Hải Dương: Toàn dân chống dịch như chống giặc tại huyện Cẩm Giàng

0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã nhắc nhở, phê bình Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của huyện Cẩm Giàng thời gian qua làm việc còn thiếu đồng bộ, kỷ cương.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại Cẩm Giàng. (Ảnh: TTXVN phát).

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại Cẩm Giàng. (Ảnh: TTXVN phát).

Chiều 17/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã có cuộc làm việc với huyện Cẩm Giàng về phòng, chống dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã nhắc nhở, phê bình Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của huyện thời gian qua làm việc còn thiếu đồng bộ, kỷ cương.

Sau khi đánh giá những mối nguy cơ về dịch bệnh hiện nay của Cẩm Giàng, ông Lưu Văn Bản đề nghị huyện cần phát động một đợt cao điểm của toàn huyện: toàn dân tham gia chống dịch như chống giặc.

Ông Lưu Văn Bản nhấn mạnh: “Cả cán bộ lãnh đạo và người dân Cẩm Giàng đều phải thay đổi tư duy và nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch. Trong đó, người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Dù là người dân hay cán bộ vi phạm cũng đều phải xử lý.”

Ở những nơi đã xuất hiện ca mắc, cần bình tĩnh, khoanh vùng, dập dịch. Với những nơi chưa có dịch, không được lơ là, cần chủ động phòng ngừa, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế và những quy định về cách ly xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương yêu cầu Cẩm Giàng cần rà soát hệ thống văn bản, cập nhật tất cả các văn bản, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch từ Trung ương đến cấp tỉnh gửi cho các xã, thị trấn nắm được, triển khai.

Đồng thời, kiện toàn các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng; đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, biểu dương các nhân tố tích cực và phê phán, lên án những nhân tố làm không tốt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Trước những bất cập được các xã, thị trấn nêu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương khẳng định các địa phương cần phát huy “4 tại chỗ,” trong trường hợp thiếu, tỉnh sẽ hỗ trợ về nguồn lực.

Đối với các điểm cách ly tập trung, huyện cần giải tỏa bớt đối với những điểm đang cách ly đông. Giao Sở Xây dựng Hải Dương phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện khảo sát, có kế hoạch cải tạo nhằm đảm bảo an toàn cho công tác cách ly.

Tại các khu phong tỏa, lãnh đạo xã phải xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc mua bán các mặt hàng thiết yếu của nhân dân.

Đồng thời, huyện cần nghiên cứu cấp thẻ cho các hộ dân khi ra ngoài đi mua nhu yếu phẩm, cấp thẻ cho những cán bộ làm nhiệm vụ chống dịch để tránh ách tắc trong quá trình đi lại làm nhiệm vụ.

Liên quan đến những băn khoăn của các địa phương về tốc độ xét nghiệm chậm, ông Lưu Văn Bản cho biết sẽ đề nghị ngành y tế đẩy nhanh tiến độ lên và tỉnh cũng sẽ sớm có phương án lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân một số xã, khu dân cư.

Chiều cùng ngày, sau khi xem xét điều kiện cơ sở vật chất tại trường tiểu học Cẩm Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo chọn đây làm địa điểm cách ly mới để chuyển bớt 72 công nhân Công ty Kudora Kagaku đang cách ly tại trường mầm non Cẩm Phúc.

Dự kiến ở nơi cách ly mới sẽ bố trí mỗi phòng 4 người để đảm bảo yêu cầu giãn cách.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Cẩm Giàng, tính đến 16h30 ngày 17/2, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 76 ca mắc COVID-19. Huyện có 5 khu công nghiệp với khoảng 60.000 công nhân lao động.

Toàn huyện có 27 điểm cách ly tập trung, đang cách ly cho 1.024 người. Huyện cũng đã thành lập 585 tổ COVID cộng đồng. Trên địa bàn huyện đã thiết lập 9 chốt kiểm soát cấp tỉnh, 5 chốt cấp huyện và 116 chốt cấp xã.

Quân khu 3 hỗ trợ khử khuẩn các địa điểm có nguy cơ cao tại Cẩm Giàng, Hải Dương

Chiều 17/2, Tiểu đoàn Phòng hóa của Quân khu 3 đã hỗ trợ huyện Cẩm Giàng 2 xe phun khử khuẩn chuyên dụng, 1 tấn Cloramin B và 10 cán bộ, chiến sĩ thực hiện phun khử khuẩn nhiều địa điểm trong huyện.

Cụ thể, trong ngày, lực lượng phòng hóa phun khử khuẩn được 12 điểm ở khu đô thị thương mại Lai Cách, Công ty Kuroda Kagaku Việt Nam, Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Giáo dục nghề nghiệp huyện Cẩm Giàng...

Chốt kiểm soát dịch tại xã Cẩm Phúc , huyện Cẩm Giàng. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN).
Chốt kiểm soát dịch tại xã Cẩm Phúc , huyện Cẩm Giàng. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN).

Dự kiến ngày 18/2 và trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phun khử khuẩn một số khu cách ly tập trung của huyện, một số doanh nghiệp có nguy cơ cao để phòng, chống và hạn chế dịch bệnh lây lan.

Cũng trong ngày 17/2, làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Giàng nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị của huyện làm thật tốt, hiệu quả công tác tuyên truyền cả mặt tích cực-tiêu cực để người dân nhận thức rõ mối nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch.

Huyện Cẩm Giàng phải củng cố lại các tổ COVID-19 cộng đồng và giao cho các đảng viên có uy tín, trách nhiệm đứng đầu. Các chốt kiểm dịch trên địa bàn phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa và chỉ cho những người có đủ điều kiện dịch tễ được ra vào huyện.

Tỉnh Hải Dương đang thành lập tổ công tác địa bàn huyện Cẩm Giàng do ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để phối hợp, chỉ đạo việc chống dịch với huyện Cẩm Giàng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở lao động gồm: văn phòng, công sở, khu dịch vụ (trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng, bưu điện), cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp...

Các cơ sở lao động gửi bản tự chấm điểm về Ban Quản lý các khu công nghiệp (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp), về Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và các cơ sở lao động khác) để theo dõi, giám giát.

Các cơ sở lao động đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 thì được hoạt động và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Các cơ sở sẽ tự chấm điểm dựa vào 15 tiêu chí cụ thể như: số lượng người lao động làm việc tập trung tại cơ sở; mật độ người lao động ở các phân xưởng; nguy cơ lấy nhiễm từ người lao động; thông khí nhà xưởng; tỷ lệ người lao động được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng; điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động; sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc; bố trí dung dịch sát khuẩn; tổ chức bữa ăn ca; vệ sinh, khử khuẩn môi trường làm việc…

Tin bài liên quan