VPK đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ cùng ngành

VPK đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ cùng ngành

“Hiện tượng” VPK

Cổ phiếu VPK của Công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật đang trở thành một “hiện tượng”, khi chỉ trong vòng 2 tháng, cổ phiếu này đã tăng giá gấp gần 2 lần trong bối cảnh thị trường èo uột.

Từ đầu tháng 7/2012 đến nay, giá cổ phiếu VPK đã tăng xấp xỉ 100%, từ mức dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, lên 18.900 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 19/9, cổ phiếu VPK tăng hết biên độ, đóng cửa ở mức giá trần 18.900 đồng/cổ phiếu. Tốc độ tăng giá phi mã của cổ phiếu VPK đã thực sự trở thành hiện tượng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chung èo uột như hiện nay.

Thực chất, cổ phiếu VPK đã được các nhà đầu tư chú ý từ khoảng đầu tháng 8/2012, sau một chuỗi ngày tăng giá dài. Tuy nhiên, cuối tháng 8/2012, giá cổ phiếu này bị tuột dốc theo cơn lốc chung của thị trường cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng. Có những thời điểm, cổ phiếu VPK xuống mức 15.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 28/8/2012).

Tuy nhiên, sau đó, VPK lại bật tăng mạnh từ đầu tháng 9 đến nay. Theo một số nhà quan sát, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu VPK có được sức hút lớn với nhà đầu tư trong thời gian qua là do Công ty có mức lợi nhuận tăng mạnh so với năm ngoái, bất chấp suy thoái chung của nền kinh tế.

Theo thống kê, tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2012 của VPK tăng 111,8% so với quý II/2011, lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2012 tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPK tăng mạnh là do doanh thu quý II/2012 tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu lũy kế 6 tháng tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2011. Giá bán sản phẩm tăng cũng là yếu tố làm gia tăng lợi nhuận cho Công ty.

Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật, thời gian qua, do thực hiện chương trình quản lý và kiểm soát chi phí, nên Công ty đã tiết giảm được chi phí tài chính. Theo đó, chi phí tài chính quý II/2012 giảm 50,4% so với quý II/2011, lũy kế 6 tháng đầu năm 2012, chi phí tài chính giảm 54% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, những doanh nghiệp đang tiêu thụ các sản phẩm của VPK gồm: Công ty Dầu thực vật hương liệu mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty Dầu thực vật Cái Lân, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…

Mặc dù vậy, VPK cũng đang phải cạnh tranh khá gay gắt với nhiều đối thủ cùng cung ứng các sản phẩm tương tự, trong đó nhiều đối thủ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, như Công ty Bao bì Tân Á (Singapore), Công ty Bao bì Akamax, Công ty Bao bì Box.Pak (Malaysia), Công ty Ornapaper Vietnam (Malaysia)…

Theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng VPK khó duy trì tốc độ tăng trưởng nêu trên trong những tháng còn lại của năm, bởi nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ các khách hàng lớn sẽ giảm. Hơn nữa, một trong những lý do đem lại lợi nhuận lớn cho VPK trong nửa đầu năm 2012 là tận dụng được nguồn nguyên liệu chính tồn kho từ cuối năm 2011 và đầu quý I/2012. Do đó, khi nguồn nguyên liệu này được sử dụng hết, Công ty sẽ phải tăng thêm chi phí cho việc nhập nguyên liệu mới.