Một góc Khu đô thị An Phú - An Khánh

Một góc Khu đô thị An Phú - An Khánh

HDTC và cú 'lật kèo' khách hàng ở Dự án An Phú - An Khánh - Bài 1: Đủ chiêu bài ép khách hàng để 'giật' lại đất vàng

Nhiều khách hàng bị Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) ép không giao đất nền sau khi trở thành chủ Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh.

Lời Tòa soạn: Sau khi về tay “đại gia” Đinh Trường Chinh, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) “lật kèo”, không thực hiện các hợp đồng bán nền Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (TP.HCM) mà công ty tiền thân đã ký với khách hàng. Lý do, HDTC cho rằng, việc mua bán trước đây là phạm luật. Nhưng sự thật là bởi đất nền đã trở thành “đất vàng”.

Bài 1: Đủ chiêu bài ép khách hàng để “giật” lại đất vàng

Sau khi thâu tóm doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà, trở thành chủ Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, HDTC tìm mọi cách để trì hoãn việc giao nền cho người đã ký kết đóng tiền mua trước đó từ công ty cũ. Khi đã giở “hết bài” ép khách không thành, HDTC tuyên bố hủy hợp đồng.

Chủ cũ ký kết bán mua

Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh có diện tích 1.310.915 m2, chia làm 5 khu, được xem là “đất vàng” hiếm hoi hiện nay với vị trí vô cùng đắc địa khi nằm ở phía Đông TP.HCM, giáp bên quận 1 trung tâm thành phố, cách nhau chỉ một con sông, qua lại bằng các cầu như cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 1, hầm Thủ Thiêm. Từ dự án còn thuận lợi đi các tỉnh miền Tây bằng đại lộ Võ Văn Kiệt, đi miền Đông bằng đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Vũng Tàu…

Bởi vị trí đắc địa đó dẫn tới giá trị tăng mạnh theo thời gian. Nếu như năm 2000, nền đất có diện tích 100 m2 tại Dự án chỉ có giá khoảng 200 - 300 triệu đồng, thì số tiền đó hiện nay chỉ mua được cỡ… 1 m2 đất cũng tại Dự án (hiện giá 151 - 223 triệu đồng/m2, dù thị trường bất động sản lao dốc).

Câu chuyện “trở cờ” với khách hàng của HDTC cũng bắt nguồn từ “tấc đất” biến thành “tấc vàng” đó.

Cụ thể, từ năm 1998, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) được Thủ tướng Chính phủ giao đất để thực hiện đầu tư hạ tầng Khu đô thị An Phú - An Khánh theo Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 16/11/1998.

Sau đó, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà đã ký hợp đồng bán nền nhà cho nhiều khách hàng.

Điển hình, ngày 29/2/2000, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà ký Hợp đồng số 438/HĐAPAK bán cho ông Phi Hồng Phú (phường An Phú, TP.Thủ Đức) nền số 173, diện tích 150 m2 với giá 346,5 triệu đồng. Ông Phú đã thanh toán 50% giá trị hợp đồng. Công ty cam kết giao nền trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thanh toán đợt 1, tức là dự kiến giao nền trước tháng 3/2002.

Nhưng do Công ty chậm tiến độ nên ngày tới ngày 8/8/2005, hai bên đã ký “Biên bản gia hạn Hợp đồng” với nội dung gia hạn giao nền số 173 thêm 12 tháng.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại HDTC, cơ quan công an phát hiện, mặc dù khách hàng đã thanh toán Hợp đồng nhận chuyển nhượng nền đất tại Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh và HDTC có trách nhiệm, nghĩa vụ phải bàn giao đất nền cho khách hàng theo thỏa thuận, nhưng ông Đinh Trường Chinh lấy nhiều lý do để tự đơn phương chấm dứt hợp đồng và không thực hiện bàn giao các nền đất này cho người dân.

Với thủ đoạn đó, ông Đinh Trường Chinh đã chiếm đoạt các nền đất trên để chuyển nhượng lại cho các cá nhân khác với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, ngày 26/12/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 20231260 và Quyết định khởi tố bị can số 20231317 đối với ông Đinh Trường Chinh.

Trong suốt thời gian chờ đợi từ sau ngày ký Hợp đồng, ông Phú thường xuyên đến Phòng kinh doanh của Công ty để hỏi thăm tình hình và cập nhật tiến độ, được nhân viên phụ trách kinh doanh cho biết, vị trí nền 173 đã được giải tỏa xong ngay từ đầu những năm 2000, nhưng do vướng giải tỏa một số vị trí lân cận, nên chưa thể thi công hạ tầng để bàn giao nền như đã cam kết. Tại những buổi gặp này, người phụ trách kinh doanh của Công ty luôn cho ông Phú xem bản đồ cập nhật hiện trạng vị trí nền 173 và khu đất lân cận tại từng thời điểm để chứng minh cho lý do chậm trễ.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà cũng ký Hợp đồng số 403/HĐAPALK ngày 7/1/2000 bán cho khách hàng Trương Thanh Tâm (ngụ quận 5, TP.HCM) nền số 1125, tổng diện tích hơn 100 m2 với giá 269,5 triệu đồng và cũng chậm bàn giao nền đúng thời hạn, giống trường hợp của ông Phú.

Có nhiều trường hợp đóng đủ 100% tiền mua nền nhà theo hợp đồng như bà Lê Ngọc Nga (ngụ quận 3, TP.HCM, mua nền số 791, đã nộp đủ 100% giá trị hợp đồng từ năm 2005); khách hàng Nguyễn Văn Tâm (ngụ tỉnh Đồng Nai) đóng đủ 100% hợp đồng mua nền số 202 từ năm 2007…

Sau “chân thành cảm ơn” là chiêu trò

Kêu cứu tới Báo Đầu tư, các “thượng đế” nêu trên cho hay, đã hơn 20 năm qua, họ không chỉ chưa nhận được nền, mà còn có nguy cơ bị “giật phăng” quyền lợi kể từ sau khi Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà cổ phần hóa về tay “đại gia” Đinh Trường Chinh.

Tư liệu của chúng tôi thể hiện, từ đề xuất của Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà, tháng 1/2016, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Lê Thanh Liêm đã ký văn bản chấp thuận nhà đầu tư chiến lược và chỉ đạo Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà bán cổ phần cho Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng Việt Hân, do “đại gia” Đinh Trường Chinh làm Tổng giám đốc.

Thế là năm 2016, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà đã cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC hiện nay), với vốn của Nhà nước chỉ còn 30%.

Tháng 12/2016, tại Văn bản số 567/CV/HDTC gửi khách hàng Nguyễn Văn Tâm, HDTC “cảm ơn chân thành nhất về những hỗ trợ của khách hàng trong suốt thời gian qua”, rồi lý giải việc chưa bàn giao nền nhà số 202 cho ông Tâm bởi công ty đang gặp khó khăn trong đền bù giải tỏa dự án và cam kết tiếp tục thương thảo đền bù với hộ dân để có thể bàn giao nền nhà sớm nhất.

Tới tháng 12/2018, HDTC tiếp tục phúc đáp khách hàng Nguyễn Văn Tâm rằng “lấy làm tiếc chưa thể bàn giao nền số 202” là bởi hiện HDTC vẫn chờ kết luận của cơ quan chức năng đối với việc chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp.

Tương tự, tháng 4/2018, tại cuộc họp với khách hàng Trương Thanh Tâm (mua nền số 1125), HDTC đưa ra 2 phương án, hoặc chờ công ty đền bù giải tỏa xong sẽ giao nền, hoặc hoàn trả tiền lại theo giá thị trường. Bà Tâm chọn chờ đợi công ty đền bù xong giao nền.

Cũng như vậy, tháng 1/2018, HDTC đưa ra phương án cho khách hàng Hà Văn Cun (mua nền số 1126) rằng, hoặc công ty sẽ mua lại nền với giá 80 triệu đồng/m2, hoặc chờ xong đền bù giải tỏa sẽ giao nền. Ông Cun đã chọn chờ đợi.

Ép giá “bèo” không được thì… lật kèo?

Tin tưởng lời hứa của HDTC, hàng loạt khách hàng đã ký kết đóng tiền mua nền Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh kiên nhẫn chờ được giao nền nhà.

Nhưng bất ngờ, ngày 2/4/2021, Chủ tịch HĐQT HDTC là ông Đinh Trường Chinh ký Văn bản số 186/CV/HDTC/2021 gửi khách hàng Trương Thanh Tâm, tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán nền mà bà Tâm đã ký, đóng tiền với công ty tiền thân và “Để giải quyết dứt điểm vụ việc cũng như thiện chí, HDTC sẽ hoàn trả số tiền ông/bà Trương Thanh Tâm đã thanh toán cho công ty và lãi suất…”.

Cũng trong tháng 4/2021, khách hàng Hà Văn Cun nhận được “trát” của HDTC, tuyên bố hợp đồng và các phụ lục hợp đồng mua bán nền số 1126 vô hiệu và công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tương tự, năm 2021, ông Phi Hồng Phú cũng nhận được Văn bản số 02/CV-HDTC/2021 của HDTC với thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng bán nhà trả tiền nền và hạ tầng số 438/HĐAPAK ngày 29/2/2000 giữa công ty tiền thân với ông Phú với lý do hợp đồng này vi phạm pháp luật.

Còn với khách hàng Trần Thị Vinh Sinh thì tới ngày 2/11/2022 được HDTC mời đến thương lượng sẽ bồi thường nền với giá 35 triệu đồng/m2 và sẽ đề nghị HĐQT hỗ trợ thêm 50 triệu đồng/m2 khi thanh lý hợp đồng, do nền 1127 bị vướng đền bù. Bà Sinh không chấp nhận hướng giải quyết này thì nhận ngay Thông báo số 187/CV-HDTC, thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng.

“Tước” quyền lợi của khách để bán giá cao hơn

Lý do mà HDTC đưa ra để đơn phương chấm dứt hợp đồng là, sau khi có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của TP.HCM chuẩn bị các bước thực hiện, các cơ quan thông tin đại chúng cũng như UBND huyện Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức) đã công bố quy định của Chính phủ, đồng thời cấm việc sang nhượng mua bán khu đất nêu trên, chờ giải tỏa đền bù theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (chưa cổ phần hóa) và khách hàng đều biết rõ tình trạng nền đất chưa hoàn tất công tác đền bù, nhưng các bên vẫn thực hiện ký kết hợp đồng, thanh toán và nhận thanh toán chuyển nhượng nền đất là vi phạm điều cấm của pháp luật. Hiện nay, giá đền bù mà Công ty phải chi trả trung bình cho các hộ dân cao hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng các bên thỏa thuận, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và tài sản cổ đông sau cổ phần hóa.

Nhưng khách hàng Trương Thanh Tâm phát hiện, trước khi phát hành thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà (phát hành tháng 4/2021), từ tháng 2/2021, ông Đinh Trường Chinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng số 399/HD-APAK-HDTC/2021 bán nền nhà của bà cho người khác với giá 12 tỷ đồng, gấp gần 45 lần số tiền bà mua trước đó gần 20 năm (269,5 triệu đồng).

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan