Gói kích cầu thứ hai: Lộ trình và kỳ vọng

Gói kích cầu thứ hai: Lộ trình và kỳ vọng

(ĐTCK-online) Chính sách tiền tệ vẫn là công cụ mũi nhọn trong gói kích cầu thứ hai và có thể sẽ tiếp tục có hỗ trợ lãi suất, nhưng ở một mức độ thấp hơn, chọn lọc hơn

Sự cần thiết

Đúng như dự đoán của chúng tôi, tin tức về gói kích cầu thứ hai mà không ít thành viên thị trường rất kỳ vọng mới xuất hiện dưới dạng việc các bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất của một số thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia về khả năng tiếp tục thực hiện một số biện pháp kích thích kinh tế sau khi gói kích thích kinh tế ngắn hạn hết hiệu lực trong năm 2009.

Trước hết, rõ ràng cần có sự đánh giá toàn diện các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa được Chính phủ áp dụng từ đầu năm đến nay. Tác động của các chính sách này đã ngấm vào nền kinh tế ra sao, sẽ còn có tác dụng bao lâu và có thể gây ra hệ lụy gì cho ổn định vĩ mô dài hạn, đâu là khu vực còn yếu của nền kinh tế và triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2010 là những câu hỏi cần trả lời thấu đáo, trước khi thiết kế các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo.

Năm 2010, nếu so với đáy của khủng hoảng, kinh tế thế giới có thể sẽ có những bước chuyển đáng kể, nhưng những di chứng của nó khiến cho mức độ tăng trưởng sẽ thấp hơn rất nhiều so với thời gian trước đó. Trong nửa cuối năm 2009, sự hồi phục của kinh tế thế giới đến từ việc xử lý hết lượng hàng tồn kho dư thừa trước đó và từ các biện pháp kích thích tiêu dùng và đầu tư của các chính phủ. Để kinh tế thực sự hồi phục bền vững trong năm 2010, cần phải có sự hồi phục từ nhu cầu chi tiêu cuối cùng của người tiêu dùng và DN khi đã giảm bớt hỗ trợ về giảm thuế và lãi suất thấp. Trong khi đó, chi tiêu dùng tại các nước phát triển vẫn là điểm yếu nhất do số lượng người thất nghiệp sẽ còn duy trì ở mức kỷ lục trong năm 2010 (với tỷ lệ thất nghiệp trên dưới 10% tại Mỹ và nhiều nước châu Âu). Trong bối cảnh đó, có lẽ việc có thêm các biện pháp kích thích kinh tế là không thể không thực hiện, vì hai lực đẩy chính là xuất khẩu và FDI năm 2010 chỉ có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng rất thấp hoặc ngang bằng với năm 2009.

Lộ trình và nội dung dự kiến

Với độ trễ của chính sách tiền tệ, gói kích cầu thứ nhất vẫn sẽ phát huy tác dụng đáng kể cho đến tận quý I/2010 và đó là thời điểm phù hợp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiếp theo. Các bàn luận về gói kích cầu thứ hai cũng có thể là một trọng tâm chính trong kỳ họp Quốc hội thường kỳ cuối năm vào tháng 11. Kết luận của Thanh tra Chính phủ về gói bù lãi suất 4%/năm cũng sẽ được công bố trong thời gian tới như một cơ sở quan trọng để nhìn nhận về những mặt trái trong thực thi chính sách kích cầu, để có thể thiết kế gói kích cầu thứ hai hiệu quả và lành mạnh hơn. Do đó, chỉ có thể có thông tin chi tiết về gói kích cầu thứ hai vào tháng 11 này.

Xét về nội dung, theo chúng tôi, gói kích cầu thứ hai trong năm 2010 sẽ có những điểm khác biệt như sau. Thứ nhất, sẽ gắn chặt với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế trong trung và dài hạn để tạo dựng nền tảng giúp cho kinh tế quay về mức tăng trưởng tiềm năng 7,5% từ năm 2011. Thứ hai, sẽ đặt trọng tâm vào các khu vực dễ tổn thương hơn và tái cơ cấu tự nhiên nhanh chóng hơn của nền kinh tế, như khu vực DN vừa và nhỏ và kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Do đó, hỗ trợ lãi suất cho vốn vay trung và dài hạn sẽ có thể được chú trọng đẩy mạnh hơn. Thứ ba, về hình thức vẫn sẽ tiếp tục cả kích thích về tài khóa (thuế và chi đầu tư) và tiền tệ (bù lãi suất), song với mức độ thấp hơn.

Một điểm lưu ý là chính sách tiền tệ vẫn là công cụ mũi nhọn trong gói kích cầu thứ hai và có thể sẽ tiếp tục có hỗ trợ lãi suất, nhưng ở một mức độ thấp hơn, chọn lọc hơn.

Tác động với nền kinh tế và TTCK

Theo chúng tôi, gói kích cầu thứ hai chỉ nên kỳ vọng là một bước đệm giúp cho nền kinh tế chuyển về trạng thái tăng trưởng cân bằng với tác động kích thích một cách hạn chế và chú trọng hơn vào yếu tố tái cơ cấu kinh tế. Kích cầu không thể giúp nhanh chóng quay trở lại tiềm năng tăng trưởng một cách bền vững hay có thể tạo ra một mặt bằng tăng trưởng tiềm năng cao hơn trong dài hạn. Tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực và chất lượng hạ tầng cơ sở (cả cứng và mềm) mới là động lực để nền kinh tế có thể quay lại tiềm năng tăng trưởng một cách bền vững.

Do gắn với các yếu tố trung và dài hạn nhiều hơn và sẽ được áp dụng trong thời kỳ kinh tế hồi phục tăng trưởng, nên tác động của gói kích cầu thứ hai sẽ cần phải có nhiều thời gian để bộc lộ hơn là gói kích cầu thứ nhất áp dụng đúng lúc nền kinh tế Việt Nam đang ở đáy của suy giảm tăng trưởng. Thêm vào đó, mức độ nới lỏng chính sách cũng sẽ giảm đáng kể so với gói kích cầu thứ nhất để đảm bảo tính bền vững của ngân sách, nên mức độ tác động kích thích tăng trưởng kinh tế, kích thích hoạt động kinh doanh của DN cũng sẽ giảm bớt.

Các DN thể hiện được năng lực và khả năng cạnh tranh trong các ngành về hạ tầng cơ sở và nông nghiệp sẽ có thể được hưởng lợi từ gói kích cầu thứ hai. Song lưu ý là có thể các DN vừa và nhỏ sẽ được chú trọng hơn, nên không ít DN niêm yết lớn trong các lĩnh vực nói trên sẽ không được hưởng lợi.

Xét về góc độ tăng trưởng tiền tệ, tín dụng, do có thể áp dụng bù lãi suất một cách chọn lọc hơn với trọng tâm là khu vực DN vừa và nhỏ, nên quá trình giải ngân cũng sẽ chặt chẽ hơn và khó tăng mạnh tín dụng, do khu vực DN vừa và nhỏ có hệ thống sổ sách kế toán không chuẩn mực nên rất khó cho việc đảm bảo quy trình tín dụng. Mặt trái nảy sinh là khả năng rò rỉ tín dụng, song với những kinh nghiệm giám sát chất lượng tín dụng của gói kích cầu thứ nhất, tình trạng này khó có thể xảy ra với mức độ lớn. Trọng tâm tín dụng trung dài hạn của gói kích cầu thứ hai cũng sẽ khiến tăng trưởng tín dụng khó có thể đẩy cao, do sự thận trọng của các ngân hàng trong thẩm định tín dụng trung dài hạn là cao hơn nhiều.

Với các tác động bộc lộ lâu hơn, chọn lọc hơn và ít đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, gói kích cầu thứ hai nếu có cũng sẽ không tác động mạnh đến TTCK như gói kích cầu thứ nhất. NĐT nên có cái nhìn dài hạn hơn về gói kích cầu thứ hai nếu có, để tránh sự phấn khích quá mức khi kỳ vọng như những gì gói kích cầu thứ nhất đã tác động đến TTCK trong thời gian qua.