Hà Nội: Điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp FDI

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

Sáng 19/10, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2021, Thành phố Hà Nội đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch, trong đó căng thẳng nhất là 4 đợt giãn cách nghiêm ngặt, kéo dài liên tục 60 ngày, từ cuối tháng 7 đến nay. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng bị ảnh hưởng do phải đình giãn hoạt động sản xuất, kinh doanh để phòng chống dịch.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối trao đổi, nắm bắt thông tin, nhận các đề xuất, kiến nghị đến từ hơn 500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội với vị thế là Thủ đô, là trái tim của cả nước, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam; mặc dù diện tích của Thành phố Hà Nội chỉ chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và dân số chỉ chiếm khoảng 8,5% dân số của cả nước, nhưng Thành phố Hà Nội đã đóng góp khoảng 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển quan trọng của Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

“Trong nhiều năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; chính quyền Thành phố Hà Nội xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”, Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Đặc biệt, chính quyền Thành phố luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền Thành phố Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD.

Trong năm 2018 và năm 2019, Thành phố Hà Nội đã dẫn đầu trên cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; Năm 2020 Thành phố Hà Nội đứng thứ 3 trên cả nước với số vốn là 3,83 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù Thành phố Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố Hà Nội, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của Thành phố, với khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của cả Thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Đây là một minh chính vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố Hà Nội, và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài”.

Những kết quả đạt được của Thành phố Hà Nội trong thời gian qua là đáng mừng và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô.

Theo đó, tổng sản phẩm GRDP của Thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 77%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 12%, doanh nghiệp giải thể tăng 22%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước;

Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa tại một số thời điểm nhất định bị giãn đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch Covid 19.

“Thấu hiểu những khó khăn đó, chính quyền Thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, chính quyền Thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội thực hiện ngay việc gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021 cho trên 31.000 người nộp thuế, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào khoảng 22.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 52 ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

Thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho 650 người nộp thuế, với số tiền thuê đất được giảm vào khoảng 250 tỷ đồng theo quy định tại Quyết định số 27 ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid 19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 44 ngày 31/3/2021 của Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Và hiện nay, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang xem xét và sẽ sớm ban hành thêm các chính sách miễn thuế, giảm thuế nhằm tiếp tục hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19.

Với những nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị của Việt Nam; với vai trò và vị thế của Thủ đô, chính quyền Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xây dựng Thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện; Chú trọng phát triển văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng.

Với tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu việt của mình, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Chính quyền Thành phố Hà Nội cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức của Thành phố Hà Nội

Đồng thời, chính quyền Thành phố Hà Nội cũng đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện đúng, đầy đủ, có chất lượng các dự án đầu tư theo đúng Giấy phép đầu tư và các cam kết của nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau thời gian giãn cách (từ ngày 21/9 đến ngày 15/10/2021), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận và xử lý 416 lượt hồ sơ một cửa thuộc lĩnh vực đầu tư FDI (bằng 65,9% tổng số hồ sơ từ đầu năm); giải quyết 278 hồ sơ với số vốn tăng lên khoảng 340 triệu USD (bằng 40,9% vốn đầu tư thu hút 9 tháng đầu năm, bao gồm đăng ký dự án mới, dự án tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần), nâng tổng số vốn thu hút FDI năm 2021 đến nay khoảng 1.200 triệu USD.

Tin bài liên quan