Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Sóng cổ phiếu bất động sản có đến vào cuối năm?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Sóng cổ phiếu bất động sản có đến vào cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù được đánh giá là nhóm cổ phiếu có tiềm năng cho cuối năm nhưng với tình hình dịch như hiện tại, việc mở bán sẽ có những ảnh hưởng và có thể kết quả không được như kỳ vọng.

Tuần qua chỉ có 3 phiên giao dịch nhưng giao dịch khá tích cực khi đều duy trì được sắc xanh. Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX trước kỳ nghỉ lễ đạt trên 20.000 tỷ đồng là mức cao đối với thị trường khi nhóm cổ phiếu nhỏ đang có sức bật tốt hơn so với nhóm bluechips. Đâu là góc nhìn của ông và về diễn biến của thị trường tuần tới?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Sau khi lùi về gần vùng 1.300 điểm thị trường bắt đầu hồi phục nhẹ trở lại, nhìn chung xu hướng giằng co trong biên độ hẹp vẫn là chủ đạo những ngày qua.

Thị trường giai đoạn hiện nay có thể coi là vùng khá nhạy cảm và chưa rõ ràng về kênh xu hướng do đó nhà đầu tư cần quan sát thêm diễn biến sau kỳ nghỉ lễ dài, tuy nhiên trước bối cảnh các nhóm cổ phiếu thị trường đặc biệt là nhóm Ngân hàng vẫn chịu nhiều áp lực chốt lời thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều khả năng vẫn sẽ là lựa chọn của dòng tiền ngắn hạn, cơ hội lướt sóng ở nhóm này vẫn được đánh giá khả quan hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH)

Thị trường hiện tại phân hoá khá mạnh, nhóm VN30 không còn tạo đà dẫn dắt khi mức tăng luôn kém hơn chỉ số chung VN-Index. Điều này có nguyên nhân chính là nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang chịu áp lực giảm giá.

Nhìn chung thị trường có diễn biến giao dịch khá tích cực khi số lượng cổ phiếu tăng trần khá lớn, vẫn có nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh thu hút dòng tiền vào thị trường như dược, thép…

Dường như dòng tiền không ngủ yên và xu hướng bắt đáy luôn gia tăng mỗi khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Điều này giúp cho thị trường không giảm quá sâu. Điều quan trọng là những thông tin xấu liên quan đến dịch Covid hay tình trạng kinh tế ảm đạm dường như được nhà đầu tư lượng hoá trong những giao dịch.

Tôi cho rằng xu hướng tuần tới vẫn là hướng tới những cổ phiếu có thông tin tích cực, được thông tin hỗ trợ.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Việc dòng tiền vẫn ở lại thị trường trong khi chỉ số P/E chỉ ở mức trung bình nhiều năm (16.x) giúp lực cầu luôn thường trực và hấp thụ tốt lượng hàng chốt lời, giúp chỉ số tiếp tục tăng điểm trong tuần qua.

Xu hướng này có thể tiếp diễn trong tuần tới khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra đề xuất cho phép các doanh nghiệp khôi phục dần sản xuất sau ngày 15/9, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch lên chuỗi cung ứng.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thực tế thì trong khoảng 2-3 tuần gần đây, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (đại diện bởi VN30) chỉ biến động nhẹ, mang tính chất giữ nhịp cho thị trường trong khi nhóm vốn hóa trung bình (đại diện bởi VNMidcap) và đặc biệt là vốn hóa nhỏ (đại diện bởi VNSmallcap) có diễn biến tốt hơn.

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Trong tuần qua, các chỉ số như VN-Index đang chạm vào vùng kháng cự tại 1.340 điểm, VNMidcap tiệm cận vùng đỉnh gần nhất đã khiến cho các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình diễn biến khá lình xình, chỉ duy nhất có VNSmallcap là có sự bứt phá để lập mức cao lịch sử mới.

Điều này cho phép các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể duy trì quán tính tăng vào đầu tuần tới, tuy nhiên, nếu VN-Index đảo chiều giảm từ kháng cự 1.340 điểm thì nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với khả năng đảo chiều giảm ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

8 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 800.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và 2019 cộng lại. Nhà đầu tư F0 hay dòng tiền cá nhân trong nước vẫn đang chiếm một vai trò nhất định và được nhắc nhiều trong thời gian qua. Chỉ trong tháng 8/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng lên đến hơn 57 nghìn tỷ đồng trong khi tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đều bán mạnh với gần 31 nghìn tỷ trên 2 sàn HOSE, HNX. Dòng tiền trong nước vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Tình hình dịch bệnh kéo dài đã khiến cho rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề do đó các kênh mang tính đầu cơ cao đang là điểm đến của dòng tiền, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự sôi động với việc nhiều nhà đầu tư F0 tham gia.

Hiện trạng này (nhà đầu tư F0 “cầm lái”) diễn ra trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam, có thể nói đây vẫn là yếu tố quan trọng đóng vai trò ảnh hưởng rất lớn tới thị trường thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH)

Nhà đầu tư vẫn đang bị kẹt trong dịch và để có thể kiếm tiền thì TTCK giờ đây là kênh khả thi nhất. Đó là lý do vì sao có nhiều nhà đầu tư mở thêm tài khoản và lượng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường. Tuy nhiên, nếu 8 tháng có hơn 800.000 tài khoản thì số tài khoản mở mới tháng 8 tiếp tục sụt giảm bởi 7 tháng đã đạt 721.000 tài khoản.

Đây là tháng thứ 2 số tài khoản mở mới sụt giảm và đó là một trong những lo ngại về việc bổ sung dòng tiền để giúp thị trường bứt phá khi nó đã và đang bị rút ròng bởi khối ngoại và phát hành thêm. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng thị trường hiện nay đủ hấp dẫn với những nhà đầu tư này và còn duy trì sự tích cực.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhà đầu tư cá nhân trong nước từ lâu đã chiếm tỷ lệ đông nhất trong các thành phần tham gia thị trường. Khác biệt lớn nhất so với các thế hệ nhà đầu tư trước đây nằm ở tâm lý, khi họ có thể đưa ra quan điểm độc lập và không phụ thuộc vào hành động của các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài.

Hành động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước trong tháng 8 chính là động lực giúp thị trường phục hồi từ vùng đáy 1.225 điểm.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong suốt nhịp tăng trưởng của VN-Index từ giữa năm 2020 đến nay, khối ngoại dù được bổ sung bởi dòng vốn từ 1 số quỹ ETF, đáng chú ý nhất là quỹ Fubon của Đài Loan, nhưng vẫn có xu hướng bán ròng mạnh.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy giao dịch của khối ngoại trung bình chỉ chiếm từ 10-20% thanh khoản mỗi phiên của thị trường trong nhiều năm qua, do đó, dòng tiền trong nước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các xu hướng chủ đạo.

Trong những thời điểm thị trường sẽ khó lường bởi yếu tố dịch bệnh, việc mua nắm giữ các cổ phiếu tăng trưởng mạnh đang chiến lược được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong giai đoạn này, đó là nhóm ngành dược phẩm, hàng hóa thiết yếu, công nghệ. Dù được liệt kê là nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhưng sau nhiều đợt chợt loé sáng rồi lại vụt tắt trong quá khứ, cổ phiếu ngành dược vẫn chưa được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Ở góc độ đầu tư, ông/bà đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu phòng thủ này, nhất là khi nhóm này vừa trải qua một nhịp tăng ngắn hạn?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Nếu nói rằng nhóm cổ phiếu ngành dược được hưởng lợi từ diễn biến dịch bệnh kéo dài là không hoàn toàn chính xác, bằng chứng là kết quả kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp ngành này trong năm vừa qua không thể hiện điều này, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm còn ghi nhận lợi nhuận suy giảm như DMC, DHT, DBT...

Việc các cổ phiếu ngành dược có nhịp tăng mạnh vừa qua cũng không phải yếu tố bất ngờ khi mà dòng tiền ngắn hạn hiện nay vẫn không ngừng xoay vòng qua các nhóm ngành khác nhau. Trước đó các ngành Bất động sản, Đường, Xi măng, Cảng biển, Hóa chất... đều có những nhịp tăng mang nặng tính đầu cơ tương tự như vậy.

Xét về dài hạn, chúng tôi cũng không đánh giá cao cơ hội tăng trưởng của ngành dược.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH)

Cổ phiếu Dược thường hiếm tạo sóng, trung bình khoảng 10 năm mới có một sóng đủ lớn. Những cổ phiếu này xét về giá trị tương đối hấp dẫn nhưng khó bứt phá bởi gần như các doanh nghiệp Dược hàng đầu bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nữa, trong lịch sử thế giới cổ phiếu dược thường thu hút tiền mạnh khi 1 doanh nghiệp tạo ra một sản phẩm được quan tâm.

Giai đoạn vừa qua, nhiều cổ phiếu Dược bất ngờ tăng mạnh có lẽ nó phản ánh vào việc dòng tiền quá mạnh đang tìm kiếm cơ hội hơn là việc ngành Dược đang tạo ra một giá trị tăng thêm mới.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Cổ phiếu dược phẩm luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức khá cao, rất thích hợp cho nhà đầu tư trung và dài hạn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đẩy mạnh xu hướng chăm lo cho sức khoẻ, tạo cơ hội gia tăng doanh số cho các công ty trong ngành.

Tuy vậy, trong ngắn hạn chỉ những công ty có liên quan đến hoạt động điều chế vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 mới có thể tiếp tục duy trì khả năng tăng giá.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi không đánh giá nhóm dược phẩm là cổ phiếu phòng thủ. Với sự cải thiện của đời sống xã hội, nhu cầu và chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam không ngừng gia tăng và giúp ngành dược phẩm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt.

Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu ngành dược trên sàn chứng khoán thường có thanh khoản thấp là do số lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài không nhiều mà chủ yếu tập trung ở các cổ đông lớn (Nhà nước, Cổ đông nội bộ hay Cổ đông nước ngoài).

Diễn biến tích cực của các cổ phiếu dược gần đây có thể xuất phát từ những kỳ vọng về nhu cầu chăm sóc y tế của người dân tăng mạnh do diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 thứ 4 này, trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang thu hút được sự chú ý của dòng tiền.

Cũng liên quan đến việc “trồng cây gì, nuôi con gì”, nhóm cổ phiếu bất động sản, cả nhóm bất động sản nhà ở lẫn khu công nghiệp đang được nhiều CTCK khuyến nghị nhà đầu tư, với kỳ vọng ăn theo tính chu kỳ ở giai đoạn cuối năm. Liệu có quá sớm để “săn” nhóm này ở thời điểm hiện tại?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Đầu tư vào bất động sản chưa bao giờ là lỗi thời trong nhiều thời kỳ, đặc biệt với bối cảnh rủi ro lạm phát luôn tiềm ẩn trong thời kỳ dịch bệnh bởi những động thái can thiệp, hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ.

Đầu tư cổ phiếu ngành này cũng tương tự như vậy, bên cạnh đó việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đang nắm trong tay quỹ đất lớn rõ ràng sẽ là một lợi thế lớn trong trung và dài hạn. Do đó việc kỳ vọng vào nhóm ngành này cho mục tiêu dài hạn là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH)

Nói chung góc nhìn của tôi là không đơn giản như suy nghĩ của nhà đầu tư. Rất nhiều báo cáo phân tích hiện nay đánh giá cao tiềm năng của bất động sản cuối năm nhưng tôi nghĩ chưa hẳn.

Với bất động sản nhà ở, hiện tại nhiều doanh nghiệp không thể vay thêm vốn từ Ngân hàng mà phải phát hành Trái phiếu với lãi suất khá cao cho thấy có những khó khăn về dòng tiền. Chi phí của những doanh nghiệp thường rất lớn và với tình hình dịch như hiện tại việc mở bán tôi nghĩ không đơn giản sẽ bán hết được các sản phẩm như kỳ vọng.

Còn với bất động sản khu công nghiệp thì cần nhìn nhận những yếu tố cũ mới trong tài sản mà các doanh nghiệp đang sở hữu. Bởi khi thu hút dòng vốn FDI thì tỉnh nào cũng có chính sách và có nguồn để cho doanh nghiệp khai thác. Vì thế tôi cho rằng nguồn cung sẽ dồi dào hơn nhưng giá cả khó tăng lên do có sự cạnh tranh nhất định.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Với đặc thù ghi nhận doanh thu vào nửa cuối năm, việc dòng tiền tìm đến nhóm bất động sản trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn hợp lý.

Đối với nhóm bất động sản nhà ở, công tác bàn giao nhà cho khách hàng chỉ bị ảnh hưởng tại các khu vực dịch bùng phát mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam. Với nhóm bất động sản khu công nghiệp, việc nhận trước tiền thuê đất giúp các doanh nghiệp nhóm này vẫn trụ vững trong ngắn hạn. Rủi ro có thể xuất hiện trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các khách hàng tại khu công nghiệp.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi cho rằng với việc chúng ta tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, tiến độ hoàn thiện dự án cũng như thu nhập của người dân sẽ bị ảnh hưởng, cộng với việc giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, ngành bất động sản nói chung không phải là một ngành được kỳ vọng tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Do đó, xét trong ngắn hạn, đây không phải là nhóm ngành mà tôi đánh giá cao.

Việc sử dụng chiến lược đầu tư theo xu hướng để lựa chọn điểm mua/bán theo những cổ phiếu đã lựa chọn thay vì việc lướt sóng mua/bán liên tục có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đang được một số CTCK khuyến nghị nhà đầu tư. Còn chiến lược của ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Không có chiến lược nào được coi là tối ưu, mỗi phương pháp mua bán dù là lướt sóng hay đầu tư dài hạn đều có ưu nhược điểm riêng (đặc biệt thích ứng ở từng thời điểm). Do đó nhà đầu tư cần tự cân nhắc và lựa chọn phương án phù hợp với nhu cầu, chiến lược cá nhân.

Ở thời điểm hiện nay, tôi cho rằng nên kết hợp cả đầu tư dài hạn và đầu cơ để tối ưu hóa chiến lược: lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt với giá hợp lý (để phòng rủi ro trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ) nhưng có dòng tiền ngắn hạn chảy mạnh vào (để tận dụng sóng đầu cơ do yếu tố dịch bệnh).

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH)

Nói chung tôi quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp và tôi lựa chọn những doanh nghiệp đạt tiêu chí riêng ví dụ như ngành đó tích cực, tình hình tài chính của doanh nghiệp và việc tiêu thụ sản phẩm… và nắm giữ nó. Có nhiều doanh nghiệp còn tiềm năng rất lớn trong tương lai nên hãy quan tâm đến dài hạn sẽ có nhiều lợi thế.

Đợt dịch này sẽ tạo ra một cú sốc lớn với những doanh nghiệp yếu kém, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, tài chính bấp bênh. Khi dịch được khống chế những doanh nghiệp có tài chính khoẻ mạnh sẽ hồi phục tốt hơn.

TTCK như hiện nay dòng tiền luân chuyển liên tục nhưng giá nhiều cổ phiếu vẫn loanh quanh chứ không bứt phá. Chỉ có số ít cổ phiếu bứt phá mạnh nhưng tôi nghĩ hiếm nhà đầu tư có tư tưởng nắm giữ nên sẽ khó có mức lợi nhuận tốt. Đặc biệt sau khi bán rồi lại chuyển sang cổ phiếu khác có khi có nguy cơ lỗ.

Với tình hình hiện nay có thể kinh tế vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp sẽ tiêu cực và nhà đầu tư cần đề phòng rủi ro này.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Hiện nay, tôi duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền là 65/35, với mức phân bổ cao hơn dành cho trung dài hạn. Việc dịch bệnh được khống chế sẽ tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp niêm yết, tạo cơ hội gia tăng thị phần cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt và có lợi thế cạnh tranh trong ngành.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tùy thuộc vào các kỹ năng lựa chọn cổ phiếu (đầu tư theo phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật), khả năng quản lý rủi ro cũng như quan điểm về thị trường trong từng giai đoạn, nhà đầu tư có thể lựa chọn những chiến lược phù hợp. Tôi không đánh giá việc đầu tư theo xu hướng (buy & hold) tốt hơn là lướt sóng và ngược lại.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường đang ở vị thế khá nhạy cảm khi mà VN-Index đang ngập ngừng trước kháng cự mạnh với sự suy yếu của nhóm dẫn dắt (vốn hóa lớn), việc hạn chế mua bán liên tục có thể giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro T+3 nếu thị trường đảo chiều bất ngờ, đặc biệt là nhóm đầu cơ vốn hóa nhỏ.

Tin bài liên quan