Hệ sinh thái condotel, cần một sự phát triển bền vững

Hệ sinh thái condotel, cần một sự phát triển bền vững

(ĐTCK) Không phải đến giờ, khi “vụ nổ” CocoBay diễn ra, vợ chồng Ngọc Minh cùng làm phòng kế toán một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới nóng ruột như lửa đốt.

Vào năm ngoái, anh chồng đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm và thuyết phục vợ cùng ký vào hồ sơ vay vốn ngân hàng để mua căn condotel tại Hạ Long. Căn hộ có diện tích  40,6 m2, giá 56 triệu/m2, tính cả thuế và phí, tổng tiền lên hơn 2,5 tỷ đồng.

Sau khi được ngân hàng giải ngân, vợ chồng Minh đóng xấp xỉ 2,5 tỷ đồng và hiện đang chịu lãi suất ngân hàng 12,9%/năm.

Chủ đầu tư cam kết trả lãi 12%/năm trong 3 năm đầu, tức là còn chưa bằng lãi suất ngân hàng, chưa kể mỗi năm chủ nhà còn phải đóng tiền duy tu, bảo dưỡng căn hộ. Hiện cả gốc và lãi cho khoảng vay chưa tới 1 tỷ đồng, mỗi tháng vợ chồng Minh phải trả khoảng 25 triệu đồng.

Nhận nhà rồi vợ chồng Minh càng thấy lo, mỗi năm được sử dụng 14 ngày, nhưng lại không được phép vào cuối tuần, rồi phải cắt lại tiền bảo trì, bảo dưỡng căn hộ hàng năm.

Ðến giờ rao bán cắt lỗ căn hộ cũng không xong vì chủ đầu tư còn không ít hàng tồn kho, đang tung ra nhiều chiêu cạnh tranh với nhà đầu tư thứ cấp.

Chủ đầu tư dự án trên là một doanh nghiệp niêm yết. Thống kê của các công ty chứng khoán cho biết, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết có sản phẩm condotel.

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho hay, chưa có một thống kê đầy đủ xem cả nước hiện có bao nhiêu căn condotel, trong đó số căn đưa vào sử dụng, số căn đã hoàn thiện đang chờ bán, số căn đã được cấp phép xây dựng còn đang đầu tư dở dang…

Mặt khác, do đây là một sản phẩm pha trộn nhiều yếu tố để ở, cho thuê lại, để đầu tư…, nên số liệu về tỷ lệ lấp đầy phòng cho thuê cũng là một ẩn số.

Còn nhớ tại đại hội đồng cổ đông của một doanh nghiệp đầu năm nay, khi cổ đông chất vấn đoàn chủ tịch về tỷ lệ lấp đầy của dự án condotel mới đưa vào hoạt động tại Phú Quốc, lãnh đạo doanh nghiệp tự tin trả lời là 50-60%.

Vậy nhưng vào những ngày cao điểm mùa hè, khi người viết có dịp trải nghiệm thực tế tại khu nghỉ dưỡng, lễ tân cho biết tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 30-40%.

Ðiểm hòa vốn của một khách sạn tùy xếp hạng, nhưng theo giới chuyên môn thường phải đạt ít nhất 50% tỷ lệ lấp đầy phòng. Như vậy, rõ ràng trong những năm đầu khách sạn chịu lỗ, vậy chủ đầu tư lấy đâu tiền để trả lợi nhuận theo cam kết cho khách hàng lên tới 12%/năm?

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu cam kết lợi nhuận từ 8-10%/năm thì chủ đầu tư đều phải lấy lợi nhuận từ nguồn khác bù vào. Người trong giới bất động sản thì nói thẳng, sẽ chẳng có nguồn nào khác ngoài cắt từ “thịt” nhà đầu tư.

Nhưng nói như vậy không phải condotel hoàn toàn là sản phẩm xấu. Ở nhiều nước, mô hình này đã thành công.

Với Việt Nam, du lịch đang được coi là ngành kinh tế mũi nhọn và đầu tư vào cơ sở lưu trú có nhiều triển vọng.

Theo một báo cáo khảo sát về du lịch ASEAN của Maybank King Eng, Việt Nam đang thiếu khách sạn chất lượng, vì có tới 80% số lượng phòng khách sạn ở tiêu chuẩn dưới 3 sao.

Hầu hết khách sạn đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ và mức thâm nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế chỉ là 1,4%, thấp nhất trong số các thị trường lớn ở ASEAN.

Maybank Kim Eng đánh giá, Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng để tăng trưởng khách du lịch trung bình hàng năm đạt 25%, nhưng muốn vậy phải thỏa mãn nhiều yêu cầu của du khách để họ rút hầu bao, từ cơ sở lưu trú, đến đi lại, mua sắm…

Như vậy, để condotel phát triển, giúp cho các chủ đầu tư giữ được cam kết với khách hàng, đòi hỏi bài toán nhiệt tâm từ doanh nghiệp, rộng hơn là một hệ sinh thái phát triển bền vững và đồng bộ của nhiều ngành, nhiều địa phương.

Tin bài liên quan