Bất động sản và hạ tầng giao thông là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết

Bất động sản và hạ tầng giao thông là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết

Hạ tầng giao thông thúc đẩy nhu cầu mua nhà xa trung tâm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông đã xóa dần cảm giác "ở gần, ở xa" của người mua nhà, thúc đẩy người dân tìm mua bất động sản ven đô.

Lối mở từ hạ tầng giao thông

Từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, không chỉ tăng mạnh về lượng cung so với cùng kỳ, mà lượng giao dịch trong quý I/2021 cũng có sự cải thiện rõ rệt. Tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 16.038 sản phẩm (gồm 14.114 căn hộ và 1.924 thấp tầng), giao dịch đạt 6.126 sản phẩm (gồm 3.734 căn hộ và 1.224 thấp tầng), tương đương tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 38,2%.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS, việc thị trường địa ốc ấm dần trở lại chủ yếu là do người dân bớt lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời có tâm lý kỳ vọng nhiệm kỳ Chính phủ mới sẽ giải quyết nhiều vướng mắc căn bản của thị trường thời gian vừa qua. Đặc biệt, nếu nhìn tổng thể thị trường, không khó để nhận ra trong chu kỳ phục hồi mới, có sự gắn kết rất rõ nét với các dự án hạ tầng đô thị giao thông và những đồ án quy hoạch mới.

Chẳng hạn, loại trừ tình trạng một số “cò” lợi dụng tạo sóng để thổi giá ở một số loại hình đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trong thời gian vừa qua, khu vực Long Biên, Đông Anh có những tiềm năng để trở thành khu vực tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản khi 10 dự án cầu vượt sông Hồng chuẩn bị được triển khai. Cuối tháng 3/2021, Hà Nội cũng đã chính thức công bố Dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng và được xem là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”.

Không khó để nhận ra trong chu kỳ phục hồi mới của thị trường bất động sản có sự gắn kết rất rõ nét với các dự án hạ tầng đô thị giao thông và những đồ án quy hoạch mới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS

Là người gắn bó với bài toán quy hoạch đô thị và các cực phát triển của Thủ đô Hà Nội, kiến trúc sư Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, nay là Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, bờ Đông sông Hồng vốn sở hữu lợi thế đặc biệt về quỹ đất và cũng chỉ cách quận Hoàn Kiếm – trung tâm Thủ đô - đúng một cây cầu.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, nhằm tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế Thủ đô, thúc đẩy bờ Đông sông Hồng trở thành "Thành phố trung tâm phía Đông" được xem là một trong những mục tiêu chiến lược. Ngoài ra, việc mở rộng về phía Đông cũng là cách để TP. Hà Nội giải tỏa áp lực về quy hoạch khi theo thời gian, những hạn chế về quy hoạch và hạ tầng đan xen giữa cũ và mới khiến cho khu vực nội đô trở nên chật chội.

Ghi nhận tại thị trường bất động sản khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh thời gian qua, đa số giao dịch là các nhà đầu tư đi thu gom đất thổ cư và tùy theo vị trí gần sông bao nhiêu mà giá cao bấy nhiêu. Trung bình, giá đất hiện đã tăng khoảng 4 - 5 lần so với cách đây 5 năm.

Khi nhu cầu đón đầu hạ tầng

Bất động sản và hạ tầng là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giá trị bất động sản có thể bị đóng băng vì hạ tầng, nhưng cũng có thể tăng mạnh nhờ hạ tầng. Với điều kiện kinh tế hiện nay, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cengroup cho rằng, giá cả không phải là vấn đề với người mua nhà, mà yếu tố cơ bản nhất là chất lượng sống, dịch vụ, tiện ích của dự án bất động sản đó đến đâu.

Nhiều khu đô thị ở ngoại thành được đầu tư quy hoạch phát triển đồng bộ, việc kết nối hạ tầng đang thu hút cư dân Hà Nội trước thực trạng nội đô ngày càng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, thiếu hệ thống nước sinh hoạt… Với việc các tuyến đường giao thông được mở rộng, người dân sống ở ngoại thành đi vào trung tâm Hà Nội không mất quá nhiều thời gian, thậm chí tương đương so với ở người sống ở các khu vực nội đô nhưng các tuyến đường xung quanh chật chội, ùn tắc.

Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng như nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills. Theo đó, xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm tiếp diễn trong năm 2021 khi gần như không có nguồn cung mở bán mới ở bốn quận trung tâm. Có tới 70 - 80% nguồn cung mở bán các dự án mới thường nằm xa trung tâm nội đô từ 5 - 10 km, thậm chí đang có xu hướng xa hơn.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Phụ trách bộ phận phân tích CBRE Việt Nam, trước đây, nhiều người ngại sống ở vùng ven vì sự bất tiện về giao thông, nên chọn mua những dự án gần trung tâm với mức giá cao. Nếu không đủ tiềm lực tài chính, nhiều người sẽ chọn phương án đi thuê nhà gần trung tâm để ở vì tiện cho việc đi làm, hoặc học hành, sinh hoạt của con cái. Tuy nhiên, chính sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông đã giúp xóa dần cảm giác "ở gần, ở xa" của người mua nhà, thúc đẩy người dân tìm mua các dự án bất động sản xa trung tâm.

Giá cả thấp hơn, trong khi không gian rộng rãi, thoải mái hơn khiến người mua nhà dễ dàng chấp nhận hơn việc sinh sống xa trung tâm. "Điều quan trọng là các tuyến đường mới mở, cùng tiện ích xã hội phát triển giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc di chuyển, cũng như chọn chỗ học hành cho con cái", bà An nói và cho biết, khi người dân có xu hướng ly tâm, sẽ kéo giãn mật độ cư dân ra ngoại ô, các loại hình dịch vụ cũng sẽ dịch chuyển theo.

Ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhờ các tuyến đường giao thông thuận lợi hơn, nhiều người dân Thủ đô có điều kiện kinh tế tốt cũng mở hầu bao đầu tư nhiều loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Năm 2020 vừa qua đã chứng kiến dòng người tìm về những khu vực xa trung tâm như Lương Sơn và Kỳ Sơn thuộc Hòa Bình săn mua đất. Trong đó, dòng tiền có xu hướng tìm đến những lô đất lớn để phát triển nhà vườn hoặc các khu homestay, đón làn sóng nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai như Legacy Hill, Ivory Coast…

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, nhu cầu với sản phẩm bất động sản vùng ven Hà Nội, đặc biệt là những dự án phát triển theo hình thức bất động sản nghỉ dưỡng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư dựa trên nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn ngày tăng dần sau các đợt dịch Covid-19, tất yếu dẫn đến sự khởi sắc của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Nhu cầu cao là vậy, nhưng do nguồn cung hạn chế nên các dự án đang bán rất chạy. Hạ tầng giao thông di chuyển thuận tiện, giờ khách hàng có thể thuận tiện di chuyển chỉ 1 - 2 tiếng là đã đến nơi để thư giãn cuối tuần.

Tin bài liên quan