Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh họa: Shutterstock

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Các nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khởi đầu năm mới cũng là thời điểm chuẩn bị cho những cơ hội đầu tư mới. Trong cuộc trao đổi đầu năm 2023 với Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia đã chỉ ra một số nhóm ngành tiềm năng mà nhà đầu tư có thể tham khảo.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 khó khăn. Nhà đầu tư từ trạng thái hưng phấn cực độ trong năm 2021 và quý đầu năm 2022 đã rơi vào sự hoảng loạn, bán tháo trước khi trở về trạng thái cân bằng trong hơn 1 tháng cuối năm. Các ông có góc nhìn như thế nào về diễn biến của TTCK trong tuần đầu giao dịch đầu tiên của năm 2023?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Thị trường khó có đột phá, nhưng cũng khó có gì xấu khi dư âm 2022 vẫn còn và nhà đầu tư sẽ giao dịch thận trọng trong tuần đầu tiên. Do đó, khả năng xu hướng thị trường sẽ xoay quanh mốc 1.000 điểm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Kết thúc năm 2022, VN-Index điều chỉnh và tích luỹ quanh mốc 1.010 (+/- 5 điểm) vẫn đang nằm trên vùng hỗ trợ mạnh 980 - 1.000 điểm. TTCK đang trong pha vận động đi ngang với thanh khoản giảm sút (phản ánh tâm lý e ngại giải ngân cuối năm của các nhà đầu tư). Theo thống kê 10/15 năm gần đây thì tuần giao dịch đầu tiên của năm diễn biến tích cực. VN-Index có thể dao động quanh mốc 1.010 - 1.040 điểm ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1/2023.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong những phiên cuối năm khá trầm lắng với thanh khoản ở mức thấp khi phần nhiều nhà đầu tư chọn giải pháp an toàn đứng ngoài quan sát. Các lệnh mua mới diễn ra khá ít và có vẻ dòng tiền margin cũng không mạo hiểm đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Tuần giao dịch mới đầu phiên chỉ có 4 phiên và những ngày cuối năm cũng chưa có thông tin gì hấp dẫn, vì vậy khả năng thị trường sẽ duy trì trạng thái tích luỹ chưa có biến động lớn đáng chú ý.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Năm 2022, VN-Index giảm 32,8%, đây là năm mà chỉ số giảm mạnh thứ nhì trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau năm 2008 khi chỉ số VN-Index giảm 66%. Rõ ràng, trong một năm mà thị trường diễn biến như vậy thì cơ hội kiếm lời của nhà đầu tư là rất mong manh và đa số có lẽ sẽ kết thúc năm trong tình trạng thua lỗ.

Diễn biến của VN-Index trong năm 2023 được chúng tôi nhận định là sẽ theo hướng tích lũy trong vùng rộng với vùng đáy trong khoảng 900 - 950 điểm và vùng đỉnh là 1.200 - 1.250 điểm. Thị trường khả năng sẽ có những biến động khá mạnh trong nửa đầu năm trước khi diễn biến dao động ít hơn vào nửa cuối năm. Điều này cũng sẽ khiến cho thanh khoản thị trường trong năm 2023 sẽ suy giảm so với năm 2022.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường đi ngang trong phần lớn thời gian tháng cuối năm 2022 với thanh khoản giảm dần đều, một dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của dòng tiền nội trước biến số kết quả kinh doanh quý IV/2022 sẽ bộc lộ những khó khăn như: lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và chi phí đầu vào tăng cao.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chờ đợi tín hiệu dòng tiền quay trở lại trong bối cảnh chỉ số VN-Index kết thúc năm 2022 vẫn nằm trong xu hướng thị trường giá xuống. Nhìn chung, thị trường sẽ tiếp tục ở trạng thái chờ đợi những thông tin hỗ trợ, thị trường nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp và thanh khoản thấp.

Theo các ông/bà, đâu là những biến số đáng lưu tâm trong năm 2023 mà nhà đầu tư cần lưu tâm?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Theo tôi, trong năm 2023, những vấn đề chính mà nhà đầu tư cần lưu ý vẫn là lạm phát, thắt chặt tiền tệ toàn cầu, kèm với đó là nỗi lo suy thoái. Xu hướng tiền đắt bao giờ kết thúc và tiền rẻ có sớm quay lại.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ngoài ra, cần lưu ý tới xu hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư, xu hướng đầu tư và kinh doanh mới sau Covid. Bên cạnh đó, cũng cần phải biết rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 dự báo không dễ dàng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Tình hình địa chính trị, căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ tăng nhẹ lãi suất 1, 2 đợt trước khi lãi suất đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm.

Việc kiểm soát tỷ giá cũng như sẽ không tăng lãi suất với biên độ lớn sẽ giúp kinh tế Việt Nam đi vào ổn định trong bối cảnh lãi suất huy động giảm trên diện rộng. Khối ngoại sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến TTCK Việt Nam trong năm 2023.

Cho dù tăng trưởng GDP 2023 dự báo quanh mốc 6 - 6,5%, nhưng cách thức điều hành, điều tiết nền kinh tế, những giải pháp hỗ trợ kinh tế, tháo gỡ các nút thắt thanh khoản cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu... cũng sẽ giúp TTCK hoạt động ổn định với mức độ tích luỹ thanh khoản cải thiện sẽ là động lực giúp niềm tin nhà đầu tư cải thiện nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Năm 2023 vẫn còn đó những thách thức tiếp diễn từ những khó khăn của năm 2022 chuyển sang. Dù có vài niềm tin hoạt động kinh tế chung của thế giới sẽ khởi sắc trở lại, nhưng những mối lo về tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Khi xung đột chưa được giải quyết sẽ tác động đáng kể kinh tế chung toàn cầu. Lãi suất sẽ khó trở lại mức bình thường như trước sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động doanh nghiệp và cả hoạt động đầu tư.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Biến số đầu tiên mà nhà đầu tư cần quan tâm trong năm 2023 là động thái của Fed liên quan tới lãi suất.

Hiện tại, một số dự báo cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên 4,75 - 5% (tăng thêm 0,5% so với hiện tại), nhưng cũng có khá nhiều thành viên Ủy ban Thị trường mở của Fed (FOMC) đưa ra ý kiến lãi suất cuối cùng là 5,25 - 5,5% (tăng thêm 1%). Như vậy, có thể thấy, mặt bằng lãi suất tại Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 và bất kỳ những thay đổi trong mức tăng lãi suất tại các kỳ họp của Fed sẽ gây ra những xáo trộn mạnh trên thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam.

Ngoài ra, các biến số khác nhà đầu tư cũng cần quan tâm là diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine, diễn biến mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc, còn trong nước là tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tốc độ giải ngân đầu tư công.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Trong năm 2023, thị trường chứng khoán sẽ phải vượt qua tất cả các rào cản của năm 2022, thậm chí nhiều hơn nữa nếu không muốn 2 năm liên tiếp chìm trong sắc đỏ như: Rủi ro lạm phát vẫn ở mức quá cao, khiến các nhà hoạch định chính sách cảm thấy bất an và việc cắt giảm lãi suất vẫn có thể không thành hiện thực. Xu hướng tăng lãi suất toàn cầu có thể chậm lại nhưng vẫn neo ở mức cao; suy thoái kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống…

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Tuy vậy, vẫn có những yếu tố sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán như:chứng khoán Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh bởi nhiều yếu tố hỗ trợ, ở trong nước, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công...

Vậy những kịch bản thị trường nào có thể diễn ra trong năm 2023? Tương ứng với nó nhà đầu tư nên có hành động ra sao?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

6 tháng đầu năm, với dư âm 2022 vẫn còn, dù kinh tế vẫn duy trì tốt trong năm 2022, nhưng nhiều dự báo cho thấy 2023 sẽ không dễ dàng. Do đó nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, hạn chế tối đa đòn bẩy đầu tư trong năm nay. Có thể đầu tư theo DCA (chiến lược bình quân giá) chứ không nên tất tay, hạn chế lướt sóng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Năm 2022 là năm tồi tệ với không chỉ TTCK Việt Nam mà cả đối với TTCK thế giới khi VN-Index điều chỉnh hơn 35% so với giai đoạn đầu năm. Mặt bằng cổ phiếu giảm về mức khá sâu với mức chiết khấu lớn đã mở ra cơ hội hồi phục cho năm 2023.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Vẫn còn đó các vấn đề nội tại của nền kinh tế, thanh khoản suy giảm, những khó khăn đến từ việc tái cấu trúc các bộ ban ngành, các doanh nghiệp, nhưng kịch bản phục hồi cơ bản của TTCK với nhiều khả năng quay trở lại mốc 1.280 - 1.300 điểm trong năm là dễ xảy ra khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn với yếu tố hỗ trợ là điều tiết kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư công. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục gia tăng giải ngân mạnh như những gì chúng ta chứng kiến giai đoạn 2 tháng cuối năm 2022, cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Trong kịch bản tích cực hơn của 2023 với đà hồi phục của VN-Index quay trở lại mốc 1.380 điểm hoặc tốt hơn khi dòng tiền đầu tư quay trở lại nhanh hơn.

Trong cả 2 kịch bản thì cơ hội đầu tư cũng như giao dịch ngắn hạn ở nhiều cổ phiếu luôn xuất hiện. Cho dù TTCK hồi phục nhẹ hay chỉ đi ngang trong bối cảnh dòng tiền hạn chế, thì đều luôn có các cơ hội ở các cổ phiếu của các doanh nghiệp đặc thù, có triển vọng tăng trưởng và tiềm năng phát triển lớn, hoặc đến từ mức định giá thấp hấp dẫn của nhiều cổ phiếu nhóm ngành xây dựng, công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng, tài chính như hiện nay. Cơ hội mở ra với các khoản đầu tư giá trị hoặc các cơ hội tái cấu trúc lớn, hay cổ đông lớn tham gia vào các thương vụ M&A.

Bên cạnh việc xuất hiện nhiều cơ hội cả ngắn cũng như đầu tư giá trị hay tăng trưởng, thì các nhà đầu tư cũng đừng quên tuân thủ chặt chẽ việc quản lý danh mục, quản trị rủi ro thận trọng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Một kịch bản lạc quan nhất là tình hình chiến sự tại Ukraine sớm chấm dứt và nhu cầu chung toàn cầu gia tăng dần tích cực trở lại. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước hoạt động trái phiếu chưa thể sớm ổn định trở lại và nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý chứng kiến nhiều biến động lớn ở các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động bị thu hẹp lại và thúc đẩy nhanh hoạt động M&A hơn.

Nhà đầu tư chứng khoán có thể dễ thở hơn so với năm 2022, nhưng kiếm lợi nhuận vẫn sẽ khó khăn chứ chưa thể dễ dàng như mong đợi. Việc giao dịch vẫn cần chiến lược phù hợp mới thu được hiệu quả đầu tư.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Những khó khăn cũng như rào cản của năm 2022 tiếp tục được bộc lộ ở quý I/2023 hoặc có thể đến quý II/2023, do vậy thị trường được dự báo có thể còn khó khăn và khả năng sẽ tạo đáy trong thời gian này. Nhà đầu tư nên thận trọng, tuân thủ kỹ luật trong giao dịch, tận dụng các con sóng nhỏ trong nhịp hồi trên cơ sở dòng tiền nhỏ để vào nhanh ra nhanh...

Có thể thấy, giai đoạn tiền rẻ đã không còn. Thị trường hiện tại đang bước sang một chu kỳ mới với lạm phát cao và lãi suất cao, chi phí vốn trở nên đắt đỏ. Thanh khoản trên thị trường sẽ có thể không còn dồi dào như trước. Các ông đánh giá như thế nào về sự dịch chuyển, cơ cấu lại dòng tiền lớn giữa các kênh đầu tư trong năm 2023?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Dòng tiền sẽ cân đối giữa các nhóm an toàn và các kênh rủi ro. Năm 2022 cho thấy những tài sản được xem là an toàn như trái phiếu, hay vàng đều có thể gây thua lỗ. Năm 2022 là một năm khó khăn cho nhà đầu tư, nên việc đa dạng hóa kênh đầu tư sẽ được mở rộng hơn, đồng thời kênh nổi bật trong năm 2022 là tiết kiệm vẫn sẽ được duy trì trong suốt năm 2023 hay ít nhất 6 tháng đầu năm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ hay giai đoạn tiền rẻ thường xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều kỳ vọng lớn. Cơ hội đầu tư xuất hiện nhiều kể cả ở các kênh đầu tư truyền thống, nhưng trong bối cảnh lạm phát, lãi suất ở mức cao hay khó khăn nội tại nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục triệt để, thì các cơ hội sẽ không nhiều và nhà đầu tư phải sàng lọc, chắt chịu các cơ hội hơn.

Việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư giá rẻ, nhiều doanh nghiệp có nhiều tài sản với kết quả kinh doanh yếu kém cũng sẽ chuyển sang giai đoạn tái cấu trúc hoặc "bị bán rẻ". Đây là cơ hội với các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn, chứ không phải là các cơ hội "dễ dàng".

Dòng tiền lớn có thể dịch chuyển sang những nhóm cổ phiếu có tiềm năng lớn, nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ, hay nhóm cổ phiếu chống chịu tốt với môi trường lạm phát, lãi suất cao. Ngoài ra, một số ít doanh nghiệp xuất sắc lại sẵn sàng đón nhận sự quan tâm của đám đông nhà đầu tư. Thị trường khó nhưng không khó tìm kiếm các cơ hội, vấn đề là các nhà đầu tư phải tự tin và sẵn sàng vào cuộc hành trình tìm kiếm các cơ hội...

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có đợt downtrend rất mạnh trong năm qua đã đẩy nhiều cổ phiếu doanh nghiệp có mức định giá thấp hơn mức trung bình 10 năm. Dòng tiền lớn sẽ có sự cơ cấu mạnh và hướng dòng chảy vào những nhóm ngành có triển vọng phục hồi trong dài hạn. Một số nhóm ngành về ngắn hạn sẽ chưa có nhiều kỳ vọng, nhưng về dài hạn lại là một sự đầu tư khá tốt như ngân hàng, chứng khoán, thép, dệt may…

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Trong năm 2023, kênh gửi tiết kiệm có lẽ sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã cao hơn năm 2022 khá nhiều và tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư.

Ông Ngô Thế Hiển

Ông Ngô Thế Hiển

Sau những biến động mạnh trong năm 2022, có lẽ các nhà đầu tư cá nhân sẽ có tâm lý e ngại đối với kênh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023. Thị trường bất động sản cũng được dự báo là sẽ khó khăn hơn sau giai đoạn giá tăng mạnh trong khi các chính sách tín dụng, lãi suất đã không còn thuận lợi như trước.

Đối với thị trường cổ phiếu, dòng tiền theo chúng tôi sẽ giảm so với năm 2022, cơ hội đầu tư vẫn sẽ xuất hiện nhưng nhà đầu tư cần phải nhanh nhạy mới có thể nắm bắt.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Năm 2022 đã chứng kiến các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán hay kênh đầu tư an toàn như trái phiếu, vàng… đều không hiệu quả. Trong khi đó, ở thị trường hàng hóa như dầu hay đồng USD hoặc kênh gửi tiết kiệm… vẫn là nơi tránh bão cho nhà đầu tư. Năm 2023, nhiều khả năng các kênh đầu tư này vẫn phát huy tác dụng là nơi trú ẩn an toàn.

Khởi đầu năm mới cũng là thời điểm chuẩn bị cho những cơ hội đầu tư mới, các ông có góc nhìn ra sao, đâu là những nhóm ngành nào được coi là tiềm năng trong năm 2023?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Theo tôi, nhóm năng lượng xanh, sạch; vận tải, chủ yếu vận tải đường hàng không; thực phẩm; hàng tiêu dùng; công nghệ là những nhóm ngành nhà đầu tư có thể xem xét. Trong khi đó, trong nửa đầu năm, cũng nên hạn chế đầu tư vào nhóm bất động sản, tài chính - ngân hàng và NVL.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Năm 2023 có lẽ sẽ tốt hơn năm 2022, đầu tiên là việc thay đổi về chất của nhóm VN30 với nhiều cổ phiếu mới có thể hứa hẹn tham gia thay thế những cổ phiếu không đáp ứng các tiêu chí về vốn hoá, thanh khoản... Ngoài ra, chúng ta cũng sẵn sàng cho nhóm VN50, tức tìm kiếm mở rộng sang các cổ phiếu bluechips mới nằm ngoài nhóm VN30.

Trong 1 chu kỳ tăng trưởng mới sau giai đoạn đáy 2022 thì khả năng sẽ xuất hiện các doanh nghiệp midcap, bluechips tiềm năng mới từ các nhóm ngành công nghệ, bán lẻ, dầu khí, tài chính kể cả mảng bất động sản, hoá chất, xây dựng và vật liệu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Tình hình năm mới vẫn còn nhiều biến động bất ngờ, vì vậy việc đầu tư ngắn hạn sẽ phù hợp hơn với nhiều nhà đầu tư. Các nhóm ngành sẽ thay phiên tạo các đợt sóng mới trên thị trường. Một số nhóm ngành lớn sẽ đóng vai trò giữ nhịp thị trường vẫn ưu tiên đầu tư nhiều hơn. Một số nhóm ngành liên quan xây dựng, vật liệu cũng cần lưu ý theo nhu cầu đầu tư công trong năm mới.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Một số nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm trong năm 2023 theo chúng tôi gồm: 1/Các cổ phiếu được hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công; 2/Nhóm cổ phiếu công nghệ hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số; 3/Nhóm cổ phiếu phòng thủ như các ngành tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu; 4/Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình Trung Quốc mở cửa; 4/Các cổ phiếu đầu ngành, cơ bản tốt và triển vọng trong tương lai phù hợp với đầu tư dài hạn nhưng bị định giá thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, do sự phân hóa cổ phiếu trong ngành được dự báo sẽ cao nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trong khâu lựa chọn cổ phiếu.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng, nhóm được hưởng lợi từ đầu tư công hoặc được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa sẽ có nhiều tiềm năng, bên cạnh đó có thể là nhóm bảo hiểm, công nghệ thông tin và ngành hàng tiêu dùng...

Tin bài liên quan