Người đại diện vốn Nhà nước tại FPT Telecom luôn phối hợp chặt chẽ với SCIC trong công tác quản lý vốn

Người đại diện vốn Nhà nước tại FPT Telecom luôn phối hợp chặt chẽ với SCIC trong công tác quản lý vốn

Hiệu quả vốn nhà nước tăng cao có vai trò không nhỏ của người đại diện

(ĐTCK) Xác định tầm quan trọng của hệ thống người đại diện trong công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ chế làm việc và công tác phối hợp chặt chẽ giữa SCIC và người đại diện. Hiệu quả vốn nhà nước ngày càng tăng nhờ làm tốt công tác phối hợp với người đại diện.

Giá trị phần vốn nhà nước ngày càng tăng

Tại thời điểm 30/9/2014, SCIC thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 318 DN, với giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán là 17.098 tỷ đồng. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua hơn 400 người đại diện, trong đó có khoảng 340 người đại diện là cán bộ DN (làm việc chuyên trách), chiếm khoảng 80%. Số còn lại là cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm người đại diện vốn tại doanh nghiệp.

Việc phối hợp giữa SCIC và người đại diện trong công tác quản lý vốn nhà nước tại DN được thực hiện theo Quy chế Người đại diện được SCIC ban hành từ năm 2007. Quy chế đã được SCIC nghiên cứu và sửa đổi theo hướng ngày càng phù hợp hơn. Gần đây nhất là Quy chế Người đại diện ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-ĐTKDV.HĐTV ngày 1/10/2014 của SCIC.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC đánh giá, mặc dù còn một số tồn tại, nhưng trong thời gian qua, người đại diện đã phối hợp với SCIC khá chặt chẽ, thể hiện tốt vai trò cổ đông năng động, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN.

Cụ thể, người đại diện đã phối hợp kịp thời với SCIC để thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ở nhiều DN, như tham gia ý kiến vào các phương án kinh doanh, phương án tài chính, phương thức quản trị DN, đề án tái cơ cấu... mang lại hiệu quả tích cực.

SCIC đã tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với người đại diện để thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn tại DN. Người đại diện trực tiếp lãnh đạo, điều hành các DN sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, đóng góp cổ tức cho Nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2014 là 3.818 tỷ đồng (chiếm 59,85% tổng doanh thu của SCIC); đồng thời làm tăng trưởng phần vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Ông Lại Văn Đạo cho biết, có được kết quả nêu trên là nhờ SCIC chủ động phát huy vai trò cổ đông nhà nước. Thông qua hệ thống người đại diện, SCIC đã chủ động tham gia các ÐHCĐ; nghiên cứu, góp ý và biểu quyết các quyết định, các phương án kinh doanh của DN; thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và kiểm tra hoạt động của DN; tham gia mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các DN kinh doanh có hiệu quả, có tiềm năng, tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, SCIC phối hợp với người đại diện và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại ở các DN kinh doanh thua lỗ; có tranh chấp trong nội bộ ban lãnh đạo, giữa các nhóm cổ đông, tranh chấp với đối tác; khiếu kiện kéo dài; cần hoàn thiện thủ tục triển khai dự án đầu tư theo quy định... Hiện nay, các tồn tại về cơ bản đã được giải quyết hoặc có những tiến triển quan trọng.

SCIC đặc biệt quan tâm đến kiện toàn hệ thống người đại diện tại doanh nghiệp.

Thực hiện vai trò cổ đông năng động, SCIC còn chủ động triển khai các hoạt động tái cơ cấu đối với một số DN như: Tổng CTCP Bảo Minh, CTCP Du lịch khách sạn Kim Liên, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bà Rịa -Vũng Tàu; triển khai cổ phần hóa và tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Khoáng sản tỉnh Lai Châu, Công ty TNHH MTV Thương mại, du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên. Đặc biệt, SCIC phối hợp với Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính và hoạt động của Vinaconex và một số DN thành viên; hiện đang thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về đẩy nhanh tái cơ cấu Vinaconex theo Công văn số 4426 của Văn phòng Chính phủ.

SCIC còn hỗ trợ DN xử lý các vấn đề bất cập về quản trị, tài chính, trong đó có xử lý các khoản nợ xấu.

Bên cạnh việc củng cố, tái cơ cấu các DN tiếp nhận, SCIC đã từng bước thoái vốn nhà nước đang đầu tư ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.

Người đại diện đã tích cực phối hợp với SCIC trong việc bán vốn và thu nợ cho Nhà nước. Theo Quyết định 2344/QĐ-TTg, trong 2 năm 2014-2015, SCIC thực hiện thoái vốn tại 376 doanh nghiệp. Lũy kế đến hết tháng 9/2014, Tổng công ty đã bán vốn thành công tại 115 DN (trong đó bán hết vốn tại 105 DN, bán bớt vốn tại 10 DN), với giá vốn là 1.041 tỷ đồng, doanh thu bán vốn đạt 2.409,7 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn đạt 1.368,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,3 lần..

Theo Tổng giám đốc SCIC, công tác bán vốn được SCIC thực hiện hiệu quả, bảo toàn và tăng thặng dư vốn với việc lựa chọn phù hợp DN để bán vốn, thời điểm bán; đồng thời, thực hiện tái cấu trúc DN trong từng trường hợp, nhằm tối đa hóa giá trị thu về cho Nhà nước.

Từ nguồn thu được từ bán vốn và lợi nhuận thu được qua các năm, SCIC đã đầu tư vào các DN/dự án thuộc ngành nghề lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. 

Tiếp tục nâng cao vai trò người đại diện

Tổng giám đốc SCIC nhấn mạnh, những việc đã làm được của SCIC có sự đóng góp rất lớn của hệ thống người đại diện. Vì thế, việc thường xuyên kiện toàn hệ thống người đại diện được SCIC đặc biệt quan tâm. Căn cứ mục tiêu, yêu cầu quản lý phần vốn nhà nước tại DN, SCIC đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cấp ủy cơ sở rà soát, tăng cường thay thế và bổ sung nhân sự làm người đại diện theo hướng: tiếp tục thay thế người đại diện là cán bộ hành chính nhà nước (công chức) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử làm người đại diện kiêm nhiệm để phù hợp về quy định pháp luật đối với cán bộ, công chức. Ðối với một số DN đặc biệt quan trọng hoặc trong những trường hợp thật sự cần thiết, SCIC cử cán bộ của mình trực tiếp làm người đại diện, tham gia bộ máy lãnh đạo tại DN.

“Với tư cách là cổ đông nhà nước tại DN, SCIC sẽ tiếp tục ủng hộ và đề cử người đại diện xứng đáng vào nắm giữ các chức vụ quản lý, điều hành, qua đó người đại diện có thể phát huy được khả năng quản lý lãnh đạo DN và hưởng các chế độ tương ứng với các vị trí lãnh đạo DN”, Tổng giám đốc SCIC nói.

Lãnh đạo SCIC chia sẻ thêm, trên cơ sở Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định số 57/2014/NĐ-CP ngày 15/6/2014 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, Tổng công ty sẽ tăng cường công tác quản trị, tái cơ cấu DN nhằm mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại DN theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu SCIC; đẩy mạnh hoạt động đầu tư theo danh mục và định hướng đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu cơ hội tham gia các khoản thoái đầu tư ngoài ngành và mua cổ phần lần đầu tại các DN cổ phần hóa để thực hiện Nghị quyết số 15/2014/NĐ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN.       

Ông Trần Văn Hiếu

Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐTV SCIC

 Chính phủ đã tăng cường chức năng, nhiệm vụ của SCIC. Thời gian tới, nhiệm vụ của SCIC sẽ nặng nề hơn. Do đó, SCIC cần phát huy tính chủ động, tích cực hơn nữa để làm tốt công tác đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, gắn kết có hiệu quả các DN thành viên, tận dụng tốt cơ hội đầu tư kinh doanh, nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nhà đầu tư của Chính phủ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp với người đại diện, SCIC phải tiếp tục kiện toàn hệ thống người đại diện; tăng cường cơ chế phối hợp với các địa phương, bộ, ngành trong việc theo dõi đánh giá người đại diện. SCIC cần tiếp tục ủng hộ và đề cử người đại diện vào nắm giữ các chức vụ quản lý, điều hành tại DN, qua đó người đại diện có thể phát huy được khả năng quản lý, lãnh đạo DN và hưởng các chế độ tương ứng với các vị trí lãnh đạo DN.

TS. Phạm Viết Muôn

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN

Những việc đã làm được của SCIC có sự đóng góp rất lớn của hệ thống người đại diện. Vì thế, SCIC phải đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn hệ thống người đại diện. Ðối với một số DN đặc biệt quan trọng hoặc trong những trường hợp cần thiết, SCIC phải tăng cường cử cán bộ của mình trực tiếp làm người đại diện, tham gia bộ máy lãnh đạo tại DN để sâu sát hơn DN, quản lý chặt chẽ phần vốn nhà nước tại DN.

Trong thời gian tới, SCIC cần tiếp tục chủ động đề xuất và phối hợp các cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về người đại diện; hoàn thiện các quy định của SCIC về công tác người đại diện; kiện toàn nhân sự và tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong công tác người đại diện; thực hiện tái cấu trúc, nâng cao năng lực và cổ phần hoá các công ty TNHH MTV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản trị phần vốn nhà nước tại DN.

Tin bài liên quan