Khám xét trụ sở HDTC (ảnh cơ quan công an cung cấp)

Khám xét trụ sở HDTC (ảnh cơ quan công an cung cấp)

HDTC và cú 'lật kèo' khách hàng ở Dự án An Phú - An Khánh - Bài 2: Cựu cán bộ công an cũng phải kêu cứu

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ không tiếp nối trách nhiệm hợp đồng theo quy định pháp luật, không chỉ đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng “cứng đầu”, HDTC còn buộc cả cựu cán bộ công an cùng nhiều “thượng đế” phải đóng thêm tiền ngoài hợp đồng đã ký thì mới chịu giao nền.

Bài 2: Cựu cán bộ công an cũng phải kêu cứu

Không chỉ không tiếp nối trách nhiệm hợp đồng theo quy định pháp luật, không chỉ đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng “cứng đầu”, HDTC còn buộc cả cựu cán bộ công an cùng nhiều “thượng đế” phải đóng thêm tiền ngoài hợp đồng đã ký thì mới chịu giao nền.

Không chịu kế thừa trách nhiệm hợp đồng

Ông Trần Công Thành và vợ là Võ Thị Liên (ngụ quận 5, TP.HCM) đều là cựu cán bộ công an TP.HCM, cũng phải ôm hồ sơ chứng lý, bức xúc kêu cứu tới Báo Đầu tư về cách hành xử của HDTC sau cổ phần hóa.

Chứng cứ thể hiện, từ tháng 12/1998, ông Trần Công Thành và HDTC (trước khi cổ phần hóa) đã ký kết Hợp đồng số 192/HĐAPAK. Theo đó, HDTC bán cho ông Thành nền số 780 (diện tích 100 m2) tại khu A, Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh.

Đến thời hạn bàn giao nền đất (năm 2000), HDTC lại thu hồi nền đã bán cho ông Thành với lý do là điều chỉnh lại quy hoạch. Thực tế, Công ty thu hồi nền đất của ông Thành rồi điều chỉnh chia thành 4 nền quay mặt tiền sang trục đường có lộ giới lớn hơn để bán giá cao hơn.

Thế chẳng đặng đừng, ông Thành chấp nhận ký phụ lục hợp đồng, đồng ý đổi từ nền cũ sang nền mới mang số 624 cùng Dự án.

Năm 2003, ông Thành đã đóng đủ 80% số tiền theo tiến độ hợp đồng, bởi nền hoán đổi đã được san lấp mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng.

Tới tháng 8/2011, HDTC còn gửi văn bản yêu cầu ông Thành cung cấp hồ sơ cá nhân và đối chiếu công nợ để phục vụ cho việc lập hợp đồng chuyển nhượng và tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tới thời điểm này, HDTC xác nhận, số tiền ông Thành còn phải thanh toán khi nhận nền là 45 triệu đồng.

Thế nhưng, chỉ 1 năm sau cổ phần hóa thuộc quyền chi phối của “đại gia” Đinh Trường Chinh, năm 2017, phúc đáp việc yêu cầu giao nền của ông Thành, HDTC từ chối việc bàn giao nền đất với lý do: nền đất còn một phần vẫn bị vướng đền bù giải tỏa, nên chưa triển khai thi công hạ tầng được và chưa đủ điều kiện để bàn giao.

“Hiện nay, Công ty vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp, trong đó có việc giải quyết các nền tồn đọng trong giai đoạn công ty nhà nước vướng chưa bàn giao được cho khách hàng. Trong thời gian chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về các nền tồn đọng nêu trên, Công ty tạm thời chưa xúc tiến giải quyết theo yêu cầu của khách hàng”, HDTC phúc đáp như vậy.

Bức xúc, ông Thành khiếu nại và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH một thành viên (Công ty mẹ của HDTC khi chưa cổ phần hóa, sở hữu 30% vốn nhà nước tại HDTC sau cổ phần hóa) đã chuyển đơn yêu cầu HDTC giải quyết.

Ngoài khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Trường Chinh (Chủ tịch HĐQT HDTC), trong quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại HDTC, ngày 16/10/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM còn khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Quang Tống, nguyên Tổng giám đốc HDTC và Lý Kim Vân, nguyên Kế toán trưởng HDTC.

Theo cơ quan công an, trước đó, ông Chinh có 2 tiền án về tội cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 tiền sự.

HDTC có văn bản hồi đáp Tổng công ty Địa ốc sài Gòn việc chưa bàn giao nền bởi các lý do như đã gửi ông Thành trước đó và cho biết: “Ngay khi thực hiện hoàn tất quá trình quyết toán chuyển thể, Công ty sẽ chủ động liên hệ với khách hàng giải quyết các vấn đề liên quan việc bàn giao nền”.

Đáp lại văn bản trên, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có Công văn số 1648/CV-TCT ngày 25/12/2017 gửi HDTC, cho rằng doanh nghiệp cổ phần này phải thừa kế quyền và nghĩa vụ hợp đồng với ông Trần Công Thành theo quy định pháp luật, bởi: “Theo quy định về nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điều 10, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 (Điều 10, Nghị định thay thế số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 có hiệu lực từ 1/1/2018) thì công ty cổ phần kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, mặc dù chưa chính thức bàn giao, nhưng HDTC đã sử dụng tài sản để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường”.

Tuy nhiên, HDTC vẫn không chịu giao nền. Tại biên bản làm việc với ông Trần Công Thành hồi tháng 1/2021, HDTC cho rằng, nền đất của ông vẫn bị vướng đền bù giải tỏa 28 m2 nên chưa thể bàn giao.

Trong khi, bằng nghiệp vụ của cựu cán bộ công an, ông Thành phát hiện, nền số 624 của mình thuộc thửa 150-14 tờ bản đồ số 47 nằm trong khu đất 4.375 m2 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 1/2018 (sổ chung, số sổ AK38095, số vào sổ cấp giấy chứng nhận là T00761/4a) đứng tên HDTC.

Ép khách đóng gấp… 130 lần số tiền còn lại của hợp đồng

Không chỉ không chịu giao nền, năm 2021, HDTC còn yêu cầu ông Trần Công Thành muốn nhận nền thì phải nộp thêm 6 tỷ đồng để “hỗ trợ công tác đền bù và xây dựng hạ tầng”. Nếu không đồng ý, Công ty sẽ mua lại nền của ông Thành với giá 10 tỷ đồng, tương ứng 80% giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, giá nền mảnh đất của ông Thành ở thời điểm này tới 30 tỷ đồng. Hơn thế, đối chiếu công nợ và hợp đồng với HDTC thì ông Thành chỉ còn phải đóng 45 triệu đồng, tương ứng 20% giá trị hợp đồng. Việc HDTC ép phải đóng thêm 6 tỷ đồng, tức gấp hơn 130 lần số tiền 20% giá trị còn lại của hợp đồng, ông Thành không thể chấp nhận.

Tới tháng 12/2022, HDTC mời ông Thành lên làm việc và yêu cầu nếu muốn nhận nền sớm thì phải hỗ trợ công ty đối với phần diện tích 28 m2 được cho là còn vướng đền bù. Bởi muốn nhận nền sớm, gia đình ông Thành chấp nhận hỗ trợ HDTC, nhưng chỉ 1 tỷ đồng, bao gồm cả 45 triệu đồng là số tiền tương ứng 20% giá trị hợp đồng, chứ không thể đồng ý điều kiện HDTC đưa ra là 6 tỷ đồng.

Rốt cục, tới giờ này, gia đình ông Thành vẫn phải đi kêu cứu với lời cay đắng uất nghẹn: “Hai vợ chồng tôi đều là đảng viên và đều là công an công tác tại TP.HCM, hiện đã nghỉ hưu, vợ tôi còn là con liệt sỹ… Vậy mà, tôi không thể ngờ rằng, mình mua đất của một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà phải mỏi mòn chờ 24 năm vẫn chưa nhận được nền và chúng tôi phải gánh chịu hậu quả”.

HDTC không chỉ ép vợ chồng cựu cán bộ công an này. Hồ sơ của chúng tôi thể hiện, nhiều khách hàng cũng bị ép phải đóng thêm tiền ngoài hợp đồng đã ký với Công ty khi chưa cổ phần hóa, thì mới được giao nền.

Điển hình là trường hợp bà N.T.B.O đã đóng 95% giá thị theo hợp đồng, vẫn bị ép phải đóng thêm 300 triệu đồng thì mới được HDTC giao nền hồi tháng 10/2022. Ông V.V.D đã đóng 50% giá trị hợp đồng, suốt nhiều năm khiếu nại tố cáo, HDTC đi đến thỏa thuận do khách đã đóng 50% giá trị hợp đồng nên chỉ nhận lại 50% số diện tích đất (50 m2), còn lại phải mua lại với giá thị trường 200 triệu đồng/m2 và đóng thêm khoản phí khác khoảng 1 tỷ đồng…

Ép khách hàng cả khi ra tòa

Câu chuyện xảy ra với “thượng đế” Huỳnh Ngọc Sơn (ngụ quận 5, TP.HCM) cũng cay đắng không kém. Tháng 10/2000, ông Sơn và HDTC ký hợp đồng mua bán nền số 839 tại Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh với giá 254,1 triệu đồng. Ông Sơn đóng đợt 1 là 50% giá trị hợp đồng, HDTC cám kết giao nền trước tháng 3/2002.

Nhưng do Công ty chậm tiến độ nên tháng 4/2007, hai bên ký Biên bản gia hạn hợp đồng thêm 12 tháng.

Sau cổ phần hóa, HDTC đưa ra nhiều lý do trì hoãn không giao nền nhà, buộc ông Sơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP. Thủ Đức.

Tại bản án sơ thẩm (tháng 8/2023) thể hiện, đại diện theo ủy quyền của HDTC phản tố cho rằng, công ty cũ và khách hàng biết rõ nền số 839 chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng mà vẫn ký hợp đồng, nhận thanh toán là phạm luật.

Mặt khác, hiện nay giá đền bù HDTC phải chi trả trung bình cho các hộ dân cao hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng các bên thỏa thuận. Thế nên, “HDTC thống nhất với các kết quả định giá của Hội đồng Định giá TP.Thủ Đức với giá thị trường của quyền sử dụng nền đất số 839 là hơn 7,8 tỷ đồng, kết quả đo vẽ của Trung tâm Đo đạc bản đồ với diện tích thực tế nền đất số 839 là 87,6 m2 và kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án Nhân dân TP. Thủ Đức”.

Dù theo thừa nhận của các đương sự tại tòa án thì nền đất 839 đã đền bù giải tỏa xong; dù ông Huỳnh Ngọc Sơn đã đồng ý thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng cũ theo giá thị trường được Tòa án định giá là 90 triệu đồng/m2, thay vì hơn 2,3 triệu đồng/m2 như hợp đồng đã ký trước đây, nhưng HDTC vẫn không chịu.

Không chỉ vậy, HDTC còn phản tố đề nghị Tòa án Nhân dân TP. Thủ Đức tuyên hợp đồng bán nền giữa công ty cũ với ông Sơn là vô hiệu, để HDTC giữ lại mảnh đất nhằm “làm nền tái định cư cho các hộ dân chưa thỏa thuận bồi thường xong”.

Mục đích giữ lại nền của HDTC có vấn đề, bởi theo Kết luận thanh tra hồi cuối tháng 12/2022 của Thanh tra TP.HCM thì chủ đầu tư Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh đã tự ý điều chỉnh mục tiêu của dự án, lấy khu tái định cư của dự án chuyển một phần sang thương mại để bán là không đúng, mới dẫn tới thiếu nền tái định cư. Vì vậy, việc giữ lại nền đã ký bán cho người khác để khắc phục hậu quả do mình gây ra, rõ ràng là không công bằng đối với những người đã ký kết, đóng tiền và chờ đợi hơn 20 năm để nhận nền.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan