Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cơ hội nhóm cổ phiếu thép

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cơ hội nhóm cổ phiếu thép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành thép trong nước đã liên tục điều chỉnh tăng 3 lần chỉ trong hơn 1 tháng và thép toàn cầu cũng đang đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu trong năm 2024, liệu cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu này?

TTCK trong nước tuần qua tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh của dòng tiền, thanh khoản trên 3 sàn suy giảm 17,1% so với tuần trước, đạt 14.752 tỷ/phiên, thể hiện sự dè dặt của nhà đầu tư. Trongkhi khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đà bán ròngvới giá trị bán ròng gần 2.700 tỷ trên sàn HOSEtrong tuần qua.Đâu là góc nhìn của ông bà về tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong tuần qua nhà đầu tư vẫn khá thận trọng với thị trường trong bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng liên tục. Việc dòng tiền giao dịch hạ xuống rất nhanh cho thấy nhà đầu tư vẫn chọn đứng ngoài quan sát nhiều hơn. Mặc dù giao dịch khá ảm đạm nhưng thị trường chung vẫn giữ mức quân bình và không có dấu hiệu suy giảm. Chưa kể một số dòng cổ phiếu vẫn ghi nhận tăng trưởng đi ngược xu thế chung. Tuần giao dịch cuối của năm có thể ghi nhận sự biến động lớn hơn theo hướng tích cực.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

TTCK nhiều khả năng hồi phục trở lại với triển vọng khả quan ở tuần giao dịch cuối cùng khi tâm lý lạc quan hơn từ phía các nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường thấp cũng như khối ngoại bán ròng giai đoạn này khiến nhà đầu tư lo ngại, nhưng theo thống kê tuần giao dịch cuối cùng trong năm vẫn sẽ diễn biến tích cực khi hoạt động cơ cấu danh mục các quỹ kết thúc. Hoạt động mua vào trước khi tháng giêng bắt đầu nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh từ phía các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Trong tuần giao dịch qua có nhiều điểm đáng chú ý. Về thanh khoản, giá trị giao dịch của mỗi phiên dần sụt giảm, xoay quanh từ 12.000 - 14.000 tỷ đồng, đưa đến giá trị giao dịch trung bình của mỗi phiên khoảng gần 13.000 tỷ đồng, sụt giảm rất đáng kể so với trung bình của 20 phiên gần đây. Sự sụt giảm của thanh khoản đến tự nhiên từ chu kỳ giao dịch của thị trường trở nên bớt sôi động hơn khi gần đến kỳ nghỉ lễ, cùng với sự thận trọng tăng dần khi có nhiều thông tin sẽ được công bố vào gần cuối năm.

Mặt khác, một lý do ngoài dự kiến là hoạt động của nhóm nhà đầu tư khối ngoại liên tục bán ròng trong 3 tháng vừa qua, nâng tổng giá trị bán ròng của cả năm lên gần 23.000 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì liên tục và chưa có dấu hiệu mua ròng trở lại trong giai đoạn sắp tới, gây nên sự sụt giảm chung về thanh khoản của VN-Index.

Trong bối cảnh thị trường đang hướng đến tuần cuối của năm 2023 với nhiều sự kiện vĩ mô, cùng sự sụt giảm của thanh khoản, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đi ngang trong biên độ từ 1.075 - 1.125 điểm trong tuần này.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Ông Đinh Quang Hinh

Ông Đinh Quang Hinh

Trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển sẽ đóng cửa một vài phiên để nghỉ lễ, áp lực bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ là tạm thời dẫn tới tâm lý dè dặt, thận trọng của nhà đầu tư nội chưa thể giải tỏa hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023. Theo đó, tôi cho rằng chỉ số VN-INDEX có thể phục hồi nhẹ hướng tới vùng 1.120-1.130 điểm trong tuần tới.

Mặt bằng lãi suất thấp vẫn chưa đủ để kỳ vọng dòng vốn “rẻ” chảy mạnh sang kênh chứng khoán. Giai đoạn vừa qua, chính dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã góp phần “chặn” đà giảm của thị trường. Ông/bà nhận định như thế nào về chuyển động dòng tiền trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền giai đoạn cuối năm sẽ có sự phân hóa mạnh và chảy theo nhiều hướng đầu tư khác nhau trong đó có khá nhiều mảng đang tăng mạnh có thể thu hút sự chú ý dòng tiền nhàn rỗi như vàng, bitcoin. Riêng dòng tiền vào chứng khoán thật ra vẫn ổn định và việc giao dịch suy giảm trong vài tuần chẳng qua là nhà đầu tư đang giữ trạng thái chờ cơ hội. Khi thị trường tích cực lập tức dòng tiền sẽ gia tăng rất nhanh trở lại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Lãi suất huy động đã xuống thấp - kênh đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với nhiều kênh đầu tư khác nhìn ở phía mặt bằng giá cũng như triển vọng trung hạn.

Có lẽ trong ngắn hạn các nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng hơn với biến động thị trường cũng như hiệu suất sinh lời đối với các giao dịch ngắn hạn. Điểm tích cực đã rõ hơn khi nhiều cổ phiếu cơ bản nhóm ngành tài chính, thép, công nghệ, xây dựng và vật liệu có lực cầu mua lên tốt và nhiều cổ phiếu tăng lên vùng đỉnh cũ hoặc vượt đỉnh mới. Dòng tiền tham gia thị trường sẽ tốt dần lên từ nay đến giai đoạn trước tết âm.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Nhà đầu tư trong nước đang chiếm khoảng 80% giá trị giao dịch và là yếu tố dẫn dắt dòng tiền trong năm 2023. Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước phần nào đã bù đắp được hoạt động bán ròng liên tục của khối ngoại. Mặc dù dòng tiền nội là yếu tố dẫn sóng trong năm 2023 nhưng do thiếu sự đồng thuận của dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng tiền lớn, nên thị trường khó có cơ hội bứt phá.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Việc khối ngoại duy trì bán ròng 18 phiên liên tiếp đang là yếu tố gây ra tâm lý thận trọng đối với dòng tiền nội và là tác nhân chính cản trở đà phục hồi của thị trường chứng khoán. Vậy điều gì đã khiến dòng tiền ngoại liên tục bán ròng thời gian gần đây, bất chấp việc áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. Điều này xuất phát từ sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới.

Theo đó, việc Fed phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm tới đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ tăng điểm mạnh. Thậm chí có chỉ số chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử. Có thể thấy, thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang “vượt trội” so với phần còn lại. Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường vốn đang có performance tốt và trend mạnh như thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường Nhật Bản.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có performance không tốt trong giai đoạn từ cuối tháng 9 tới nay. Điều đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ, có xu hướng rút ròng và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường thuận lợi hơn. Việc khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị lớn đã khiến dòng tiền nội “chùn bước” và là lực cản chính cho sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong nước.

Trong hơn một tháng trở lại đây ngành thép trong nước đã chứng kiến khoảng 3 đợt điều chỉnh tăng giá. Mặt bằng giá thép hiện tại đang cao hơn khoảng 3,6% so với cách đây một tháng, giá quặng sắt cũng đang có xu hướng tăng, khi ngành sản xuất thép toàn cầu đang đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu thép trong năm 2024. Cổ phiếu ngành thép cũng đã có những chuyển biến khá tích cực trong giai đoạn vừa qua. Trong ngắn hạn, ông bà đánh giá như thế nào về cơ hội với nhóm ngành thép?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm vừa qua và đang trong quá trình hồi phục. Cơ hội lớn sẽ đến với những doanh nghiệp đầu ngành nhiều hơn và có thể năm sau là năm đáng chú ý với ngành thép. Dù giá nhiều cổ phiếu nhóm ngành thép đã phục hồi 15 - 20% trong giai đoạn cuối năm nhưng cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này vẫn còn và có thể kéo dài qua năm 2024.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Diễn biến nhóm cổ phiếu thép phần chia sẻ phía trên đang đón nhận tín hiệu tốt khi triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khả quan ở quý cuối cùng của năm. Tiềm năng tăng trưởng cho giai đoạn tới cũng được ghi nhận 8 - 10%, đặc biệt nửa đầu năm 2024. Đây cũng là một nhóm ngành cần được quan tâm giai đoạn tới với những cổ phiếu điển hình HPG, HSG, NKG...

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Đối với các doanh nghiệp thép, việc giá nguyên liệu và giá bán có xu hướng tăng có thể giúp các công ty được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ, trong đó, các doanh nghiệp đầu ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng giá.

Kết quả của xu hướng tăng giá bán thép có thể được thể hiện qua việc cải thiện biên lợi nhuận của nhóm các doanh nghiệp ngành thép trong quý IV/2023 và quý I/2024. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận của ngành thép vẫn tiếp tục được cải thiện cho đến giai đoạn nửa sau 2024, khi nền kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào giai đoạn phục hồi.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Theo tôi, cổ phiếu ngành thép đang được hỗ trợ từ thông tin châu Âu tăng giá HRC trong khi giá quặng sắt tiếp đà giảm.

Nhìn chung, thị trường vẫn đang hết sức khó lường, xu thế ngắn hạn vẫn ủng hộ cho kịch bản VN-Index có khả năng hồi phục để “với” tới vùng kháng cự 1.160 điểm, nhưng để đi được xa hơn thì cần phải có thêm những sự đồng thuận từ các nhóm nhà đầu tư khác, còn nếu không khả năng VN-Index quay đầu giảm sau khi chạm kháng cự là rất cao. Ông bà đang chọn chiến lược đầu tư như thế nào trong giai đoạn này, một tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt như thế nào là hợp lý?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đang trong giai đoạn đi ngang và các đợt sóng thường ngắn vì vậy nhà đầu tư nên chọn chiến lược đầu tư với tỷ trọng thấp và thời gian nắm giữ cũng rút ngắn hơn. Giai đoạn hiện tại sẽ phù hợp với nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp nhiều hơn vì vậy với những nhà đầu tư không chuyên có thể chờ đợi thêm hoặc chỉ giao dịch ở mức vừa phải. Việc đầu tư cũng ưu tiên các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt và có sóng tốt như nhóm chứng khoán, ngân hàng, thép, bán lẻ…

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhà đầu tư vẫn nên lựa chọn chiến lược mua và nắm giữ ít nhất tầm nhìn đến quý I, II/2024 là tối thiểu. Vẫn có nhiều cơ hội giao dịch ngắn hạn tại thời điểm này với các cổ phiếu có thanh khoản cao, kết quả kinh doanh khả quan, tiềm năng tăng trưởng tốt như DRC, GMD, HAH, BFC, CTD, BMP... tỷ trọng cổ phiếu có thể tăng lên.

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Thị trường trở nên bớt sôi động hơn khi gần đến kỳ nghỉ lễ, cùng với sự thận trọng tăng dần khi có nhiều thông tin sẽ được công bố vào gần cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là giai đoạn để nền kinh tế thế giới ổn định trở lại để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, mặc dù tốc độ phục hồi có thể vẫn ở mức chậm, trong đó Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi một phần từ sự phục hồi đó. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên cân bằng 50/50 tiền mặt/chứng khoán để chờ cơ hội rõ hơn trong năm 2024.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index chưa được xác lập cho đến khi VN-Index vượt “thuyết phục” qua vùng kháng cự quanh 1.150 điểm.

Tin bài liên quan