Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình tại tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều 3/6 (Ảnh: M.M)

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình tại tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều 3/6 (Ảnh: M.M)

Hai năm không ký được hợp đồng dầu khí nào, Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình lý do

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hai năm 2020, 2021 Việt Nam không có một hợp đồng dầu khí nào được ký, do các mỏ đang khai thác sắp cạn kiệt, các mỏ mới phát hiện có trữ lượng nhỏ, theo Bộ trưởng Bộ Công thương.

Thiếu nguồn dầu khí trầm trọng

Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, đã trực tiếp giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm.

Nói về nhu cầu cấp bách phải sửa đổi Luật Dầu khí, ông Diên nhận định, Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí ký mới giảm mạnh qua các năm.

"Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2014 có khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ giai đoạn 2015 - 2019 mỗi năm chỉ ký được 1 hợp đồng và hai năm gần nhất là 2020, 2021 thì không có hợp đồng nào", Bộ trưởng thông tin.

Theo Tư lệnh ngành Công Thương, nguyên nhân khách quan là các mỏ dầu khí phát hiện mới ở Việt Nam thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, trong khi các diện tích mỏ còn lại được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.

Các mỏ đang khai thác đều ở trong giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng khai thác giảm dần, một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

“Bởi vậy, việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là hết sức cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đang giảm dần qua các năm.

Sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đang giảm dần qua các năm.

Bỏ cơ chế ưu đãi cho hoạt động điều tra cơ bản

Bộ trưởng cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động khai thác thượng nguồn dầu khí, không điều chỉnh hoạt động trung và hạ nguồn.

Giải thích lý do, Bộ trưởng nói rằng do hoạt động khai thác thượng nguồn có nhiều đặc thù, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định trong dự thảo Luật.

Cụ thể, ông Diên thông tin, quá trình điều tra cơ bản cũng giống như “tìm kim ở đáy bể”, bỏ tiền bỏ của ra để tìm kiếm, thăm dò ngoài biển mà chưa biết có kết quả hay không.

"Nếu không có những quy định đặc thù về hoạt động này thì không ai dám bỏ tiền của ra để làm”, Bộ trưởng nói.

Lấy dẫn chứng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ trưởng nói rằng mấy năm trước PVN cũng có hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bỏ chi phí rất lớn để điều tra cơ bản nhưng cuối cùng không dễ lấy được các dữ liệu.

Điều này cho thấy, quy định về tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn, trong Luật Dầu khí hiện hành có nhưng quy định không đủ rõ, không bảo đảm hệ số an toàn cho hoạt động thượng nguồn, theo Bộ trưởng.

"Hiện tại, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo cơ chế “giao nhiệm vụ” (tương tự cơ chế giao nhiệm vụ đề tài nghiên cứu khoa học) trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đây, PVN được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ này", vị đại biểu thông tin.

Theo đó, người đứng đầu ngành Công thương khuyến nghị, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của nhà nước (bao gồm ngân sách, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN) và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân là cần thiết.

Việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản trong lĩnh vực dầu khí từ nguồn lực nhà nước và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Ngoài ra, đối với quy định về hợp đồng dầu khí, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và sẽ sửa theo hướng:

Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí, giao PVN phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết của hợp đồng dầu khí; Nghiên cứu, bổ sung các quy định về hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng tận thu dầu khí.

Liên quan đến quản lý nhà nước về dầu khí, Bộ trưởng Công thương cho hay, nội dung chương này đã quy định đầy đủ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý Nhà nước về hoạt động dầu khí.

"Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng.

PVN được giao thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ và tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động khai thác dầu khí chặt chẽ, khả thi.

Đồng thời, sẽ rà soát quy định đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Uỷ ban này quản lý.

Tin bài liên quan