Hết “room” cho vay: Ngân hàng xoay... trái phiếu

(ĐTCK-online) Trong vòng 6 tháng qua, xuất hiện ngày càng nhiều các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Hầu hết các đợt phát hành đều đạt được mức độ thành công nhất định về khối lượng trái phiếu phát hành. Đối tượng nhà đầu tư chủ yếu là ngân hàng thương mại (NHTM), cũng chính là đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng khoảng 28% so với cuối năm 2008, gần chạm ngưỡng trần 30% cho cả năm. Các NHTM đang đối mặt với việc vượt giới hạn tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Để tránh việc vượt giới hạn tăng trưởng này, khách hàng lớn của các NHTM thường được tư vấn chuyển sang kênh phát hành trái phiếu, trong đó NHTM là tổ chức bảo lãnh phát hành, đồng thời là nhà đầu tư. Việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như vậy không chỉ giúp NHTM duy trì mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, mà chủ yếu là khách hàng tốt, quy mô lớn, mà còn đem lại thu nhập cao cho ngân hàng.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định mức lãi suất cơ bản là 7%. Như vậy, lãi suất cho vay tối đa tại các NHTM là 10,5%/năm. Thời gian qua, lãi suất huy động của các NHTM có xu hướng tăng, mức phổ biến của khối NHTM nhà nước là 8,5 - 8,7%/năm, của khối NHTM cổ phần cao hơn khoảng 0,5 - 0,7%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra bị hẹp đã và đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Trong khi đó, các trái phiếu phát hành trong thời gian gần đây đều có lãi suất coupon cao hơn lãi suất cho vay tối đa. Cụ thể: trái phiếu Sudico phát hành ngày 8/7/2009, kỳ hạn 3 năm, có lãi suất năm đầu 12,5%, lãi suất các năm sau bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 4%/năm; trái phiếu Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) phát hành ngày 30/9/2009, kỳ hạn 3 năm, có lãi suất năm đầu 12,5%, lãi suất các năm sau bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,8%/năm; trái phiếu CTCP Sông Đà Thăng Long phát hành ngày 19/10/2009, kỳ hạn 3 năm, có lãi suất năm đầu 13%, lãi suất các năm sau bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 4,2%/năm. Có thể thấy, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ đem lại cho NHTM nguồn thu nhập cao hơn, bình quân chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất cho vay hiện nay khoảng 2,5 - 3%/năm.

Ngoài thu nhập từ lãi trái phiếu, các NHTM còn thu được phí từ việc cung ứng dịch vụ tư vấn thu xếp, bảo lãnh phát hành trái phiếu và các dịch vụ liên quan khác. Mức phí dịch vụ này, các NHTM thường tính khoảng 1 - 2% trên tổng giá trị trái phiếu phát hành.

Ngoài ra, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không làm ảnh hưởng tới việc tuân thủ quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung - dài hạn của các NHTM. Ngày 10/8/2009, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 15/2009/TT-NHNN, trong đó quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn - dài hạn của NHTM là 30%. Thông tư này hạn chế việc NHTM đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, thường có kỳ hạn trung và dài hạn, nhưng nếu các NHTM hạch toán trái phiếu doanh nghiệp đầu tư vào tài khoản trái phiếu sẵn sàng để bán thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của quy định này.

Với những lợi ích thiết thực từ việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp so với cho vay tín dụng, các NHTM hiện khá quan tâm đến hoạt động đầu tư trái phiếu và cung ứng dịch vụ phát hành trái phiếu liên quan cho các doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hoạt động bảo lãnh phát hành hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng chứa đựng những rủi ro nhất định (như rủi ro thanh toán, rủi ro lãi suất...), đặc biệt là đối với loại trái phiếu bất động sản, trái phiếu không có bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán hay tài sản đảm bảo. Hơn nữa, việc trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu có đặc thù so với các loại chứng khoán khác. Cụ thể, giá trái phiếu doanh nghiệp ít biến động thường xuyên và ít có giao dịch thứ cấp, nên việc trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính sẽ không phù hợp. Trong khi đó, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng lại không quy định việc trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu.