Hết động lực, giới đầu tư đứng ngoài quan sát

Hết động lực, giới đầu tư đứng ngoài quan sát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục nối dài đà tăng điểm sang phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/8), tuy nhiên mức tăng không đáng kể khi động lực trên thị trường đã hết.

Đầu ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm vào tuần trước trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Cụ thể, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 7/8 đã giảm 12.000 người, xuống mức 375.000, bằng với mức được các chuyên gia dự báo.

Mặt khác, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 7, cho thấy lạm phát có thể vẫn ở mức cao do nhu cầu mạnh mẽ được thúc đẩy bởi quá trình phục hồi kinh tế, khiến chuỗi cung ứng chưa thể đáp ứng kịp.

Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7 vừa qua, PPI đã tăng 7,8%, mức cao kỷ lục kể từ khi chỉ số này được nghiên cứu vào năm 2010. Ngoài ra, PPI lõi, không bao gồm giá năng lượng, dịch vụ thương mại và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 0,9% trong tháng 7, cao hơn so với dự báo tăng 0,5%.

Các cổ phiếu công nghệ lớn là động lực chính trên thị trường đêm qua hơn khi các nhà đầu tư an tâm với dữ liệu việc làm cho thấy kinh tế Mỹ phục hồi ổn định.

Apple, Microsoft, Amazon.com, Alphabet Inc và Facebook đến Tesla, Nvidia và Moderna đều ghi nhận sắc xanh.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tình hình dịch bệnh lan nhanh có thể làm chậm quá trình phục hồi việc làm trong bối cảnh thiếu lao động.

Mùa báo cáo quý II đã kết thúc xuất sắc. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi cuộc họp thường niên của Fed tại Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng để tìm tín hiệu về kế hoạch thắt chặt chính sách sắp tới.

Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều tăng điểm trong phiên đêm qua, trong đó Dow Jones và S&P 500 lập đỉnh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures không có nhiều biến động.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Dow Jones tăng 14,88 điểm (+0,04%), lên 35.499,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,13 điểm (+0,30%), lên 4.460,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 51,13 điểm (+0,35%), lên 14.816,26 điểm.

Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng sang phiên ngày thứ Năm nhờ lợi nhuận quý II mạnh mẽ từ các công ty bảo hiểm. Trong khi đó tại Anh, thị trường M&A sôi động đã hạn chế phần nào đà lao dốc do nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng gây ra.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,91 điểm (-0,37%), xuống 7.193,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 111,42 điểm (+0,70%), lên 15.939,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 24,48 điểm (+0,36%), lên 6.882,47 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh với cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà giảm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do dữ liệu tín dụng cấp mới yếu hơn dự kiến ​​gây ra lo ngại về thanh khoản.

Chứng khoán Hồng Kông giảm sau khi Trung Quốc phát tín hiệu sẽ tăng cường các quy định để ổn định nền kinh tế với những bài báo tiết lộ Bắc Kinh đang nhắm tới các nền tảng công nghệ bảo hiểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ sáu liên tiếp khi các nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics và SK Hynix.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,49 điểm (-0,20%), xuống 28.015,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,88 điểm (-0,22%), xuống 3.524,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 142,34 điểm (-0,53%), xuống 26.517,82 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 12,24 điểm (-0,38%), xuống 3.208,38 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục đi lên bất chấp đồng USD mạnh hơn, tuy nhiên biến động không đáng kể khi thị trường không có nhiều thông tin tác động đến động thái mua bán của giới đầu tư.

Kết thúc phiên 12/8, giá vàng giao ngay tăng 2,10 USD (+0,12%), lên 1.753,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 1,40 USD (-0,08%), xuống 1.749,80 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm nhẹ sau hai phiên tăng giá mạnh mẽ khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định sự lây lan của biến thể Delta gây ra Covid-19 đang và sẽ làm chậm sự phục hồi của nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

"Tăng trưởng nhu cầu trong nửa cuối năm 2021 sẽ giảm mạnh do các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19 mới được áp dụng ở một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt là ở châu Á”, IEA cho biết.

IEA cho biết thêm, nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm 120.000 thùng/ngày trong tháng trước và dự báo, tăng trưởng trong nửa cuối năm nay sẽ thấp hơn 500.000 thùng/ngày so với con số đưa ra cuối tháng trước.

Kết thúc phiên 12/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,16 USD (-0,12%), xuống 69,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,13 USD (-0,2%), xuống 71,31 USD/thùng.

Tin bài liên quan