá tốt, thậm chí có mã đã tăng 50% từ đầu năm, thì diễn biến rung lắc vừa qua của nhóm cổ phiếu chứng khoán là cần thiết và đây vẫn là một trong những nhóm ngành hấp dẫn trên thị trường.

Những thông tin tích cực về nới room tín dụng cũng như việc chuẩn bị áp dụng rút ngắn thời gian giao dịch T+2 đã giúp tâm lý nhà đầu tư hưng phấn hơn trong tuần qua. Dù thị trường đã có phiên điều chỉnh cuối tuần nhưng về tổng thể vẫn duy trì được 7 tuần tăng liên tiếp. 3 phiên giao dịch giao dịch trước kỳ nghỉ lễ tuần tới sẽ theo xu hướng nào, theo góc nhìn của ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng chỉ số VN-Index chưa thể vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1,260 – 1,285 điểm thì khả năng cao thị trường có thể sẽ theo kịch bản điều chỉnh trong vùng kháng cự trên ở tuần giao dịch tới.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Bearish Engulfing sắc đỏ, giảm 6,31 điểm (-0,5% so với tuần trước) với thanh khoản giao dịch gia tăng; mẫu nến cho thấy lực bán chủ động trong phiên cuối tuần, đây là phiên phân phối thứ 3 trong chuỗi tăng điểm vừa qua, chỉ báo kỹ thuật ngầm báo hiệu cho tỷ lệ xuất hiện pha đảo chiều lớn hơn.

Điểm tích cực là VN-Index may mắn thoát khỏi mẫu hình nến nhấn chìm giảm tiêu cực khi đóng cửa rút chân ngắn trên 1.280 điểm, tuy nhiên lực cầu còn chưa quyết liệt khi mức đóng cửa chỉ cao mức nhất phiên hơn 2 điểm.

Trên khung đồ thị tuần, VN-Index đóng cửa với mẫu nến Engulfing, chuỗi 3-4 tuần gần nhất cho thấy sự suy yếu về mặt thanh khoản, đây là tín hiệu phân kỳ âm với khối lượng, đà tăng chững lại rõ rệt đẩy động lượng điều chỉnh sang phiên đầu tuần kế tiếp. Do đó, với 3 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ, áp lực bán nhiều khả năng sẽ tiếp tục đè nặng và có thể đẩy chỉ số về kiểm chứng vùng hỗ trợ kế tiếp tại 1.250 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường sẽ có một đợt giao dịch ngắn trước kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên đây là 3 phiên giao dịch đáng chú ý vì là lần đầu tiên áp dụng thời gian giao dịch T+2.

Giai đoạn đầu áp dụng t+2 sẽ giúp thị trường giao dịch sôi động hơn do thời gian quay vòng dòng tiền sẽ nhanh hơn trước. Điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu biến động nhanh và có mức độ co giãn cũng nhiều hơn.

Xu hướng chung thị trường sẽ phân hóa mạnh trong tuần tới nhưng nhìn chung sẽ vẫn theo hướng lạc quan và khả năng thị trường vẫn có nhiều cơ hội tăng tốc tiếp cận trở lại mốc 1.300 một lần nữa trước kỳ nghỉ lễ.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK smart Invest

Theo góc nhìn của tôi, thị trường đã qua giai đoạn trầm lắng và hoản loạn nhất, việc xảy ra những cú bán tháo liên tiếp là hạn chế, thậm chí sẽ là cơ hội cho việc giải ngân.

Ông Vũ Duy Khánh

Ông Vũ Duy Khánh

Những thông tin tích cực trong 1 2 tuần tới như có thông tin về room tín dụng (tuy không nhiều nhưng cũng giảm áp lực về vốn lưu động cho doanh nghiệp), thời gian cổ phiếu về được rút ngắn vào chiều phiên T+2, giao dịch lô 10 cổ phiếu từ 12/9 sẽ giúp thị trường tích cực hơn, thanh khoản cải thiện. Tuy nhiên, với tâm lý nghỉ lễ và thị trường Mỹ đang biến động sẽ là ẩn số đối với Việt Nam, nên nhìn chung sẽ rất phân hóa và khó tránh khỏi hoàn toàn biến động chung toàn cầu.

Giai đoạn đầu tháng 9 thị trường bước vào vùng trũng thông tin, trong khi các yếu tố tích cực của số liệu vĩ mô và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đã phản ánh tương đối đầy đủ vào nhịp tăng vừa qua, kết hợp với việc nhu cầu chốt lời gia tăng khiến thị trường chung khó có thể bứt phá xa khỏi vùng giá hiện tại. Góc nhìn của ông/bà về xu hướng thị trường tháng 9? Nếu đầu tư ở thời điểm này, đâu là những yếu tố cần lưu ý đối với nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tăng nhẹ trong tháng 09, nhưng chỉ số VN-Index khó có thể vượt được vùng kháng cự 1,330 điểm. Đồng thời, tháng 09 thị trường cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định của Fed về việc tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu hồi phục trở lại. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có khuynh hướng hạn chế giao dịch trước thời điểm cơ cấu của hai quỹ ETF.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Đầu tiên nhà đầu tư cần chú ý đến bối cảnh liên thị trường. Trong cuộc họp tại Jackson Hole giữa các Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Chủ tịch Fed ông Jerome Powell gây bất ngờ khi chấp nhận thực tại rằng chính sách thắt chặt có thể kéo dài để để đưa lạm phát của Mỹ về mức mục tiêu 2%. Qua đó khẳng định hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp, và việc nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào chu kỳ suy thoái có lẽ chỉ là điều sớm muộn.

Sự ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 trở nên khó lường hơn. Một mặt theo các số liệu được công bố chính thức về lạm phát và tăng trưởng GDP, trong thời điểm hiện tại Việt Nam dường như đang đứng ngoài chu kỳ tiêu cực toàn cầu.

Mặt khác, vị thế đứng ngoài của Việt Nam có thể không kéo dài lâu, khi dòng vốn “giá rẻ” từ nước ngoài sẽ dần hạn chế, nhu cầu thấp có thể khiến kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể không đạt kỳ vọng. Ngoài ra, không thể không nhắc tới tác động tâm lý tới nhà đầu tư Việt Nam, khi thị trường chứng khoán thế giới có thể liên tục chứng kiến các nhịp rung lắc.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sau chuỗi tăng liên tục trong 8 tuần vừa qua, nhiều cổ phiếu đã lấy lại trên 50% giá cổ phiếu đã mất, trong đó nhiều cổ phiếu đã phá đỉnh lịch sử. Định giá chung của nhiều cổ phiếu đã về mức bình quân và thời gian tới việc kiếm lợi nhuận sẽ khó khăn hơn do thị trường sẽ phân hóa và chỉ một số dòng cổ phiếu chạy trước.

Trong giai đoạn 2 quý còn lại, nhà đầu tư nên hướng sự tập trung vào nhóm cổ phiếu có nhiều kỳ vọng đạt tăng trưởng mạnh theo mùa cuối năm và thậm chí kéo dài qua năm sau.

Ngoài ra, cần lưu ý sự biến động chính trị trên thế giới vẫn còn rất phức tạp và sẽ tác động khá mạnh đến nguồn cung nguyên vật liệu toàn cầu vì vậy với những nhóm cổ phiếu hàng hóa, xuất khẩu cần theo dõi chặt chẽ thông tin để có thể ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK smart Invest

Quan điểm của tôi, vĩ mô toàn cầu vẫn rủi ro vì lạm phát có thể đã đạt đỉnh những vẫn ở mức rất cao so với mục tiêu, ngoài ra còn những bất ổn rất lớn về chính trị, Covid 19, suy thoái châu Âu, khủng hoảng năng lượng… Cho nên, rất khó để dám đánh giá là tích cực trong ngắn và trung hạn, tuy nhiên cũng không nên quá bi quan.

Việt Nam có lẽ là quốc gia bị ảnh hưởng ít bởi những bất ổn trên, sẽ thị trường chứng khoán sẽ cũng có sự phân hóa toàn cầu giữa các khu vực. Chiến lược đầu tư tốt nhất thời điểm này sẽ là chọn cổ phiếu có bảng cân đối kế toán tốt và kết quả kinh doanh vẫn tích cực, tuyệt đối tránh những cổ phiếu đầu cơ, tăng vốn ảo, penny.

Vài tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có giao dịch khá tích cực, nhiều cổ phiếu hồi phục 30-40% từ vùng đáy, trước khi chính thức áp dụng giảm thời gian thanh toán, nhưng cũng bắt đầu điều chỉnh ở phiên tuần qua. Nhóm chứng khoán còn dư địa tăng trong ngắn hạn, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Hiện nay, tôi vẫn đánh giá thận trọng ở nhóm Dịch vụ tài chính sau giai đoạn KQKD quý 2/2022 không khả quan, đặc biệt dòng tiền vẫn chưa cải thiện ở nhóm này cho nên tôi đánh giá giai đoạn tăng vừa qua chỉ là giai đoạn hồi phục sau chuỗi giảm cho nên đà tăng cũng khó kéo dài và rủi ro ngắn và trung hạn vẫn ở mức cao ở nhóm cổ phiếu này.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Câu chuyện “áp dụng giảm thời gian thanh toán xuống T+2” đã được thị trường hấp thụ trong thời gian khá dài trong thời gian vừa qua.

Với beta ngành cao, khả năng lớn sự hồi phục trong một số cổ phiếu chứng khoán đã phản ứng đầy đủ trên hành động giá với thông tin trên. Chính vì vậy, trong ngắn hạn chúng tôi đánh giá dư địa tăng của nhóm chứng khoán không còn hấp dẫn, khả năng cao thị trường sẽ đi theo chiến lược trước đây “đợi ra tin là bán”.

Về mặt kỹ thuật, một số cổ phiếu chứng khoán lớn như SSI, HCM, VND, MBS đang giao dịch trong biên tích lũy khá lâu, những yếu tố phân kì âm xuất hiện không cho điểm mua an toàn, tín hiệu chờ đợi cho phiên điều chỉnh cho sự cân bằng về mặt kỹ thuật.

Tuy vậy, DSC đánh giá nhịp điều chỉnh sẽ không quá tiêu cực. Nhìn rộng hơn, động lực chính cho nhóm này phải đợi kết quả rõ ràng hơn về mặt thanh khoản gia tăng thể hiện trong thời gian sắp tới, từ đó dẫn đến sự thúc đẩy về mặt doanh thu đến từ hoạt động môi giới và cho vay margin.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Cổ phiếu chứng khoán là nhóm ngành bị đè giá nặng nhất trong đợt giảm tháng 4, 5 vừa qua và cũng là nhóm ngành có mức phục hồi nhanh nhất trong nhịp hồi vừa qua. Nhiều cổ phiếu đã lấy lại hơn 50% giá trị cổ phiếu so với đỉnh đầu năm nhưng nhìn chung về mặt định giá nếu tính toán dự phóng kết quả cuối năm nay sẽ còn hấp dẫn.

Dĩ nhiên sau một nhịp tăng mạnh hơn 50% ở cả nhóm ngành thì sẽ có vài nhịp rung lắc là cần thiết và sắp tới sẽ chỉ có những nhóm cổ phiếu đứng đầu thị trường bứt phá nhanh hơn nhóm còn lại.

Nếu nhìn so sánh ở các nhóm ngành hiện tại trên thị trường thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là một trong những nhóm ngành hấp dẫn nhất hiện tại do hoạt động giao dịch thị trường còn tiếp tục mở rộng trong tương lai và lợi nhuận dự báo tăng trưởng trở lại chu kỳ 6 tháng cuối năm.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK smart Invest

Nhóm chứng khoán có mức độ liên quan đến VNINDEX rất lớn, kết quả kinh doanh cũng phụ thuộc vào thị trường như thanh khoản giao dịch, dự nợ cho vay margin, kết quả đầu tư…

Việc rút ngắn thời gian về T+2,5 có thể giúp thanh khoản cải thiện 20 - 30%, nhưng còn rất xa mới về được trung bình năm 2021, cho nên giá cổ phiếu cũng khó mà về nền cao được.

Về mặt định giá P/B, các cổ phiếu chứng khoán đang giao dịch phần lớn trong khoảng 1,3 - 1,7 lần, khá hợp lý cho đỉnh lợi nhuận. Quan điểm của tôi trong ngắn hạn, nhóm chứng khoán có thể có đà tăng vì thông tin tích cực, nhưng trung hạn sẽ bị hạn chế.

Với nhịp hồi phục trong gần 2 tháng qua, nhà đầu tư đã phần nào giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là những nhà đầu tư may mắn bắt đáy đúng thời điểm, nhưng phần lớn vẫn chưa về bờ nếu chọn chiến lược đứng im chờ cổ phiếu trong tài khoản hồi phục. Vậy đâu là chiến lược phù hợp trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng chiến lược hiện tại là nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và hạn chế mua mới hoặc chỉ mua mới với tỷ trọng thấp ở giai đoạn này do chỉ số VN-Index chưa vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.260 - 1.285 điểm. Đồng thời, các nhà đầu tư nên chú ý vào nhóm Nước và Khí đốt, Điện, Sản xuất thực phẩm, Dầu khí và Bán lẻ.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Giai đoạn cuối 2021, đầu 2022 có thể coi là chu kỳ đặc biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam khi hội tụ rất nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ đưa thị trường chứng khoán đến mức đỉnh cao. Mặt bằng lãi suất thấp, room tín dụng còn rộng rãi, bối cảnh địa chính trị ổn định, và rủi ro suy thoái của các nền kinh tế lớn nhất thế giới còn chưa hiện hữu.

Cùng với đó, khi thị trường hồi phục mới mức thanh khoản thấp thì chưa thể phù hợp để hấp thụ lượng cổ phiếu chờ bán lớn ở khu vực chỉ số 1.400-1.500 điểm, nhất là trong bối cảnh hồi phục nhanh khiến tâm lý nhà đầu tư “kẹp hàng” vẫn là chỉ muốn nhanh chóng bán hoà vốn. Do đó có thể còn rất lâu để những nhà đầu tư lựa chọn chiến lược nằm im nắm giữ có thể “về bờ”.

Trong ngắn hạn cho cuối năm 2022, nhà đầu tư có thể lựa chọn chiến lược mua thấp - bán cao, dựa vào vùng hỗ trợ mạnh tại 1.200-1.250 để tham gia rải lệnh thăm dò, và canh chốt lời khi cổ phiếu về gần kháng cự trong các nhịp hồi phục như 2-3 tuần gần nhất.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Cú rơi thẳng đứng của thị trường vào quý 2 rõ ràng đã gây thiệt hại đáng kể với nhiều nhà đầu tư và cho đến hiện tại nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cổ phiếu về lại vùng giá đã mua trước đó.

Tuy nhiên, với việc thị trường đã phục hồi hơn 30% so với điểm đáy thì đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể mạnh dạn cơ cấu lại danh mục và chuyển hướng vào những nhóm cổ phiếu có thể kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong chu kỳ cuối năm.

Việc mạnh dạn cắt lỗ những cổ phiếu suy yếu để tập trung vào nhóm cổ phiếu mạnh sẽ giúp nhà đầu tư mau bình quân lỗ và lấy lại sự tự tin.

Tình hình thị trường về cuối năm sẽ còn nhiều đợt sóng lên xuống nhưng nhìn chung là tích cực vì vậy đây là lúc nhà đầu tư cần tận dụng để gia tăng lợi nhuận.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK smart Invest

Trong nhịp hồi vừa rồi, các cổ phiếu đều hồi chung với các mức tăng khác nhau, yếu thì tăng 10 - 15% từ đáy, còn khỏe thì về nền hoặc thậm chí vượt đỉnh (tăng khoảng 30 – 100%).

Nếu trong danh mục của bạn nhịp vừa rồi có những cổ phiếu yếu, không hồi nổi hoặc thậm chí phá đáy như dòng penny đầu cơ thì phải cơ cấu lại ngay, thay cổ phiếu yếu bằng cổ phiếu khỏe.

Những ngành ít bị ảnh hưởng lớn bởi những biến động vĩ mô như khu công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, bán lẻ, cảng biển, điện nước… có thể nâng tỷ trọng và hạ tỷ trọng đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực trong những nhịp hồi,

Tin bài liên quan