Hà Nội: Cần chính sách đặc thù thu hút “sếu đầu đàn” đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
Để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhất là “sếu đầu đàn” đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi Hà Nội cần có nhiều hơn những cơ chế, chính sách đặc thù.
Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Minh Thắng)

Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Minh Thắng)

Những mô hình doanh thu tiền tỷ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là 1 trong 6 giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.

Những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách ưu đãi các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Huyện Đan Phương là một trong những địa phương chú trọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nổi bật phải kể tới hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Với số vốn gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, hợp tác xã đã đầu tư 7.000m2 nhà màng, áp dụng sản xuất công nghệ cao và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Năm 2021, hợp tác xã đã thành công lớn với mô hình trồng nho hạ đen mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp CNC gắn với du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, địa phương này đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, huyện Đan Phượng đã có 8 mô hình nông nghiệp công nghệ cao và 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung... Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng đáng kể, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, làm giàu cho người nông dân.

Trong khi đó, ở huyện Mỹ Đức, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm theo công nghệ của Nhật Bản. Với công nghệ hiện đại, sản phẩm của công ty đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường, mỗi tháng bán 40 tấn nấm cho các siêu thị, cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh thu đạt 15 tỷ đồng.

Còn ở huyện Mê Linh, nông dân Nguyễn Tiến Dũng đã huy động toàn bộ số tiền tích góp được cộng với số vốn vay mượn để xây dựng nông trại đa canh quy mô gần 129ha. Trong đó có 4.000m2 thực hiện mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này mang lại doanh thu trên dưới 18 tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2022, nông trại cung cấp cho thị trường 120.000 cây lan các loại với giá trị tương đương 12 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó dẫn đầu là huyện Mê Linh với 18 mô hình; tiếp đến là huyện Gia Lâm 17 mô hình, huyện Thường Tín 14 mô hình… 20 nhãn hiệu tập thể được xây dựng cũng đang phát triển rất hiệu quả như Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), hay Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức)… Tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn Thành phố đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.

Toàn thành phố có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống lúa, rau, hoa và cây ăn quả; 9 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản - công nghệ chế biến nông sản... Từ việc ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nông sản tăng mạnh, mang lại thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất rau. Hiện, tại các vùng trồng rau đã có 127ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750m2.

Còn về chăn nuôi, toàn Thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

Cần chính sách đặc thù thu hút “sếu đầu đàn”

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Nguyên nhân là do năng lực của hộ nông dân, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn.

Đặc biệt, trên địa bàn Thủ đô vẫn rất hiếm doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ đầu tàu có khả năng dẫn dắt nông dân sản xuất. Hiện Thành phố mới chỉ có 1 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phần lớn các mô hình còn lại có quy mô nhỏ lẻ và mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ tiên tiến từng phần nên chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp Hà Nội.

Với thế mạnh là thị trường trung và cao cấp, cùng nguồn lực khoa học và công nghệ tốt, Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhất là “sếu đầu đàn” đầu tư vào ngành nông nghiệp, đòi hỏi Hà Nội cần có nhiều hơn những cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng, vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng quan trọng. Chính thế, Thành phố Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, nhất là vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Còn theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác, phối hợp với địa phương triển khai thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định nhằm thu hút doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp như: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất chuyên canh; ưu đãi về thuê đất, mặt nước để thực hiện dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng ban đầu đối với cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành của Thành phố rà soát lại cơ chế, chính sách đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm phát huy những cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời, báo cáo cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Để chính sách đi vào thực tiễn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Nhằm tạo đột phá cho nông nghiệp công nghệ cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu bày tỏ mong muốn cùng với Nhà nước và doanh nghiệp, phải có sự tham gia của nhà nông, nhà khoa học, nhà truyền thông.

Ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất Thành phố bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội cũng kỳ vọng, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm công nghệ tiên tiến, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn với giá thành hợp lý để bà con nông dân, các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ với người nông dân, tiến tới xây dựng những chuỗi liên kết mang lại giá trị cao và bền vững.

Tin bài liên quan