Hẹp “cửa vào bank” cho khối ngoại

Hẹp “cửa vào bank” cho khối ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng Việt đang ở tình trạng cạn room ngoại như VPB, VIB, STB, TCB, OCB… và chỉ cần "hở" room, lập tức có nhà đầu tư mua lấp đầy.

Quỹ ngoại tăng sở hữu

Ngày 1/3, Dragon Capital mua vào tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB, thông qua các quỹ thành viên, nâng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng từ 4,99% lên 5%.

Không lâu sau đó, nhóm cổ đông nước ngoài này thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5%, trở lại ghế cổ đông lớn sau gần 11 năm vắng bóng. Trước đó, Dragon Capital đã bán toàn bộ 61 triệu cổ phiếu, tương đương 6,66% vốn điều lệ Sacombank vào tháng 8/2011.

Được biết, hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu STB, tương đương 19,12% cổ phần Ngân hàng. Sacombank đã chốt room ngoại ở mức tối đa 30%. Gần đây, Sacombank là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất.

STB cũng đang thuộc nhóm có thanh khoản tốt nhất trong ngành ngân hàng. Nhờ vậy, cổ phiếu STB ghi nhận mức tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua và đang giao dịch quanh mức 33.100 đồng/cổ phiếu, nhiều thời điểm lội ngược dòng khi cổ phiếu “vua” giảm.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, Sacombank như một cô gái xinh đẹp, nhưng phải xử lý một số vấn đề trong quá khứ. Và hiện tại, khi đã xử lý gần xong những “vết sẹo” đó thì cổ phiếu STB của Sacombank bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Kết quả luỹ kế từ năm 2017 sau sáp nhập thêm SouthernBank đến nay, Sacombank đã xử lý, thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ 6,68% (theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN) vào năm 2017 xuống còn 1,35%. Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa, xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.

Không chỉ với cổ phiếu MBB, STB, các quỹ của Dragon Capital đã trở thành nhóm cổ đông lớn duy nhất của VPBank từ tháng 5/2021 sau khi nâng sở hữu vượt 5%.

Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Dragon Financial Holdings Limited (DFHL) hiện đang là cổ đông lớn tại ACB, với 149,56 triệu cổ phiếu sở hữu, tương đương tỷ lệ 6,92%. Dragon Capital thường đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong khoảng thời gian 5 - 7 năm, một số trường hợp có thể kéo dài đến chục năm như ACB hay Sacombank.

Là quỹ đầu tư có quy mô lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay, động thái mua thêm cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn tại các ngân hàng gần đây của Dragon Capital đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngày 18/3 vừa qua, SMBC đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank, nhưng hiện vẫn sở hữu hơn 15% vốn cổ phần của nhà băng này. Dù chấm dứt liên minh với Eximbank, SMBC vẫn tiếp tục chiến lược phát triển tại Việt Nam, không chỉ thông qua các chi nhánh hiện tại mà còn thông qua việc hợp tác với VPBank SMBC Finance (FE Credit).

Năm 2021, SMBC đã mua 49% vốn của Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit. Thương vụ này có giá trị lên tới 150 tỷ yên, tương đương 1,26 tỷ USD. Thị trường còn có thông tin, SMBC sẽ sớm thoái 15% vốn tại Eximbank để mua lại cổ phần của một ngân hàng Việt khác và không loại trừ là VPBank.

Mới đây, VPBank đã chính thức nới room ngoại từ 15% lên 17,5% để chuẩn bị phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ, SMBC là đối tác tiềm năng. Ngược lại, các cổ đông trong nước đang đàm phán với SMBC để nhận chuyển nhượng lại phần vốn tại Eximbank.

Nới room để hút thêm dòng vốn nước ngoài

Trong 1 tháng trở lại đây, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB liên tục ở mức 20,49%, tiệm cận với mức tối đa.

Cổ phiếu VIB cũng được khối ngoại “gom” mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, VIB đang chốt "room" ngoại ở mức 20,5%. Tỷ lệ này được ngân hàng cố định trước khi lên giao dịch trên UPCoM năm 2017 và duy trì từ đó đến nay. Trong 1 tháng trở lại đây, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB liên tục ở mức 20,49%, tiệm cận với mức tối đa.

Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse vừa có báo cáo đánh giá về ngành ngân hàng Việt Nam, với nhận định giá cổ phiếu hiện còn rất rẻ so với khu vực, xét về hiệu quả kinh doanh của các nhà băng. Trong báo cáo đưa ra, định chế tài chính hàng đầu này đã gọi tên 6 ngân hàng tiềm năng nhất, gồm Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, ACB và VIB.

Tương tự, điểm nóng được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm trước thềm ĐHCĐ Sacombank là về khả năng bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Trong một báo cáo chiến lược năm 2022 vừa được VCSC đưa ra cho hay, quy định về trần sở hữu nước ngoài dẫn đến khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống, nhưng Sacombank là ứng viên sáng giá được nới room ngoại lên 49%.

Theo nhóm phân tích VCSC, EVFTA quy định trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Vì thế, VCSC cho rằng, ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này là Sacombank, vì hiện tại 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC.

“Việc bán 32,5% trong một lần đem lại giá trị cao nhất cho VAMC và do số cổ phần này vượt quá ngưỡng tối đa 30% (đang áp dụng cho các ngân hàng), nên việc bán sẽ phải được thực hiện dựa trên miễn trừ đặc biệt như EVFTA”, VCSC nhận định.

Tăng vốn và nới room ngoại được đánh giá là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng trong thời gian tới... Hiện tại, room ngoại còn lại của Vietcombank là 6,4% và tại BIDV là 13,3%, cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia phân tích tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, áp lực tăng vốn của ngân hàng thương mại để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu, tiếp sức cho nền kinh tế hồi phục, việc quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại, đang làm giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngoại.

Một số ngân hàng thương mại phải khóa “room” để chờ cơ hội tốt bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Cụ thể, từ tháng 5/2021, VPBank đã khóa room ngoại ở mức 15%, sau đó nâng lên 17,5% trong ngày 4/3 vừa qua.

Trước đó, vào tháng 8/2021, SHB tạm khóa room ngoại ở mức 10%, sau đó điều chỉnh lên mức tối đa 30%. Lãnh đạo SHB cho biết, một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư trên thế giới đang muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng này.

OCB cũng đang khóa room ngoại ở mức 22% nhằm thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (5,1% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cổ đông chiến lược nước ngoài, dự kiến hoàn thành trong năm 2022...

Không chỉ các ngân hàng thương mại tư nhân, mà ngay cả ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank cũng đề xuất tăng room ngoại lên 35%, giúp Ngân hàng đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn và có thêm nguồn lực mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan