Góc nhìn khác về sai lệch trên báo cáo tài chính

Góc nhìn khác về sai lệch trên báo cáo tài chính

(ĐTCK) Trái với cái nhìn có phần áp đặt về tính tuân thủ chuẩn mực kế toán yếu kém của DN, ý kiến của nhiều kế toán trưởng, người làm công việc “bếp núc” lập BCTC trong DN (đưa ra tại Hội nghị CLB Kế toán trưởng toàn quốc hồi cuối tuần trước tại Hà Nội) cho thấy một góc nhìn khác về nguyên nhân dẫn đến những sai lệch trên BCTC.

Đó là sự “lệch pha” giữa các quy định tài chính - kế toán khác nhau, thậm chí trong cùng một văn bản.

Nhiều nút vướng trong hợp nhất BCTC

Ông Lưu Văn Tuyển, Kế toán trưởng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chia sẻ rất nhiều vướng mắc trong việc lập BCTC hợp nhất liên quan đến khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.

Theo ông Tuyển, khi thực hiện cổ phần hoá, theo quy định của Nhà nước, DN phải đánh giá lại các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Khi đó, khoản đầu tư này sẽ phát sinh tăng/giảm so với giá trị đầu tư ban đầu. Khi lập BCTC hợp nhất, giá trị khoản đầu tư vào công ty con trên BCTC của công ty mẹ sẽ khác biệt với giá trị vốn chủ sở hữu tương ứng trên BCTC của công ty con.

Với khoản cổ tức từ các công ty con, công ty liên kết sau ngày cổ phần hóa, DN cũng gặp vướng khi hạch toán. Đây là cổ tức được chia từ lợi nhuận chưa phân phối tại các công ty con, công ty liên kết phát sinh cho kỳ hoạt động trước ngày Tập đoàn được cổ phần hóa và đã là cơ sở để đánh giá tăng giá trị khoản đầu tư của Tổng công ty khi thực hiện đánh giá lại các khoản đầu tư cho mục đích cổ phần hóa nêu trên. “Vậy khoản cổ tức này nên được xử lý như thế nào trên BCTC của Tập đoàn, ghi tăng doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ để phù hợp với nguyên tắc giá gốc, hay ghi giảm trừ vào giá gốc khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết để phù hợp với chuẩn mực về hợp nhất kinh doanh?”, ông Tuyển đặt câu hỏi.

Về nghiệp vụ trả cổ tức bằng cổ phiếu, theo ông Tuyển, Thông tư 244/2009/TT- BTC quy định, cổ phiếu thưởng không được hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính mà chỉ thống kê bổ sung số lượng cổ phiếu, mà bản chất là ghi giảm giá trị đầu tư. Trong khi công ty mẹ không ghi tăng khoản đầu tư vào công ty con, công ty con lại ghi nhận tăng khoản vốn góp của công ty mẹ trên khoản mục vốn chủ sở hữu. “Trong khi công ty con chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, nhưng nghiệp vụ này lại không được ghi nhận trên BCTC của công ty mẹ, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tài chính của công ty mẹ”, ông Tuyển nói.

Ông Tuyển phản ánh, thực tế, một số công ty chưa niêm yết đang đối phó với quy định này bằng cách thông báo chia cổ tức bằng tiền, đồng thời, thu lại để tăng vốn. Về bản chất, việc này không khác gì so với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Đỗ Xuân Hoà, Kế toán trưởng CTCP Gang thép Thái Nguyên lại có một băn khoăn khác về quy định hạch toán trích lập dự phòng khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Ông Hòa lấy ví dụ, CTCP Gang thép Thái Nguyên đầu tư góp vốn vào Công ty A với giá trị ban đầu là 19 tỷ đồng. Khi Gang thép Thái Nguyên được cổ phần hóa, khoản đầu tư này được đánh giá lại là 31 tỷ đồng. Cuối năm tài chính, khi tính toán số liệu để trích lập dự phòng khoản đầu tư này phải là 26 tỷ đồng, nhưng  kiểm toán chỉ chấp nhận cho Công ty được trích lập 19 tỷ đồng (căn cứ quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ trích lập dự phòng: “Mức trích tối đa cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư”). Như vậy, nếu tuân thủ quy định thì số liệu tài chính trên BCTC đã không phản ánh trung thực tình hình tài chính của DN.

 

… và xử lý khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái

Tại hội nghị CLB Kế toán trưởng toàn quốc, câu chuyện về “độ vênh” giữa các văn bản hướng dẫn xử lý kế toán khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng được đem ra “mổ xẻ”.

Theo ông Đỗ Xuân Hòa, chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 quy định, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm tài chính được hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập tài chính trong kỳ, thể hiện trên bảng kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư 201/2009/TT-BTC, chênh lệch phát sinh từ việc đánh giá lại các khoản phải trả dài hạn được ghi nhận vào kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong kỳ. Trong trường hợp bị lỗ, DN có thể phân bổ một phần lỗ chênh lệch tỷ giá cho năm sau nhưng mức hạch toán vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số dư ngoại tệ dài hạn phải trả trong năm đó, số còn lại tiếp tục phân bổ cho năm sau nhưng tối đa không quá 5 năm.

“Điều này có nghĩa là nếu muốn giảm lỗ hoặc có lãi, DN chỉ cần điều chỉnh cách hạch toán chênh lệch tỷ giá. Phần còn lại được ghi nhận vào khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái, phản ánh trên bảng CĐKT. Với hai cách quy định, DN sẽ có hai con số lợi nhuận khác nhau”, ông Hòa đặt vấn đề.

Trên thực tế, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay, nhiều công ty đã tận dụng kẽ hở này để “làm đẹp” con số lợi nhuận trên BCTC, đặc biệt là những DN sử dụng nhiều vốn vay ngoại tệ. Ví dụ, trên BCTC bán niên soát xét của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS), đơn vị kiểm toán lưu ý tại thời điểm 30/6/2012, Công ty phản ánh số dư khoản mục chênh lệch tỷ giá hối đoái theo Thông tư 201 của Bộ Tài chính 165 tỷ đồng do đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ của khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ. Điều này tương ứng với việc làm tăng lợi nhuận của Công ty thêm 165 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, PGS.TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) kiêm Chủ nhiệm CLB Kế toán trưởng toàn quốc cho biết, Bộ Tài chính đã thấy được “độ vênh” giữa hai văn bản này và quan điểm xử lý của Bộ trưởng là sẽ thống nhất áp dụng theo chuẩn mực kế toán. “Thông tư sửa đổi Thông tư 201/2009 sẽ được ban hành trong thời gian tới”, ông Hùng chia sẻ. Với nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn lập BCTC của DN, ông Hùng cũng đề nghị các DN có công văn gửi về Bộ Tài chính để Bộ nắm bắt tình hình thực tiễn cũng như có văn bản hướng dẫn cách xử lý.