NamA Bank có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE.

NamA Bank có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE.

Hàng mới sàn niêm yết không… mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài chờ đợi những doanh nghiệp có kế hoạch IPO và niêm yết mới, nhà đầu tư cũng đang tìm cơ hội ở những “gương mặt cũ” nhưng có kế hoạch chuyển sàn niêm yết lên HOSE hoặc HNX.

Nhà đầu tư Minh Nhật dành sự quan tâm đặc biệt tới cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn từ đầu năm nay, với luận điểm đầu tư là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể cải thiện và lộ trình chuyển sàn đang đến gần. Việc lãnh đạo BSR chia sẻ thông tin muốn chuyển sàn tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 càng củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư vào một trang mới của cổ phiếu này.

“Cổ phiếu chuyển sàn luôn có sức hấp dẫn, có thể có được định giá tốt hơn nhờ chọn điểm rơi về kết quả kinh doanh, hoặc được định giá đúng hơn tài sản của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi lên niêm yết trên HOSE, những doanh nghiệp quy mô lớn như BSR hoàn toàn có khả năng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn”, anh Minh Nhật nhận xét.

Cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank), hiện đang giao dịch trên UPCoM, cũng nhận được sự quan tâm hơn của thị trường, khi đơn vị này vừa công bố kết quả đợt phát hành tăng vốn điều lệ từ 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Không riêng NamA Bank, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch chuyển sàn như BVBank (mã BVB), ABBank (mã ABB), VietBank (mã VBB)…

Với đặc tính của nhóm ngân hàng là vốn hoá lớn, để có thể tăng vốn hoá, tăng vị thế ngân hàng, cần dòng tiền lớn chảy vào nhóm cổ phiếu này. Cũng bởi vậy, khi chuyển sàn, các cổ phiếu ngân hàng tăng cơ hội hút dòng tiền tổ chức, dòng tiền nước ngoài - tạo ra kỳ vọng thúc đẩy giá cổ phiếu, qua đó cũng thuận lợi cho ngân hàng trong việc tăng vốn (nếu có).

Những ngày qua, thông tin cổ phiếu SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG hủy đăng ký giao dịch tại UPCoM từ 1/8/2023 và chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 8/8/2023 đặc biệt thu hút nhà đầu tư. SIP đang nằm trong Top cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua ở vùng 134.100 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, sau khi chuyển sàn, thị giá SIP có thể cán mốc 200.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần trước, Đầu tư Sài Gòn VRG có buổi gặp gỡ nhà đầu tư, chuyên viên phân tích để chia sẻ thêm về tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư Sài Gòn VRG cho biết, Công ty có 700 ha đất khu công nghiệp đã có hợp đồng thuê đất; trong đó, diện tích đất thương phẩm là 500 ha, đủ để kêu gọi nhà đầu tư cho 3 - 5 năm tới. Ngoài ra, Khu công nghiệp Phước Đông đang chuẩn bị đền bù thêm 560 ha, nâng quỹ đất sạch của Công ty trong thời gian tới lên hơn 1.200 ha.

Đầu tư Sài Gòn VRG hiện quản lý 4 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM), Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (Tây Ninh), Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (Đồng Nai) và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (Bình Chánh, TP.HCM) với tổng diện tích hơn 5.000 ha.

Công ty còn kinh doanh nhiều mảng hoạt động khác như cung cấp điện, nước cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cung cấp các dịch vụ tiện ích như thu gom rác thải, xử lý nước thải, cung cấp hơi bão hòa; các hoạt động khác như tư vấn xây dựng, thi công xây lắp, quản lý cảng và logistics.

Theo nhiều nhà đầu tư, giá trị vốn hoá của SIP là hơn 12.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của Công ty là hơn 18.920 tỷ đồng, nhỉnh hơn cả IDC (16.330 tỷ đồng). Trong khi đó, SIP có nhiều điểm tích cực như lợi ích cổ đông không kiểm soát ít, nợ vay ít hơn, quy mô lợi nhuận tương đương… thì mức thị giá này khá hấp dẫn.

Trên sàn HNX, ngày 12/7 vừa qua, “tân binh” DTG (Công ty Dược phẩm Tipharco) lên niêm yết với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên cuối tuần trước, thị giá DTG đạt 32.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi chuyển sàn, DTG có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành ra công chúng theo tỷ lệ 1:3 (tương ứng hơn 22,3 triệu cổ phiếu) và trả cổ tức tỷ lệ 15% vốn điều lệ bằng cổ phiếu.

DTG còn được chú ý hơn bởi từ tháng 7/2022, Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) trở thành cổ đông lớn, sau khi mua vào 1,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 21,01%.

Năm 2022, DTG ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu hơn 297 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng, gấp 19 lần năm 2021 và cao nhất từ khi thành lập. Theo DTG, kết quả này đến từ quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi doanh nghiệp diễn ra hiệu quả, với sự hỗ trợ của Bamboo Capital.

Trước đó, vào cuối tháng 6, sàn HNX chào đón "tân binh" chuyển sàn là Công ty cổ phần Petro Times (mã PPT) - đơn vị có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực cung ứng các sản phẩm dầu khí. Tuy nhiên, cổ phiếu PPT sau chuyển sàn giao dịch kém sôi động, với thanh khoản hơn 60.000 đơn vị/phiên.

Trên thực tế, hoạt động chuyển sàn diễn ra sôi động hơn so với hoạt động IPO, niêm yết mới. Nguyên nhân chính đến từ diễn biến thị trường chưa thuận lợi, yêu cầu xét duyệt hồ sơ từ phía cơ quan chức năng cũng chặt chẽ hơn, khiến lượng hàng “mới thực sự” khá yên ắng từ 2022 đến nay.

Dữ liệu thực tế cũng cho thấy điều này. Theo thông tin trên HOSE, hiện có 16 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới, trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, có 6 hồ sơ niêm yết mới (gồm 1 quỹ ETF BVFVN Diamond và 5 doanh nghiệp, gồm Nam Á Bank, Tập đoàn Dược Bảo Châu, Công ty Nông sản thực phẩm An Giang, Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Dương, Công ty Công nghệ cao Siba).

Chủ tịch một tập đoàn quy mô lớn, chưa niêm yết cổ phiếu chia sẻ có kế hoạch IPO, niêm yết một số đơn vị thành viên, đã nộp hồ sơ từ năm 2022, nhưng điều kiện thị trường hiện nay cho thấy tính khả thi của việc IPO giảm xuống. Chưa kể, định giá công ty sẽ không được như kỳ vọng. Theo đó, tập đoàn cũng chưa vội vàng trong việc IPO, mà ưu tiên lúc này là duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.

“Nguồn lực tài chính công ty vẫn đang tốt, các dự án mở rộng tạm chậm lại nên nhu cầu vốn không quá gấp gáp. Vì vậy, việc IPO ngay trong năm 2023 là chưa quá gấp. Tập đoàn sẽ IPO và đại chúng hóa trong năm 2024, khi tình hình chung sáng sủa hơn”, ông này chia sẻ.

Trao đổi với người viết, một nhân sự tư vấn IB cho biết, thông thường, nửa cuối năm sẽ có nhiều thương vụ IPO, tăng vốn hơn nửa đầu năm. 2023 là năm đặc biệt, khi nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực “tăng tốc”, trong đó có việc lên sàn. Hiện nhân sự này đang tiếp cận 5 thương vụ, gồm IPO, niêm yết mới, tăng vốn - bán vốn cho đối tác chiến lược.

“Trong bối cảnh hiện tại, việc tìm kiếm nhà đầu tư khó khăn hơn nhưng lại chứng minh được năng lực và mạng lưới của đội tư vấn. Hàng hoá mới sắp tới đâu đó cho thấy doanh nghiệp có nội lực nhất định, khi vượt qua được những yêu cầu khắt khe, cũng như quyết tâm mở rộng phát triển và cần huy động vốn để hiện thực hoá kế hoạch”, vị này nói.

Tin bài liên quan