Hà Thanh Tùng, CEO Nextify: Hỗ trợ doanh nghiệp tạo tệp khách hàng riêng

0:00 / 0:00
0:00
Đối với Hà Thanh Tùng, cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng truyền thống xây dựng tập khách hàng riêng là mảnh đất nhiều tiềm năng.
Hà Thanh Tùng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nextify.

Hà Thanh Tùng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nextify.

Nhà đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Nextify Hà Thanh Tùng đã chứng minh điều đó bằng sự phát triển ấn tượng của Nextify chỉ trong hơn một năm.

Giải pháp cho các cửa hàng truyền thống

Chưa có thống kê chính xác về độ phủ mạng Wi-Fi tại các dịch vụ truyền thống như cắt tóc, spa hay cà phê, nhưng có một điều không khó nhận ra rằng, đây là yêu cầu không thể thiếu để thu hút khách hàng hiện nay.

Gần đây, các chủ kinh doanh cửa hàng truyền thống đã nhận thấy, việc khách hàng kết nối mạng Wi-Fi của họ cũng có thể kinh doanh. Mô hình thường thấy trong thời gian qua là các doanh nghiệp này kết hợp với nhà cung cấp dịch vụ Wi-Fi Marketing. Hình thức này khiến cả 3 bên đều vui: khách hàng có Internet miễn phí, doanh nghiệp không phải trả chi phí hạ tầng và nhà cung cấp giải pháp được độc quyền quảng cáo lúc khách hàng kết nối hệ thống.

“Tuy nhiên, xu hướng này thay đổi khi Covid-19 xảy ra”, anh Hà Thanh Tùng, sáng lập, kiêm CEO của Nextify nói.

Theo đó, khi sức mua giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh, kích cầu khách hàng cũ là biện pháp được hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, đây cũng là lúc các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng truyền thống nhận ra rằng, họ không có bất kỳ mối liên hệ nào với khách hàng của mình, dù khách hàng tới quán, kết nối hệ thống Wi-Fi và sử dụng hàng giờ.

Thanh Tùng nhận thấy nỗi đau này của các doanh nghiệp và hướng giải quyết của anh là đưa ra giải pháp cung cấp hạ tầng Wi-Fi được tích hợp hệ thống CRM (Customers Relationship Management - Chăm sóc khách hàng và Marketing Automation - Chăm sóc khách hàng tự động đa kênh). Nextify ra đời từ đó.

Lấy ví dụ, khi khách hàng đến cửa hàng cà phê đầu tiên sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin để tham gia các trò chơi nhận quà. Ngay khi khách hàng quay lại quán, họ sẽ được mời đánh giá chất lượng dịch vụ và đến lần thứ 10 sẽ được nhận phiếu giảm giá dành cho khách hàng thân thiết thông qua các nền tảng như SMS, Zalo hay Facebook Messenger. Điều quan trọng là, tất cả đều được thực hiện tự động bởi hệ thống của Nextify để tránh sai sót và tiết kiệm nhân lực vận hành.

Nextify nhanh chóng được chấp thuận vì giải được bài toán khó trong mùa dịch là xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng trong thời gian ngắn với chi phí đầu tư cạnh tranh do dựa trên hạ tầng Wi-Fi sẵn có.

Trong vòng hơn một năm kể từ khi thành lập, Nextify đã có hơn 500 khách hàng trên toàn quốc. Khách hàng của Công ty khá đa dạng, từ các chuỗi trà cà phê như Lofita, Bảo tàng Thế giới Cà phê Trung Nguyên, cho đến các chuỗi nhà hàng, quán ăn như Bò Tơ Quán Mộc, Beer Tự do hay chuỗi hớt tóc 30Shine. Trước khi đưa ra thị trường, ý tưởng Nextify đã đoạt chức vô địch của Launch Cup Rehoboth Korea khu vực Việt Nam năm 2019.

Lần khởi nghiệp thứ ba

Nextify là dự án khởi nghiệp thứ ba của Thanh Tùng. Hai dự án trước của anh là mạng xã hội và ứng dụng đặt phòng du lịch đều phải dừng lại. Theo Thanh Tùng, thiếu kinh nghiệm vận hành, nhận định một cách ngây thơ về nhu cầu thị trường và thiếu vốn là 3 yếu tố dẫn đến thất bại.

Lần khởi nghiệp thứ ba, các lỗi lầm đó đã được phòng ngừa một cách triệt để. Thanh Tùng cho biết, các thành tựu mà Nextify may mắn đạt được trong thời điểm hiện tại là chọn đúng nhu cầu thị trường và chọn đúng đồng đội để đi cùng.

Không chủ quan, luôn tỉnh táo cũng là những bài học mà chúng tôi rút ra được từ những lần thất bại trước.

Để mở rộng mạng lưới kinh doanh trong thời gian ngắn, bất kể ảnh hưởng do Covid-19 gây ra, Nextify đã đi theo chiến lược hợp tác với các đối tác công nghệ nội địa có tập khách hàng đa dạng như MobiFone, VNPT, CNV Loyalty…

Để gia tăng thêm thành quả của Nextify, Thanh Tùng tiếp tục đầu tư vào hệ sinh thái sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ, sản phẩm, đến đào tạo doanh nghiệp trong việc chăm sóc khách hàng.

“Nextify đi đến được ngày hôm nay hoàn toàn là nhờ vào sự bền chí, kiên trì và nỗ lực của đội ngũ sáng lập với một chiến lược đúng. Đến thời điểm hiện tại, Nextify chưa nhận tiền đầu tư của các quỹ, mà tài chính đến từ đội ngũ sáng lập và doanh thu từ dự án, sản phẩm”, CEO của Nextify chia sẻ.

Khi được hỏi về chiến lược phát triển trong năm 2021, Thanh Tùng khá cẩn thận khi chia thành 2 kế hoạch cụ thể.

Kế hoạch thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát và không có các lệnh giãn cách, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác đến các ngành mới, như khu vực khách sạn, resort, nhà xe hay thậm chí là các cửa hàng tạp hóa.

Kế hoạch thứ hai, với kịch bản xấu hơn, Công ty sẽ đẩy mạnh các giải pháp bán hàng, chăm sóc khách hàng trực tuyến để giúp các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng truyền thống tham gia sân chơi thương mại điện tử nhanh nhất với chi phí phù hợp dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu đã được xây dựng. Đó là lý do Nextify đã nhanh chóng ký kết hợp tác với Zalo Pay và Shopee thời gian qua.

“Không chủ quan, luôn tỉnh táo cũng là những bài học mà chúng tôi rút ra được từ những lần thất bại trước”, Thanh Tùng cho biết.

Tin bài liên quan