Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm ngành kỳ vọng dẫn sóng

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm ngành kỳ vọng dẫn sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với diễn biến dòng tiền tham gia đang sôi động trở lại, cùng bức tranh mùa báo cáo tài chính quý II/2023 và triển vọng nửa cuối năm, các chuyên gia chứng khoán đã đưa ra các nhóm ngành sẽ dẫn sóng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Investment

Dòng tiền mới chảy vào kênh chứng khoán đến từ khá nhiều nguồn không chỉ gửi tiết kiệm, hiện trừ chứng khoán ra các kênh đầu tư khác đều yếu (như vàng) hoặc kém (như bất động sản) cũng giúp dòng tiền đổ vào chứng khoán, thanh khoản tăng liên tục minh chứng cho việc có dòng tiền mới đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Nếu nhìn từ câu chuyện ngành nào có khả năng dẫn sóng, hấp dẫn để đầu tư nhìn từ yếu tố định giá thì không thể không nhắc đến Ngành bất động sản. Lý do đầu tiên, ngành này gặp nhiều khó khăn trong năm qua cho tới nay, hiện thị trường bất động sản vẫn khó khăn chung với nền kinh tế nhưng với chính sách tiền tệ nới lỏng dần, lãi suất liên tục hạ (và có thể còn hạ thêm), chính sách tài khóa được mở rộng, thuế, phí giảm ở một số loại thuế phí. Đặc biệt, đầu tư công đang được cải thiện hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, nhóm này giảm giá mạnh trong 1-2 năm vừa qua. Hiện nhóm này dù có phục hồi nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung và thua xa nhóm Tài chính ngân hàng, Dầu khí có nhiều mã thậm chí tăng bằng lần 6 tháng đầu năm. Do đó, dư địa nhóm này còn nhiều cơ hội tăng đặc biệt khi ngành này đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nên những doanh nghiệp còn trụ được có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn.

Lãi suất ngày một thấp hơn cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng dễ tiếp cận sản phẩm, đưa cung cầu về gần với nhau hơn.

TTCK thường phản ứng trước kỳ kinh tế nên việc TTCK phục hồi mở ra cơ hội cho ngành và cổ phiếu bất động sản cũng phản ánh trước những yếu tố tích cực và sự kỳ vọng thị trường bất động sản sớm phục hồi. Và đợt tăng điểm của thị trường thời gian qua nhưng cổ phiếu bất động sản lại nằm trong nhóm yếu nhất, trong khi các nhóm khác đã tăng quá nhiều, mở ra cơ hội cho dòng tiền tìm kiếm những cơ hội tốt hơn và cổ phiếu bất động sản dễ là sự lựa chọn sáng và nổi bật trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc kinh doanh, CTCK Yuanta Việt Nam

Nếu thị trường tiếp tục tăng điểm, tôi thấy có các ngành sau có thể dẫn sóng: ngành Thép, Xây dựng hạ tầng, Bất động sản.

Đối với Ngành Thép, tiêu thụ hồi phục nhờ đầu tư công. Hiện nhu cầu tiêu thụ thép dự báo hồi phục 2,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã giảm 3,1% so với cùng kỳ trong năm 2022. Dự báo trong năm 2024, nhu cầu tiếp tục hồi phục 1,7% so với năm trước.

Dự kiến trong quý III/2023 nhu cầu thép sẽ hồi phục nhờ các chính sách kích thích đầu tư công của chính phủ sẽ mạnh hơn trong thời gian tới. Triển vọng giá thép HRC dự báo hồi phục nhẹ về mức trung bình 610 USD/tấn trong nửa cuối năm 2023. Dự báo giá quặng sắt cũng như giá than cốc năm 2023 sẽ điều chỉnh giảm khoảng 12% giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ngành thép.

Từ các yếu tố trên tôi dự đoán ngành thép sẽ có giai đoạn hồi phục tốt. Tôi đặc biệt chú ý tới cổ phiếu HPG trong ngành này.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang

Đối với Ngành Xây dựng hạ tầng, đây là ngành được kỳ vọng Hưởng lợi lớn từ giải ngân đầu tư công. Giai đoạn 2023 – 2024 dự báo khối lượng thi công lớn: Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nhiều dự án lớn tồn đọng đã dần được hoàn thiện tạo điều kiện cho dự án mới được triển khai.

Tốc độ giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh triển khai sau Tết Nguyên đán kèm theo đó chính phủ có những động thái chỉ đạo, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư dự án. Từ đó chúng ta có thể kỳ vọng tốc độ giải ngân vào cuối năm sẽ được tăng trưởng mạnh mẽ. Dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của các nhà thầu thường tích cực trong 2 năm đầu của chu kỳ đầu tư dự án.

Từ nhiều yếu tố thuận lợi trên tôi thấy ngành Xây dựng hạ tầng sẽ là ngành tiềm năng tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2023. Tôi đặc biệt chú ý tới 2 cổ phiếu ngành này là VCG và C4G; 2 cổ vẫn còn tiềm năng tăng giá lớn.

Ngoài ra, Ngành Bất động sản cũng được hưởng lợi từ giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động giảm hiện tại khoảng 6-7% kỳ hạn 12 tháng tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay – dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1-1,5% vào cuối năm 2023.

Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65: tạo cơ chế để doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực thanh toán trái phiếu hoặc thanh toán bằng bất động sản. Áp lực đáo hạn trái phiếu trong 2023-2024 được chuyển sang năm 2024-2025.

Thông tư 02 về cơ cấu nợ: tạo cơ chế để Ngân hàng xem xét cơ cấu nợ cho các lĩnh vực khó khăn (bất động sản thuộc trong danh sách các ngành nghề được cơ cấu). Thời hạn cơ cấu tối đa 12 tháng. Thông tư giúp các khoản nợ đáo hạn từ 2023 đến 6/2024 chuyển sang 2024-2025.

Ngành bất động sản được nhiều chính sách hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại và hồi phục nhanh hơn. Trong các doanh nghiệp Bất động sản tôi chú ý mã NTL và NLG đây là 2 doanh nghiệp có quỹ đất lớn, tài chính tốt và còn nhiều dư địa phát triển.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)

Trong tuần tới theo tôi vẫn là xu hướng tăng điểm nhưng sẽ là những phiên tăng/giảm xen kẽ. Giai đoạn này các doanh nghiệp sẽ lần lượt ra báo cáo kết quả kinh doanh bán niên và dòng tiền sẽ phân hóa tương đối mạnh. Với việc dòng tiền tham gia thị trường đang sôi động trở lại, sẽ giúp lực cầu dồi dào để hấp thụ áp lực chốt lời cũng như hỗ trợ đà tăng của giá cổ phiếu.

Mức định giá thị trường hiện nay không phải là đắt, thấp hơn trung bình 5 năm vừa rồi. Trong giai đoạn tiền rẻ đang quay trở lại thì những cổ phiếu bluechip, có thương hiệu và thanh khoản tốt sẽ hưởng lợi đầu tiên, ví dụ nhóm VN30, ngân hàng.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Nhóm đầu tư công như đá, thép và một số doanh nghiệp thi công trúng các gói thầu cũng có thể tiếp tục hút dòng tiền, tuy nhiên cần lưu ý yếu tố định giá cũng xác định điểm rơi kết quả kinh doanh (ghi nhận chủ yếu các năm sau chứ không phải năm nay).

Với thị trường tốt trở lại thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng sẽ có câu chuyện đầu tư khi lợi nhuận tăng mạnh, đặc biệt nếu so với nền thấp nửa cuối năm khoái khi có rất nhiều CTCK thua lỗ khi thị trường lao dốc. Câu chuyện phục hồi cũng sẽ diễn ra nhiều doanh nghiệp riêng biệt thuộc các ngành như hàng không, dịch vụ, xuất nhập khẩu, bán lẻ.

Quan điểm của tôi thì chốt lãi không bao giờ là sai. Tuy nhiên, thời điểm và mức giá nào để chốt sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như kỳ vọng đầu tư của từng người.

Với xu hướng tăng điểm đang được bảo toàn trong trung hạn thì tôi sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ danh mục hiện tại. Việc chốt lời và chờ cover lại giá rẻ hơn sẽ rất khó vì chúng ta phải dự báo đúng trong cả 2 chiều và dễ khiến rơi vào trạng thái “mất hàng”. Trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính thì tôi sẽ hạ giảm phần này để đảm bảo trước những biến cố bất thường của thị trường.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Kết thúc tuần với phiên giao dịch hưng phấn cùng mức chỉ số đóng cửa cao nhất, động lượng thị trường tiếp tục chuyển động theo chiều hướng tích cực. Ngoài yếu tố kỹ thuật chỉ số, dòng tiền trên cả hai thị trường cơ sở và phái sinh đang cho thấy bên mua chiếm ưu thế.

Đầu tiên tại hợp đồng VN30F2308, lượng hợp đồng giữ qua đêm đã vượt qua hợp đồng VN30F2307 từ trước phiên đáo hạn tháng 7. Sự vận động xảy ra do dòng tiền mua chủ động mở vị thế, ép chênh lệch spread với chỉ số VN30-Index lên mức cao, đồng thời khiến bên Bán thụ động mở vị thế đối ứng.

Trên thị trường cơ sở, dòng tiền chuyển dịch mạnh sang các nhóm Bất động sản mở ra dư địa tăng mới, cùng đa số các cổ phiếu ngành Ngân hàng vẫn còn dư địa. Quan điểm nhóm nhà đầu tư tổ chức cũng có nhiều sự thay đổi, với phía tự doanh liên tục giải ngân mua ròng, và khối ngoại cũng không còn bán quyết liệt khi chỉ số VN-Index vượt hẳn qua khu vực 1.150 điểm.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Tới tháng 5 và tháng 6, 2 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ lại ghi dấu những tín hiệu hồi phục sớm. Kim ngạch xuất khẩu sang 2 thị trường trên đều ghi nhận tháng sau cao hơn tháng trước và mức sụt giảm trong từng tháng cũng nhẹ dần.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 299 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 38% so với cùng kỳ và tính riêng tháng 6 giảm 23% với giá trị đạt hơn 71 triệu USD - tuy nhiên đây là mức giảm thấp nhất và giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Thị trường Trung Quốc cũng trở nên khả quan khi tháng 6 là tháng đầu tiên, số liệu xuất khẩu ghi nhận tăng 19% so với cùng kỳ và đạt 59 triệu USD. Tốc độ sụt giảm nhẹ dần kể từ tháng

Về nhóm ngành đáng quan tâm, nhóm doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là nhóm xuất khẩu tôm đang có nhiều lợi thế hơn. VASEP cũng nhận định hiện nuôi tôm ở Trung Quốc rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, do vậy nước này sẽ vẫn tăng cường nhập khẩu tôm từ nước ngoài.

Giá tiêu thụ tôm trong và ngoài nước đã vượt sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, điều này cho thấy giá không thể giảm hơn nữa. Điều đó khiến cho số lượng ao treo, không nuôi ở Ấn Độ lên tới 30% đến 50% và khoảng 10% tại Ecuador vì giá bán thấp, thua lỗ.

Bên cạnh đó, Ecuador còn đang bị ảnh hưởng bởi pha thời tiết EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi khiến nguồn cung tôm thêm co hẹp. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã có động thái tích trữ hàng tồn kho có chiến lược tập trung vào các thị trường triển vọng để đón làn sóng mới.

Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân với vị thế trung hạn với các cổ phiếu trong lĩnh vực xuất khẩu tôm trong các nhịp rung lắc của thị trường.

Thị trường hiếm khi chuyển từ trạng thái hưng phấn sang giảm điểm và điều chỉnh ngay, mà thông thường sẽ có những khu vực cân bằng trước khi xuất hiện những phiên phân phối mạnh, và chuyển sang xu hướng điều chỉnh. Đây là quan điểm trợ giúp nhà đầu tư yên tâm duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong tài khoản. Tuy nhiên, trên thị trường đã có nhiều cổ phiếu tăng nóng, hoặc chạm mức giá mục tiêu kỳ vọng của nhà đầu tư.

Với những trường hợp trên, chốt lời một phần là sự lựa chọn chính xác. Tuy nhiên, nên duy trì mức tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản, để tránh tâm lý FOMO mua đuổi khi thị trường vẫn trong đà tăng liên tiếp và hưng phấn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phát triển năng lực, CTCK VPS

TTCK vẫn diễn biến tích cực hướng lên khu vực kháng cự 1.200 điểm. Nhiều cổ phiếu nhóm VN30, cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ vẫn còn nhiều dư địa tăng giá. Dòng tiền lớn đang chảy vào thị trường và chuyển dịch từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, tiết kiệm, vàng sang kênh đầu tư cổ phiếu – tôi vẫn nghĩ cả khối nội, tự doanh vẫn đang nắm giữ nhiều cổ phiếu và mua ròng với khối lượng gia tăng.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Có thể nói giai đoạn khó khăn đang bỏ lại đằng sau với nhiều doanh nghiệp niêm yết khi lãi suất giảm, dòng tiền dịch chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn hơn, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hoặc định giá thấp là hợp lý. Nhóm xây dựng xây lắp, nhóm xây dựng và vật liệu, hoá chất, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp là tâm điểm sự chú ý và thu hút dòng tiền đầu tư.

Với tâm lý thị trường đang ngày càng hưng phấn ngay vùng cản mạnh và các nhóm ngành đều đã luân phiên tăng điểm. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục - có thể chốt lời những mã tăng tốt giai đoạn đầu tháng 7 hoặc cổ phiếu ít dư địa tăng giá để chuẩn bị tái đầu tư vào các cổ phiếu triển vọng hơn.

Cho dù vùng cản 1.200 điểm có những nhịp điều chỉnh cần chú ý với các giao dịch ngắn hạn nhưng ndt vẫn ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu triển vọng đặc thù hơn là việc lo sợ thị trường điều chỉnh mà bán tháo cổ phiếu. Ưu tiên việc quản lý danh mục đặc biệt là các cổ phiếu giao dịch ngắn hạn.

Tin bài liên quan