Hà Nội: Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu theo đúng kế hoạch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chiều 20/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, đến hết quý III/2023; giải pháp 3 tháng cuối năm 2023.

Nhiều làng nghề có doanh thu hàng năm cao trên 1.000 tỷ đồng

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý III/2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội cho biết: Đến nay, TP. Hà Nội có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM ( còn 2 huyện chưa đạt: Ứng Hòa, Mỹ Đức); có 6 huyện phấn đấu đạt NTM nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Về xây dựng xã NTM nâng cao, năm 2023, TP. Hà Nội giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả, đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 9 xã (vượt 5 xã so với kế hoạch TP. Hà Nội giao).

Các huyện, thị xã còn lại hiện đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phấn đấu trình UBND TP. Hà Nội trước 15/11/2023.

Về xây dựng xã NTM kiểu mẫu, năm 2023, TP. Hà Nội giao các huyện, thị xã hoàn thành 33 xã. Kết quả, đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 2 xã NTM kiểu mẫu. Các huyện, thị còn lại hiện đang tập trung hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phấn đấu trình UBND TP. Hà Nội, trước 15/11/2023.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, diện tích cây lâu năm đạt khá. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, sản lượng thịt xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì.

Về phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 1.410 HTX nông nghiệp, 1.695 trang trại; 322 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Các làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

Một số làng nghề có doanh thu hằng năm cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, Hoài Đức đạt trên 1.000 tỷ đồng, làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, Hoài Đức đạt trên 1.300 tỷ đồng, làng nghề có khí nông cụ Phùng Xá, Thạch Thất đạt 1.209 tỷ đồng…

Có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 4.169 hộ, doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm, đã khởi công, động thổ đầu tư hạ tầng kỹ thuật 10 cụm công nghiệp. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%, hộ cận nghèo còn 1,72%.

Từ năm 2021 đến quý III/2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình NTM là 53.271 tỷ đồng. Tổng kinh phí huy động vốn năm 2023 là 12.081,15 tỷ đồng; có 8 quận hỗ trợ các huyện xây dựng NTM kinh phí 648,2 tỷ đồng, trong đó, Tây Hồ đã hỗ trợ 6 huyện với tổng kinh phí 270,8 tỷ đồng; Long Biên hỗ trợ 128 tỷ đồng; Hoàng Mai hỗ trợ 85 tỷ đồng; Hoàn Kiếm hỗ trợ 63,8 tỷ đồng…

Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất một số kiến nghị. Theo đó, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng kiến nghị Thành phố chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, nguồn lực tập trung thực hiện 2 tuyến đường kết nối cho các huyện phía Nam góp phần giải quyết điểm nghẽn về giao thông, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, đã đôn đốc các nhà đầu tư, chính quyền các huyện triển khai vấn đề cấp nước sạch với tiến độ cụ thể, tập trung hoàn thành trong năm 2024.

Đối với 8 huyện còn khó khăn trong công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa thông tin, Sở có kế hoạch làm việc với từng quận, huyện để có giải pháp cụ thể và xin ý kiến các sở, ngành liên quan để cùng tháo gỡ.

Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Anh Quân phản ánh việc xử lý chất thải rắn còn gặp khó khăn, do chưa thu hút được các nhà đầu tư để thực hiện xã hội hóa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, đối với các hộ không di dời phải có biện pháp bắt buộc xử lý trước khi xả thải ra môi trường.

Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Phát biểu tại Hội Nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, trong năm 2024, TP. Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hết các mục tiêu xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình 04-CTr/TU nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh lại, với 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hiện Thủ đô chỉ còn 2 huyện, huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức đang đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng theo hướng dẫn của Trung ương. Như vậy, trong năm 2023, TP. Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Trong năm 2023, TP. Hà Nội phải có thêm 3 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh) đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 2 huyện còn lại (Ứng Hòa, Mỹ Đức) đạt chuẩn NTM; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Các địa phương, đơn vị cần khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.

Trong đó, các huyện: Đông Anh, Gia Lâm cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội và các sở, ngành để hoàn thiện báo cáo, hồ sơ huyện NTM nâng cao, phấn đấu trình Trung ương, trong tháng 11/2023.

Huyện Thanh Trì đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ huyện NTM nâng cao, trình TP. Hà Nội, trước tháng 11/2023.

UBND các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt theo các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy và UBND TP. Hà Nội, phấn đấu trình Thành phố, trong Quý I/2024.

Huyện Mỹ Đức tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội giải trình, hoàn thiện hồ sơ huyện NTM trình Trung ương, phấn đấu được công nhận trong quý IV/2023.

Tin bài liên quan