Hành trình yêu thương

Hành trình yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm giờ sáng, khi trời se lạnh, tôi và 25 bạn học tập trung để khởi hành chuyến thăm và tặng quà Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Khao Mang.

Trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

1. Tình cờ chúng tôi biết đến trường khi một phụ huynh trong lớp chia sẻ, Báo Đầu tư với nguồn kinh phí huy động được từ giải gôn Swing for kids, từ tỷ phú Mỹ Bob Parson, người từng là cựu binh Mỹ ở Việt Nam, tài trợ cho trường kinh phí xây phòng ở bán trú. Đó là ngôi trường nơi có 97% học sinh là người dân tộc Mông.

Trường có gần 900 em, nhưng chỉ có 12 phòng học/24 lớp, phòng quản trị và các phòng chức năng không có, phòng ở cho học sinh bán trú có 20 phòng, trong đó có 13 kiên cố, 6 bán kiên cố, 1 ở tạm.

Nói là kiên cố nhưng chuyến thực tế trường đầu tiên của chúng tôi cho thấy điều kiện sống và học tập của các em học sinh vùng cao thật khó khăn. Nhiều phòng ở được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng chỉ là nền đất tráng xi măng, phòng được thiết kế lối cổ điển, ít cửa sổ, trần thấp, tường chỉ quét vôi.

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hằng cho biết, tiếng là vùng rừng núi đất rộng người thưa nhưng diện tích của trường rất chật hẹp, tỷ lệ chỉ 0,54 m2/học sinh.

Quả thực, chiếc giường tầng vốn bé tý tẹo, một học sinh nằm còn chật chội mà có tới 2 em học sinh cùng ở một tầng. Hệ thống vệ sinh của Trường xuống cấp và quá tải, chỉ có 2 phòng tắm diện tích 11 m2 cho hơn 700 học sinh bán trú. Các em bé từ lớp 1 - 2 sống xa gia đình cũng phải tự giặt giũ quần áo cho mình.

Phòng bán trú mà nhà trường tha thiết xin kinh phí xây mới cho học sinh là nhà tạm được dựng trên diện tích hơn 55 m2, làm bằng gỗ tạp, lợp pro xi măng được bán mái ra sau dãy nhà ở kiên cố, phòng ở đã xuống cấp, dột mái, có thể nhìn rõ những khe hở lọt ánh sáng, gió lùa ù ù từ những tấm gỗ tạm làm tường.

Sách, truyện đối với các em học sinh nơi đây, theo lời cô hiệu trưởng là món quà xa xỉ, bởi đến tiền ăn cho các em còn vô cùng eo hẹp. Bữa sáng của mỗi em chỉ gói gọn trong 2.000 đồng, bữa trưa và bữa tối mỗi bữa được 7.900 đồng. Chúng tôi nghe mà xót xa vì với số tiền ấy lũ học sinh trung học thành phố không đủ tiền ăn vặt mỗi ngày.

Bố mẹ mất sớm, 2 anh em ở với ông bà nên Lù A Dính, một cậu học sinh có đôi mắt sáng nhưng người còi cọc, nhỏ thó, kể rằng đi học với em là niềm vui lớn lắm, có bạn bè, thầy cô, được ăn uống sướng hơn ở nhà. Em đã biết tiếng Kinh và đọc được truyện, bởi thế em ao ước có truyện tranh để đọc rồi về kể cho em trai, cho ông bà nghe.

Chứng kiến sự khó khăn, vất vả của các thầy cô và học sinh trường Khao Mang, bên cạnh kinh phí mà Báo Đầu tư tài trợ cho trường xây nhà bán trú, chúng tôi - các học sinh lớp 12 chuyên Lý Trường Trung học Phổ thông Amsterdam bảo nhau sẽ cùng triển khai dự án tặng thư viện, góc đọc sách trong mỗi lớp học và tặng quà, tổ chức một buổi giao lưu thật vui vẻ với các em học sinh nơi đây trước dịp Tết đến.

Ai có tiền góp tiền, ai có sách góp sách, phụ huynh góp công, góp của, chúng tôi kêu gọi và huy động mọi nguồn lực và cảm thấy dường như có một động lực nào đó khiến công việc thật hào hứng.

Bản vẽ thiết kế nhà bán trú do kiến trúc sư gạo cội là giảng viên Trường Đại học Xây dựng, phụ huynh một bạn trong lớp thực hiện, dự toán và giám sát xây dựng là những bác kỹ sư lành nghề của các công ty lớn hỗ trợ. Chẳng mấy chốc, khu nhà hoàn thành và theo lời chia sẻ của các thầy cô, với nhiều bàn tay chuyên nghiệp hỗ trợ nên khu nhà bán trú được làm rất kiên cố, thoáng và đẹp nhất trong các khu nhà mà trường đã có.

Chúng tôi thuyết phục cô Hiệu trưởng và hỗ trợ kinh phí cải tạo một nhà kho của Trường thành thư viện xinh xắn cho các em học sinh. Hơn 1.000 đầu sách dựa trên khảo sát nhu cầu của các em học sinh đã được chúng tôi lập danh sách.

Nhớ câu chuyện của Lù A Dính, cả lớp bảo nhau sẽ mua 25 phần quà, ở mỗi lớp chọn ra một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất mà vẫn yêu trường, bám lớp, chịu khó học tập để tặng ba lô, sách vở, rồi bút, vở, đồ dùng học tập… Nhưng em nào nơi đây cũng đáng yêu và bé bỏng mà lại không có quà sao, vậy là một nhóm lại được yêu cầu tìm nguồn kinh phí mua 850 gói bánh kẹo để tặng mỗi em trong buổi giao lưu.

Rồi cả nhóm lại chợt hỏi, nếu phòng thư viện bé thế thì làm thế nào để các em học sinh đều có cơ hội, có thời gian để đọc sách. Hỏi rồi cả nhóm lại cùng nhau tìm câu trả lời qua trao đổi, nói chuyện với các thầy cô, chúng tôi quyết định, mua cho mỗi lớp một giá sách nhỏ. Sách từ thư viện sẽ được phân bố luân chuyển về các lớp qua mỗi tuần, để các em có thể đọc được nhiều nhất.

Nhiều việc, việc nọ xọ ra việc kia nhưng chúng tôi vui lắm, ai tham gia dự án cũng náo nức, chờ đến ngày giao lưu. Từ những cậu bé vàng của làng vật lý, rinh giải quốc tế, quốc gia, đi nước này nước kia, với sân chơi này, tôi tin các bạn học được những thứ vô giá.

2. Dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch của chúng tôi phải thay đổi liên tục, rồi lại kỳ thi học sinh giỏi thành phố, rồi mưa lũ sụt lở đất vùng cao… Chuyến đi của chúng tôi phải lui lại 2 tuần, rồi trước chuyến đi mưa gió lớn khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng. Họ cập nhật thời tiết hàng ngày trên nhóm lớp, có vị còn cẩn thận hỏi thăm quan chức tỉnh Yên Bái để khảo sát khu vực trường học có hay bị sạt lở đất không, đường đi có nguy hiểm không. Cũng đã có bạn bỏ cuộc, có phụ huynh không dám cho con đến vùng sơn cước. Nhưng phần lớn chúng tôi được sự ủng hộ của các phụ huynh trong lớp, nhất là được thầy chủ nhiệm cổ vũ vẫn quyết tâm tham gia chuyến đi, mà vài đứa gọi vui là hành trình yêu thương.

Trời như chiều lòng người, 2 hôm trước khi khởi hành, trời tạnh ráo, nắng vàng rực rỡ. Năm giờ sáng, đoàn 35 người bao gồm thầy chủ nhiệm, một số phụ huynh và 25 học sinh, cùng một số cô bác cán bộ Báo Đầu tư khởi hành.

Đón chào đoàn xe chúng tôi là những đoạn dốc ngoằn nghoèo, những dãy núi cao sừng sững và những bụi cây rậm rạp ven đường.

Đi được khoảng 3 tiếng, cảnh vật bắt đầu có sự thay đổi. Ánh sáng lấp ló; từ trên cao nhìn xuống, phóng căng tầm mắt, tôi quan sát màu xanh của tự nhiên đầy sức sống. Không khí trên xe dần trở nên im ắng, khi mà mọi người đều hút hồn và trầm trồ với vẻ đẹp của thiên nhiên mà đối với những con người sống tại nơi thành thị khó có cơ hội để được tận hưởng trọn vẹn.

Đi thêm lúc nữa, chúng tôi băng qua một cao nguyên.

Cao nguyên ấy đem tới những khung hình đặc sắc: những khu ruộng bậc thang. Phóng tầm mắt ra chân trời xa xăm, nhãn cầu in bóng từng lớp ruộng bậc thang giữa rừng núi bạt ngàn tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp với sự hòa quyện của màu xanh nhân tạo và màu xanh thiên nhiên.

Ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, thiên nhiên khác biệt rõ rệt. Không khí bắt đầu hơi se se, dịu mát. Ven đường, những con suối nhỏ hiện ra, nước trong vắt. Chú ý kỹ, tôi nhìn thấy ánh vàng dưới dòng nước, liệu có phải là những đàn cá đang bơi từ thượng lưu xuống không? Nhìn từ trên cao xuống, khung cảnh miền núi thật đẹp.

Ba giờ chiều, sau gần 9 giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi cuối cùng cũng tới điểm trường Khao Mang.

Rất nhiều người dân bản địa, trẻ con bé xíu, rồi toàn bộ các em học sinh của trường, các thầy cô giáo đã tập trung để đón chào chúng tôi. Một chương trình văn nghệ đặc sản vùng núi mà diễn viên là toàn bộ các em học sinh và các thầy cô đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không khí náo nức và cũng thật xúc động với màn chào cờ trang nghiêm. Rồi cảnh các em múa hát, thổi khèn, kéo chân chúng tôi bay xuống. Những ánh mắt hạnh phúc, vui vẻ của các bé khi nhận được quà. Thấy phòng ở bán trú khang trang rộng rãi, thư viện được trang trí rất đáng yêu với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, chúng tôi vui lắm. Thầy chủ nhiệm lớp, các thầy cô và phụ huynh cũng thật vui vì lâu lắm rồi mới được tấm vé đi về tuổi thơ như vài bác chia sẻ.

Số phận may mắn đã cho chúng tôi được sinh ra với điều kiện đầy đủ - nhưng chính sự đầy đủ đó làm cho chúng tôi không biết đến hương vị của nỗi khổ.

Tôi tin rằng, sau chuyến đi này, không chỉ tôi có những ấn tượng mạnh mẽ về nỗ lực của các em học sinh, mà tất cả những bạn bè khác của tôi đã có mặt tại đó, sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống, về sự chia sẻ…

Mù Căng Chải, hẹn gặp lại vào một ngày không xa!

Tin bài liên quan