Hải Dương phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng

0:00 / 0:00
0:00
Cụ thể, 3 vùng gồm vùng công nghiệp động lực, vùng công nghiệp hỗ trợ, vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch.
Hải Dương phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng. Ảnh: Thành Chung.

Hải Dương phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng. Ảnh: Thành Chung.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chương trình hành động số 78-CTr/TU ngày 13/9/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện chương trình này, Hải Dương định hướng phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng, bao gồm: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Phát triển không gian công nghiệp quy mô lớn, tạo thành thế mạnh của tỉnh, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng, ứng dụng khoa học và công nghệ cao và trở thành trục động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, bảo đảm an sinh xã hội; dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp hoặc ảnh hưởng môi trường.

Phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo; điện, điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Mở rộng, phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng, gồm: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hóa chất, hóa dược; đồng thời tiếp tục duy trì một số ngành công nghiệp khác như: dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp môi trường, sản xuất và phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải.

Hải Dương định hướng phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics; khu phi thuế quan; trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân.

Về phát triển khu công nghiệp, trong thời kỳ 2021-2030, Hải Dương hình thành 32 khu công nghiệp, với tổng quy mô khoảng 5.661 ha (trong đó có 20 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp). Đến năm 2030, toàn tỉnh hình thành 61 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 3.209 ha. Quỹ đất công nghiệp dồi dào và đáp ứng đa dạng quy mô đầu tư được cho là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hải Dương để thu hút các dự án đầu tư.

Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 80%. Ngoài ra, 5 khu công nghiệp đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng với diện tích 938,35 ha. Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649 ha. Tỉnh đã bàn giao đất cho 3 khu công nghiệp mới gồm Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 để xây dựng kết cấu hạ tầng. Dự kiến trong quý III và quý IV năm 2023, các khu công nghiệp này sẽ hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 và đưa vào khai thác.

Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay, tỉnh Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng gấp 34,4 lần, đứng thứ 11 trong cả nước và thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,9%/năm; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp và dịch vụ trong GRDP đạt 81,7%.

Quy mô sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm, giá trị tăng thêm tăng bình quân 20,8%/năm. Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, từng bước hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Tin bài liên quan