Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...

Hàn Quốc có năm 2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...

(ĐTCK) Ngay cả với một quốc gia có lịch sử hiện đại nhiều biến động như Hàn Quốc, năm 2016 vẫn là năm ghi dấu ấn của quá nhiều sự kiện. Nhưng có 6 sự kiện được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng rất, rất, rất tệ cho quốc gia này.

Năm 2016 là năm tập hợp của các thất bại kinh doanh, scandal chính trị và nền kinh tế tăng trưởng èo uột, một chỉ dấu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay cho thấy Đại hàn dân quốc – “nhà máy năng lượng” của ngành công nghiệp toàn cầu đã tới lúc phải thay đổi.

Trong vài tuần qua, hệ thống chính trị với các chính trị gia đứng đầu, cùng các dòng tộc kiểm soát những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc trở thành tâm điểm hứng chịu sự giận dữ của hàng nghìn người dân, mà kết quả mới nhất là Tổng thống Park Geun – hye đã bị bãi nhiệm.

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 1

 Hơn 1 triệu người xuống đường tại Seoul yêu cầu Tổng thống Park từ chức

Quá ít hy vọng

“Phát súng” đầu tiên báo hiệu khủng hoảng của bà Park là sự giận dữ của công chúng liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil của vị tổng thống này, cùng sự dính líu của nhiều công ty lớn nhất Hàn Quốc.

Cơ quan công tố Hàn Quốc đã tiến hành điều tra, tạm giữ lãnh đạo cấp cao một số tập đoàn lớn và các nhà lập pháp yêu cầu được biết tại sao những công ty này có thể đóng góp hàng chục triệu USD cho các tổ chức do bà Choi kiểm soát.

“Thật nực cười khi tôi có cảm giác mình đang xem một bộ phim truyền hình. Tôi nghĩ mình phải ra nước ngoài làm việc. Những người trẻ như tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và nghĩ tới việc phải di cư”, Lee, 26 tuổi, một sinh viên đại học tham gia biểu tình tại Seoul cho biết.

Người dân Hàn Quốc cảm thấy bị phản bội, không phải chỉ vì Tổng thống Park có mối liên hệ với bà Choi, mà còn bởi nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và mọi người bị mất việc làm, Kim Kwang-doo, giáo sư kinh tế học tại Đại học Sogang (Seoul) cho biết.

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 2

 Người biểu tình tại Seoul ngày 10/12

Một ngày trước khi quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Park (9/12), đám đông dân chúng đã lại tụ tập trên đường phố Seoul. Thời khắc ấy ghi đậm dấu ấn với những người chứng kiến bởi đây là “lễ hội cảm xúc” ấn tượng bậc nhất: giai điệu của tiếng chiêng, trống hòa nhịp với màn biểu diễn của các ca sĩ nhạc rock, hàng chục nghìn người nắm tay nhau trong thời tiết giá lạnh khắc nghiệt tại Seoul cùng với ánh nến sáng trưng trong đêm tối.

Trong những cuộc tuần hành trước đó, người biểu tình đốt lên những ngọn đuốc, giơ cao biển hiệu yêu cầu bãi nhiệm bà Park và thể hiện sự giận dữ với các chaebol cũng như đảng cầm quyền. Nhưng vào ngày 9/12, người biểu tình chỉ vẫy những lá cờ, mang theo bóng bay cùng đèn nháy với thông điệp bà Park nên từ chức ngay lập tức.

Những điều tăm tối được đưa ra ánh sáng và hơn bao giờ hết, người dân cảm thấy hoài nghi về tương lai

“Người dân cảm thấy cần phải nhanh chóng tràn xuống đường phố bởi họ thấy có quá ít hy vọng tại Hàn Quốc cho chính mình và con em mình. Người ta từ lâu đã biết mối quan hệ ‘”bất chính” giữa chính phủ và giới kinh doanh, nhưng đa phần tin rằng điều này sẽ giúp các tập đoàn trở nên lớn mạnh hơn, tạo ra nhiều việc làm. Điều khác biệt hiện tại là mối quan hệ này đang thách thức sự khoan dung của dân chúng. Những điều tăm tối được đưa ra ánh sáng và hơn bao giờ hết, người dân cảm thấy hoài nghi về tương lai”, Kim Sang-jo, giáo sư kinh tế học tại Đại học Hansung nhận định.

Với việc Tổng thống Park bị bãi chức, quyền lực hiện tại được chuyển giao cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn cho tới khi Tòa án Hiến pháp phê chuẩn quyết định của quốc hội. Quá trình này có thể kéo dài tới 6 tháng.

Nếu quyết định này được thông qua, cuộc bầu cử quốc gia sẽ được tổ chức 2 tháng sau đó.

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 3

 Thủ tướng Hàn Quốc và Tổng thống lâm thời Hwang Kyo-ahn

“Trong ngắn hạn, điều này không hề tốt cho nền kinh tế, bởi sự bất ổn chỉ tiếp tục gia tăng, khó có thể ngừng lại”, Kim Kwang-doo cho biết.

Một năm đáng quên

Ngay cả trước khi các tập đoàn lớn bị phát hiện “dính líu” tới scandal của bà Park, năm 2016 vẫn là một năm đáng quên đối với các doanh nghiệp khổng lồ này.

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 1/2016, khi Huyndai Motor Co và Kia Motors, 2 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, dự báo mức tăng trưởng doanh số thấp nhất trong 10 năm qua, bởi nhu cầu tiêu dùng giảm sút tại Trung Quốc và đồng won tăng giá.

Vài ngày sau đó, vụ thử bom hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục “tăng nhiệt” cho hoạt động kinh doanh của Hàn Quốc.

Việc Triều Tiên thử bom hạt nhân, cùng với đà tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc – điểm đến lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu từ Hàn Quốc, đã khiến hoạt động kinh doanh của quốc gia này gặp khó trong những tháng tiếp theo.

Với việc thử bom của Triều Tiên, Hàn Quốc đã rút khỏi khu công nghiệp Gaesong, khu công nghiệp dọc biên giới 2 quốc gia được xây dựng năm 2014 nhằm củng cố mối quan hệ giữa 2 bên.

Hành động này khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động và đầu tư tại đây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ won (858 triệu USD).

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 4

 Hanjin Shipping Co nộp đơn xin phá sản, khiến khoảng 14 tỷ USD hàng hóa mắc kẹt trên những con tàu ngoài khơi của hãng này

Sau vài tháng, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của các công ty Hàn Quốc giảm mạnh, do sức tiêu thụ tại Trung Quốc yếu đi.

Tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 21 trong số 23 tháng qua. Tới tháng 8/2016, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển container lớn nhất quốc gia, đứng thứ 7 trên thế giới – Hanjin Shipping Co nộp đơn xin phá sản, khiến khoảng 14 tỷ USD hàng hóa mắc kẹt trên những con tàu ngoài khơi của hãng này.

Tháng 9/2016, công nhân tại Hyundai Motor bắt đầu cuộc đình công quy mô lớn nhất trong 12 năm. Kể từ thời điểm đó cho tới giữa tháng 10, khi cuộc đình công kết thúc, sản lượng sản xuất của Hyundai giảm 140.000 xe, tương đương hơn 3 nghìn tỷ won.

Tận hưởng nửa đầu năm bình yên, sóng gió bắt đầu ập đến với gã khổng lồ bán lẻ Lotte Group, khi cơ quan công tố cáo buộc Chủ tịch Shin Dong-bin, cùng 4 thành viên thuộc gia đình sáng lập Lotte nhiều tội danh, bao gồm trốn thuế và biển thủ công quỹ.

Lotte cho biết họ sẽ có lời giải thích tại tòa án và đa phần các lý lẽ chống lại Chủ tịch Shin Dong-bin đều xuất phát trước thời điểm ông này nắm quyền.

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 5

Việc "khai tử" Galaxy Note 7 khiến Samsung thiệt hại hơn 5 tỷ USD 

Cuối cùng, cú sốc lớn nhất với các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc là việc Samsung Electronics Co phải “khai tử” dòng sản phẩm Galaxy Note 7 vào tháng 10 sau sự cố phát nổ, với thiệt hại ước tính hơn 5 tỷ USD.

“Trước đây, người dân tin rằng, các chaebol thúc đẩy sự tăng trưởng, chính phủ tạo điều kiện cho tăng trưởng. Giờ đây, tăng trưởng kinh tế ì ạch và mọi người không còn có thể khoan nhượng cho các scandal được nữa”, Chong Hoon Park, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Seoul của Standard Chartered Bank cho biết.

Các nhà kinh tế học kỳ vọng GDP của Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, đánh dấu lần đầu tiên có chuỗi năm 5 liên tiếp tăng trưởng thấp hơn 3,5% kể từ chiến tranh Hàn Quốc những năm 1950.

“Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là việc thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng của dân chúng về sự thay thổi và thực tế mà chúng ta phải đối mặt trong môi trường kinh doanh. Nền kinh tế cùng những yếu tố bất ổn trên thị trường toàn cầu là một trong những trở ngại lớn nhất đối với quá trình cải tổ của Hàn Quốc, mà yếu tố này vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền”, giáo sư Kim tại Đại học Hansung cho biết.

Các khoản nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc trong năm 2015 đã tăng lên 87% GDP, từ mức 745 năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang ở mức rất cao, trung bình là 9,3%, theo số liệu của Bloomberg Intelligence.

Hàng triệu người dân Hàn Quốc đã tự nguyện quyên góp tài sản, trang sức, bao gồm cả 226 tấn vàng, để giúp quốc gia trả nợ cho IMF cuối những năm 90. 

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm cuối thập kỷ 90, Hàn Quốc đã phải chấp nhận gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Khi nền kinh tế sụp đổ, vào thời điểm mà đồng won giảm 50% giá trị trong 2 tháng, hàng triệu người dân Hàn Quốc đã tự nguyện quyên góp tài sản, trang sức, bao gồm cả 226 tấn vàng, để giúp quốc gia trả nợ cho IMF.

Bây giờ, người dân Hàn Quốc đang chỉ tay về phía những người lãnh đạo, cũng như các ông lớn đứng đầu nhiều tập đoàn và tìm kiếm câu trả lời cho sự hy sinh của mình.

Vào ngày 6/12, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã triệu tập người đứng đầu 9 tập đoàn lớn tới để điều tra liên quan tới scandal của bà Choi.

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 6

 Các nhà lập pháp đặt câu hỏi với lãnh đạo chaebol ngày 6/12

Cúi đầu thấp

Phe đối lập tại Hàn Quốc đang tập trung sự chú ý vào Jay Y.Lee, 48 tuổi, người thừa kế Tập đoàn Samsung.

Lee cũng các lãnh đạo chaebol khác trước đó phủ nhận viện họ đã ủng hộ tiền vào quỹ của bà Choi để đổi lại các ưu đãi từ chính quyền. Nhưng chỉ 13 giờ sau phát ngồn trên, Lee cho biết: “Nếu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa các công ty và chính quyền, tôi sẽ chặt đứt mọi đường dây đó. Tôi nghĩ, chúng tôi đã đánh mất lòng tin của mọi người”.

Hàn Quốc có năm  2016 “kinh hoàng” vì 6 sự kiện tạo tình trạng rất, rất, rất tệ...  ảnh 7

 Jay Y.Lee, 48 tuổi, người thừa kế Tập đoàn Samsung

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thay đổi sẽ diễn ra chậm chạp tại Hàn Quốc. Các gia đình kinh doanh tại đây đã kiểm soát đế chế của mình thông qua các mạng lưới phức tạp và thiếu sự minh bạch.

“Các chaebol và người lãnh đạo biết rằng, nếu họ cúi thấp đầu một chút, sẽ rất khó để loại bỏ họ trong bối cảnh hiện tại. Bạn có thể từ chối vài món quà, hay bữa tối trị giá 100 USD, nhưng những “ưu đãi” được gửi đi và đánh đổi này đã tồn tại rất nhiều năm giữa các gia tộc và khó để thay đổi”, David Kang, giám đốc Viện nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Nam California cho biết.

Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã tăng 3%, sau khi tăng gần 3% trong tuần trước, nhờ bà Park bị bãi chức

Bằng các con số thông thường, tình hình của Hàn Quốc không quá đáng ngại. Nợ công đang ở mức 39% GDP, so với mức trung bình 117% của các nước thuộc G – 20, theo Jaejoon Woo, nhà kinh tế học Hàn Quốc tại Bank of America Merrill Lynch. Điều này giúp giới chức có thêm không gian cho các gói nới lỏng tiền tệ.

Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã tăng 3%, sau khi tăng gần 3% trong tuần trước khi bà Park bị bãi chức. Con số này vẫn “rất khả quan” so với mức giảm 0,2% của chỉ số Nikkei (Nhật Bản), hay mức giảm 2,1% của chỉ số Euro Stoxx 50.

Và hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi sắp diễn ra.

4 lãnh đạo chaebol, bao gồm Jay Y.Lee, cho biết họ sẽ rút khỏi Hiệp hội Các ngành công nghiệp Hàn Quốc, tổ chức chuyên vận động hành lang mà các nhà lập pháp cho rằng đã cổ vũ việc đóng góp cho các quỹ tư nhân của bà Choi.

“Hiệp hội Các ngành công nghiệp Hàn Quốc là mối liên kết giữa chính phủ và các tập đoàn. Việc lãnh đạo một số tập đoàn cho biết họ sẽ rút ra khỏi tổ chức này là bước đầu tiên cho thấy thực sự có những thay đổi đang diễn ra”, giáo sư Kim tại Đại học Hansung cho biết.

Tin bài liên quan