Cảnh hoang vắng tại khu vực Nhà máy LuxFashion

Cảnh hoang vắng tại khu vực Nhà máy LuxFashion

Hệ lụy từ việc Lifepro Vietnam ngừng sản xuất

Việc Dự án Nhà máy LuxFashion, do Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro Vietnam) làm chủ đầu tư tại Lô 1C, Cụm công nghiệp Gián Khẩu, Gia Viễn, Ninh Bình dừng sản xuất chỉ sau vài tháng xuất khẩu lô hàng đầu tiên đang gây ra hệ luỵ đáng tiếc.

Dự án LuxFashion từng tạo nên kỳ vọng lớn cho ngành dệt may xuất khẩu bởi được đầu tư theo hình thức khép kín, từ dệt vải, nhuộm, cắt, may đến xử lý hóa chất, giặt là và đóng gói xuất khẩu với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.

 

Sau một thời gian đi vào hoạt động, ngày 30/3/2012, Công ty đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường châu Âu. Thế nhưng, chỉ sau 5 tháng (tháng 8/2012), nhà máy đã phải dừng hoạt động. Vậy đâu là lý do khiến cho Dự án LuxFashion “chết yểu”?

 

Công ty không tuân thủ quy định về thuế

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Trịnh, Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình cho biết, tháng 5/2012, Đoàn Thanh tra Hải quan đến làm việc và tạm thời niêm phong kho nguyên liệu của nhà máy gần 2 tháng. Dẫu sau đó, đoàn cho mở lại kho nguyên liệu, nhà máy tiếp tục hoạt động, nhưng sự kiện này đã ảnh hưởng đến tâm lý của lãnh đạo Công ty là người nước ngoài cũng như người lao động. Số lao động đang từ 920 người giảm xuống còn 380 người, lãnh đạo Công ty đã bỏ về nước.

 

Theo kết luận ngày 27/8/2012 của Thanh tra Tổng cục Hải quan về kết quả thanh tra tại Nhà máy, Công ty này đã vi phạm nghĩa vụ của người nộp thuế; không chấp hành quy định Điều 42, Luật Quản lý thuế, không kê khai thuế và lưu mẫu; không chấp hành nghiêm pháp luật về thanh tra.

 

Ông Trịnh cho biết thêm, ngày 14/8, toàn bộ nhà xưởng và văn phòng được niêm phong, Công ty  dừng hoạt động, nhưng lại không hề có báo cáo với Ban Quản lý các khu KCN tỉnh. Vì vậy, từ tháng 8 đến nay, Ban Quản lý đã 3 lần có văn bản mời lãnh đạo Công ty Lifepro Vietnam đến làm việc, báo cáo tình hình triển khai dự án, tình hình sản xuất - kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác.

 

Ngân hàng ôm nợ

 

Việc dừng hoạt động của Dự án LuxFashion đã để lại không ít hệ lụy.

 

Nghiêm trọng nhất là khoản nợ vay đầu tư từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Hà Nội (Agribank Nam Hà Nội) lên tới cả ngàn tỷ đồng.

 

Lo ngại thu hồi khoản nợ lớn này, ngày 26/7/2012, Agribank Nam Hà Nội đã có Văn bản số 941/NHN-TD, đề nghị Công ty không tiến hành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, cổ đông hay mọi sự thay đổi khác khi chưa có ý kiến của ngân hàng do toàn bộ tài sản của Dự án đã được thế chấp, vay vốn tại Agribank Nam Hà Nội.

 

Do là dự án đầu tư lớn vào Ninh Bình, nên sự cố cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ  ngày 31/8 đến 3/10/2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã có 2 công văn gửi Công an tỉnh và Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị đảm bảo an ninh trật tự, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với lãnh đạo Lifepro Vietnam để nắm rõ tình hình và có giải pháp cụ thể, hỗ trợ giải quyết khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

 

Mặc dù đã dừng sản xuất, nhà máy bị niêm phong, chỉ còn bảo vệ túc trực tại đây, song theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, qua kiểm tra thực tế vào đầu tháng 8, các dây chuyền sản xuất chính của nhà máy đã hoàn thiện và đi vào vận hành. Toàn bộ nhà xưởng, hệ thống hạ tầng được quy hoạch, xây dựng hợp lý, hiện đại so với các nhà máy cùng lĩnh vực dệt may trong nước.

 

“Do được đầu tư với quy mô lớn, thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại nhập khẩu từ Đức, Italia, nên việc nhà máy dừng sản xuất là rất đáng tiếc cho địa phương cũng như ngành dệt may”, ông Trịnh nói. Cho đến lúc dừng sản xuất, nhà máy đã được xây dựng khá quy mô, bề thế trên tổng diện tích khoảng 12 ha, bao gồm 2 khu nhà xưởng thuộc khu A và B. Trong đó, khu A đã hoàn thiện và đi vào sản xuất, khu B đang trong quá trình hoàn thiện. Để bảo vệ số tài sản gồm máy móc, thiết bị và nhà xưởng, Công ty vẫn thuê bảo vệ túc trực. Ngoài ra, còn có thêm bảo vệ do Agribank Nam Hà Nội cắt cử tới.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Boubker El Fehdi, đại diện cho cổ đông góp 30% vốn của Công ty Lifepro Vietnam cho biết, sự cố tại Dự án LuxFashion không làm triệt tiêu ý định đầu tư tại Việt Nam. Điều quan trọng lúc này là mong nhận được sự vào cuộc tích cực từ các bên liên quan của Việt Nam cùng với Công ty giải quyết những tồn tại để Công ty có điều kiện khôi phục sản xuất, lấy nguồn để thanh toán các khoản nợ.