Hiệu ứng con bướm…

Hiệu ứng con bướm…

(ĐTCK-online) Một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ) trong điều kiện gốc của hệ vật lý, dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cách hàng vạn km.

Đây là một khái niệm phổ biến trong môn khí tượng học. Năm 1972, nhà khoa học Edward Lozen đã tổ chức một hội thảo có tên "Khả năng dự báo: Liệu một con bướm vỗ cánh ở Brasil có gây nên một cơn lốc xoáy ở Texas?". Ông Lozen chứng minh rằng, một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ) trong điều kiện gốc của hệ vật lý, dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cách hàng vạn km.

Điều này thì có liên quan gì đến TTCK nhỉ? Có liên quan chút đỉnh. Nhưng xin lỗi nhà khí tượng học đáng kính, ở TTCK Việt Nam xin sửa lại khái niệm của ông thành… hiệu ứng bướm đậu, bướm bay…

Trở lại với câu chuyện thị trường. Ở xứ ta, chẳng biết có anh chị em nhỏ lẻ nào dính vào chứng khoán mà không một lần lướt sóng? Nhiều khi cứ lẩn thẩn nghĩ, cụ Buffett vốn nổi tiếng "chung thủy", nếu có vào TTCK Việt Nam chắc cũng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của T+4 giá trần vòng 1, vòng 2, vòng… vân vân... Chỉ có điều, ai đã từng lướt sóng mà không một lần chìm xuồng với những đòn hút, xả, kéo, đẩy của các nhà thể thao mạo hiểm đất Việt…

Xin có mấy lời thanh minh như thế vì của đáng tội, mấy tháng nay dù tài khoản còm nhom, nhưng vì mấy chữ "liều ăn nhiều" mà cũng tham gia đu tàu, nhảy tàu. Vốn thân cô thế cô, chẳng quen đội lái, không thân DN hay tốt đường tu mà ôm được mớ cổ phiếu đúng sóng kiểu như PVA, PVX… Vậy nên, thấy phong trào lướt sóng của các CTCK dạo này lên quá, cũng mạnh dạn ăn theo! Chắc mẩm rằng, họ vừa mua vừa bán thế kia, cổ phiếu kiểu gì chả có sóng. Không thì tay phải chuyển sang tay trái luôn chứ mua bán làm gì cho nhọc hơi công bố. Thế nhưng, mấy lần ngã mà chẳng… bớt dại tí nào. Ôm vào cả tháng, "cưa chân bàn" bình quân giá mấy lần mà cổ phiếu vẫn chấp chới đi lùi. Đùng một cái, mấy anh mấy chị ấy cuối kỳ công bố chỉ bán không mua!

Giật mình nhìn lại những thông tin đăng ký bán mua trên thị trường mấy tháng rồi, mới thấy chuyện này đang trở thành mốt thời thượng. Và những "tai nạn đường sắt" như mình cũng không hiếm gì. Chẳng nhìn đâu xa, hỏi chuyện mấy anh em trà đá bia cỏ, hóa ra ông nào cũng nghĩ vậy, ông nào cũng khôn vặt, lẳng lặng bám đuôi cá mập để ăn to. Đến lúc bị hố nặng mới đem chia sẻ với nhau. Hóa ra đều chung cảnh… "Vịt còi lướt sóng biển Đông".

Thật ra, chuyện này về lý thì cũng khó trách người ta. Tuy đăng ký mua và bán bằng nhau, nhưng chẳng có điều luật nào buộc phải mua và bán hết số ấy. Chỉ có điều, cái tình với đồng đạo chứng khoán thì cũng khiến nhiều người tặc lưỡi, "đúng là chốn… bạc tiền".

Lại nhớ đến câu ca dao xưa, "Nói lời phải giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay". Từ ngàn năm nay, loài bướm đã say sưa tô lục chuốc hồng cho hoa như một kẻ si tình. Nhưng xét ra thì có lý lẽ nào đâu để buộc một kẻ si tình phải tình chung! Sắc hoa và đời bướm vốn đã bạc! Trên TTCK nhà mình, hoa hết hương hết mật rồi thì đúng là "hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng". Và cứ cái cảnh này thì thị trường "bướm đậu" càng ít mà "bướm bay" thì nhiều. Có chăng cổ đông nhỏ như mình cũng chỉ biết ngậm ngùi: từ nay ta chừa hẳn cái tật cả tin!

Ông bạn cùng dính nạn rớt tàu lại quả quyết, phong trào đăng ký vừa mua vừa bán đang là mốt! Có lẽ từ nay tôi cũng nhờ báo chí công bố cái tin đăng ký cả mua cả bán dăm bảy triệu cổ phiếu, rồi mấy anh em mình đá cánh phải hay cánh trái cho… chủ động ông ạ!

Than ôi, cái chí vươn lên ấy cũng đáng học tập. Nhưng nhỏ lẻ như mình ai cho công bố và công bố ai nghe? Cũng chẳng liên quan gì nhưng cuối tuần tự nhiên lại nhớ đến nhân vật của cụ Nam Cao, "Ai cho tôi làm người lương thiện" đây???

Thôi thì cố nghĩ về điều tích cực, biết đâu việc cho phép các tổ chức lướt sóng thoải mái như vậy cũng là bài tính để người ta hạn chế các tay lướt cá nhân chăng (suốt ngày chìm xuồng thì còn ai dám lướt)!?

Trở lại với lý thuyết hiệu ứng con bướm. Một ví dụ rất cụ thể về hiệu ứng này của Benjamin Franklin được nhiều người biết đến:

Vì một cái đinh tuột nên móng ngựa bị tuột. Vì cái móng ngựa tuột nên con ngựa bị sảy chân. Vì con ngựa bị sảy chân nên người chiến binh bị sa cơ. Vì người chiến binh sa cơ nên thua trận. Vì thua trận nên đất nước bị mất tự do. Tất cả chỉ vì môt cái đinh ngựa tầm thường.

Trên TTCK nhà mình, chẳng biết hiệu ứng này có thể suy diễn ra rằng:

CTCK công bố vừa mua vừa bán nhưng chỉ bán không mua. Vì chỉ bán không mua nên có một số nhà đầu tư theo đóm ăn tàn bị lỗ nặng. Vì lỗ nặng nên phải rời bỏ cuộc chơi. Một số người rời bỏ cuộc chơi sẽ kéo theo cả đám đông (cá nhân) bỏ cuộc. Thị trường cuối cùng chỉ còn sói và sói. Hết cừu, sói sẽ phải ăn thịt nhau. Chứng trường thật sự trở thành chiến trường. Tất cả chỉ vì… bướm đậu rồi bay.

Lại nhớ tích cũ, chuyện thầy Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm sống đời vui vẻ. Tỉnh dậy than rằng, chẳng biết Trang Tử hóa bướm hay bướm hóa Trang Tử đây? Ngày nay, mình vốn nhà đầu tư phận mỏng cánh chuồn. Cả gan mong được một lần hóa… cánh bướm khi đậu khi bay, hô phong hoán vũ, hô bán lại mua, hô mua lại bán trên thị trường. Dẫu một lần được người khác e sợ, nổi (tai) tiếng trên chốn chứng trường khắc nghiệt thì chẳng phải là khoái hoạt lắm ư!