Hạ tầng vùng Đông Nam bộ dần được gỡ “nút thắt”

0:00 / 0:00
0:00
Một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh vùng Đông Nam bộ chuẩn bị được khởi công, dần gỡ “nút thắt” về hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm này.
Tuyến metro số 1 của TP.HCM đang hoàn thành. Ảnh: Lê Toàn.

Tuyến metro số 1 của TP.HCM đang hoàn thành. Ảnh: Lê Toàn.

Việc khởi công Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn I) thuộc đường Vành đai 3, TP.HCM đánh dấu cột mốc mới cho việc gỡ các “nút thắt” về hạ tầng kết nối vùng Đông Nam bộ. Đây là một dấu mốc mới cho sự liên kết vùng vì Dự án có cây cầu rất quan trọng là cầu Nhơn Trạch kết nối TP.HCM với Đồng Nai.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, Dự án sẽ được thi công trong 3 năm, khi hoàn thành vào năm 2025, sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, đồng thời góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP.HCM.

Sau khi dự án thành phần đầu tiên của đường Vành đai 3, TP.HCM được khởi công, các địa phương nơi tuyến đường Vành đai 3 đi qua đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để đồng loạt khởi công dự án trước tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025 cùng với Sân bay Long Thành. Đây là tuyến đường kết nối đến Sân bay Long Thành theo hướng Quốc lộ 51, giúp giảm tải cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Kết nối TP.HCM và Đồng Nai, bên cạnh đường Vành đai 3, còn có Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công, sẽ hoàn thành vào năm 2025; Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã lên kế hoạch mở rộng lên 8 làn xe; cầu Cát Lái đang lấy ý kiến hướng tuyến, dự kiến khởi công trong thời gian tới.

Ở phía Nam TP.HCM, hướng kết nối với tỉnh Long An, Dự án mở rộng Quốc lộ 50, sau nhiều năm trục trặc, sẽ khởi công vào quý IV năm nay. Được HĐND TP.HCM thông qua với số vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, khi hoàn thành, Quốc lộ 50 sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa của các khu công nghiệp từ TP.HCM đến Long An, Tiền Giang được thông suốt.

Một tuyến cao tốc được kỳ vọng rất lớn là TP.HCM - Mộc Bài đang trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công vào năm 2024. Có chiều dài 53,5 km, nối từ TP.HCM đến Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), khi hoàn thành, Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Song song với việc đầu tư các dự án giao thông kết nối liên vùng, TP.HCM chuẩn bị khởi công hàng loạt dự án để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng trong nội đô. Ngay cuối năm 2022, sẽ có 2 dự án được khởi công gồm nút giao An Phú (TP. Thủ Đức); đường nối Trần Quốc Hoàn và đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). Đây đều là các dự án gỡ điểm nghẽn ở các cửa ngõ dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Như vậy, với một loạt dự án chuẩn bị khởi công và một số dự án đang thi công, đến năm 2025, rất nhiều dự án liên kết vùng sẽ hoàn thành. Điển hình là tuyến đường Vành đai 3, TP.HCM kết nối một vòng tròn khép kín các tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương. Ngoài ra, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50 sẽ tạo thêm các hướng vận chuyển mới giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC cho biết, mỗi tháng, doanh nghiệp này chạy hàng trăm chuyến hàng chở container giữa TP.HCM với Đồng Nai. Do kẹt xe thường xuyên ở Quốc lộ 51, nên hiệu suất quay đầu xe hiện giảm một nửa, chi phí tiêu hao nhiên liệu tăng lên. Khi có cầu Nhơn Trạch, đường đi từ TP. Thủ Đức đi Đồng Nai sẽ gần hơn và không phải vòng qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây hoặc Quốc lộ 1 hướng cầu Đồng Nai.

Với số vốn đầu tư rất lớn được Chính phủ “rót” vào hạ tầng giao thông, trong tương lai gần, hệ thống giao thông vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành các trục dọc, đường vành đai khép kín kết nối các địa phương với hạt nhân là TP.HCM, tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế của cả vùng.

Tin bài liên quan