Hai điểm cần lưu ý khi xây dựng danh mục đầu tư hay chọn lựa cổ phiếu cho năm 2022

Hai điểm cần lưu ý khi xây dựng danh mục đầu tư hay chọn lựa cổ phiếu cho năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức 20% trong năm 2022 và thị trường sẽ chứng kiến sự “đổi chiều tăng trưởng” mạnh mẽ giữa các nhóm ngành.

Chia sẻ trên được bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup cho biết tại sự kiện “Triển vọng đầu tư năm 2022”, Tọa đàm thường niên của FiinGroup Invest Summit.

Bà Vân đã nhận định:

Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính, đây là điểm khác biệt so với năm 2021 khi lợi nhuận ngành ngân hàng tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường.

“Ngành Ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20 - 25% trong năm 2022, nhờ nhờ các yếu tố: tín dụng dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của chính phủ, NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Đồng thời, thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi và một số ngân hàng đã trích lập sớm trước thời hạn của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập và/hoặc có cơ hội hoàn nhập dự phòng do một phần nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID sẽ giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành”, bà Vân nói.

Thứ hai, nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng trong năm 2022, trong đó bao gồm thép, cao su và logistics.

Thứ ba, những nhóm suy giảm do COVID-19 dự kiến hồi phục mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại, trong đó bao gồm hàng cá nhân, dược phẩm, bán lẻ, điện và đồ uống.

“Triển vọng chung về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn khá tích cực và đây sẽ là động lực cơ bản và trọng yếu hỗ trợ thị trường trong năm 2022”, bà Vân nói.

Liên quan đến VN-Index đang ở nền định giá tương đối cao, các chuyên gia của FiinGroup cho biết, định giá tính theo lợi nhuận (tức là P/E) của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đã tăng, định giá P/E của VN-Index hiện ở mức 17,2x. Đây là mức tương đương với trung bình của giai đoạn 2018 đến nay.

“Định giá của thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi khối ngân hàng. Hiện các ngân hàng niêm yết chiếm khoảng 1/3 lợi nhuận cũng như vốn hóa trong các tính toán về định giá cho thị trường. Tuy nhiên, do đặc thù ngành, P/B là chỉ số hợp lý hơn để định giá cổ phiếu ngân hàng thay vì P/E”, chuyên gia của FiinGroup lưu ý.

Để thấy rõ hơn bức tranh định giá của thị trường, các diễn giả cho rằng, nên xem xét định giá khối ngân hàng và khối phi tài chính riêng biệt. Với cổ phiếu ngân hàng, P/B hiện đã tiệm cận mức cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Tần suất mà định giá của khối ngân hàng chạm vùng cao này trong hơn 10 năm qua là rất ít, cho thấy năm 2022 bắt đầu trên một nền định giá cao.

Trao đổi tại sự kiện, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính chia sẻ, ngân hàng vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường so với các ngành khác, tuy nhiên, định giá cổ phiếu ngân hàng đang cao so với quá khứ 2,4 lần nên P/B quay về mức trung bình. “Nhưng, ĐHĐCĐ sắp tới sẽ là “điểm bản lề” thu hút sự chú ý của thị trường hơn”, ông Tường nói.

Chuyên gia của FiinGroup nhận định, tần suất mà định giá của khối Ngân hàng chạm vùng cao này trong hơn 10 năm qua là rất ít, cho thấy năm 2022 bắt đầu trên một nền định giá cao. Do đó, có hai điểm mà nhà đầu tư nên lưu ý khi xây dựng danh mục đầu tư hay chọn lựa cổ phiếu cho năm 2022.

Thứ nhất, trên nền định giá cao như hiện tại, để giá cổ phiếu có thể tăng tiếp thì lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cần phải tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn P/E. Do vậy, những cổ phiếu có tăng trưởng dự kiến cho năm 2022 thấp hơn P/E sẽ có thể gặp rủi ro khi nhìn trên chiều dài một năm nếu không kể lướt sóng ngắn hạn.

Thứ hai, nhà đầu tư cần quan tâm tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 liệu có tiếp diễn được sang năm 2023 hay không. Nếu câu chuyện tăng trưởng không còn kéo dài sang năm 2023, cổ phiếu có khả năng chỉ tăng được nửa đầu năm và đối mặt với rủi ro đảo chiều trong nửa cuối năm giống như diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép trong năm 2021 (tăng mạnh nửa năm và giảm mạnh cuối năm).

Cũng tại sự kiện, FiinGroup đưa ra một số đánh giá về ngành gắn với ba chủ đề đầu tư đáng quan tâm cho năm 2022, ví dụ như, cổ phiếu của nhóm ngành giúp tránh rủi ro lạm phát.

Lạm phát dự kiến sẽ nhích dần lên trong năm 2022 do độ trễ về hấp thụ tăng giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Với chủ đề này, điện và dược phẩm là hai nhóm ngành mà các chuyên gia của FiinGroup gợi ý cho năm 2022 vì hai lý do: tính chất “phòng thủ” của nhóm cổ phiếu này và có triển vọng lợi nhuận 2022 tích cực nhờ câu chuyện hồi phục về cầu sau giãn cách xã hội vì COVID-19.

Riêng với ngành dược phẩm, một số doanh nghiệp có nhà máy mới sắp đi vào hoạt động nên tăng trưởng cao của ngành có thể kéo dài sang năm 2023. Về dự báo năm 2022, số liệu của FiinGroup cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành được dự báo ở mức 35% năm 2022 trong khi tăng trưởng năm 2021 ở mức 8%. Chỉ số giá cổ phiếu ngành đã tăng khoảng 19% năm 2021.

Cổ phiếu kỳ vọng từ hưởng lợi từ đầu tư công đang triển khai, chuyên gia của FiinGroup đặt sự quan tâm cao đến các nhóm ngân hàng, bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng. Trong đó, nhóm Ngân hàng được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tốt các yếu tố đã nêu trên.

Với nhóm vật liệu xây dựng, giãn cách xã hội và chi phí vận chuyển tăng cao đã tác động đến doanh thu cũng như biên lợi nhuận của nhóm này trong năm vừa qua, và lợi nhuận dự kiến đổi chiều từ suy giảm mạnh năm 2021 sang tăng trưởng cao vào năm 2022.

Liên quan đến nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau COVID-19 bao gồm bán lẻ, hàng cá nhân, thủy sản. Với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng 2022 sẽ rất phân hóa trong nội bộ ngành và cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng thấp hơn so với trung bình ngành.

Hàng cá nhân là câu chuyện được các chuyên gia FiinGroup cho rằng, tăng trưởng trên nền suy giảm của năm 2021, trong khi thủy sản dù tăng trưởng ghi nhận ở mức cao trong năm 2021 nhưng vẫn chưa về mức trước COVID-19.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hạ nhiệt và chi phí liên quan đến COVID-19 được cắt giảm mạnh sẽ là yếu tố giúp các doanh nghiệp trong ba nhóm ngành này cải thiện biên lợi nhuận trong năm 2022.

Tin bài liên quan