Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VPB

CTCK BIDV (BSC)

Xu hướng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB – sàn HOSE) tiếp tục được đảm bảo, với ROE (TTM) cải thiện 6 quý liên tiếp lên gần 13% tại cuối quý II, trong khi P/B hiện đang ở mức 1.3x, chưa quay về mức trung bình lịch sử 1.5x trong bối cảnh nhiều ngân hàng cạnh tranh đã vượt đỉnh.

Việc còn nhiều room ngoại (khoảng 4,5% tại thời điểm báo cáo), chưa kể đến khả năng nâng FOL lên 49%, đang là một điểm cộng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi thời điểm nâng hạng FTSE đến gần. Trong ngắn hạn, đây hoàn toàn có thể là yếu tố giúp VPB tiếp tục bắt kịp hiệu suất của các ngân hàng đối thủ như TCB, MBB… vốn đã hết room ngoại.

Với kết quả nửa đầu năm 2025, BSC duy trì dự báo lợi nhuận tổng thể 2025F-2026F đối với VPB lần lượt là 23,3 nghìn tỷ (tăng 16%) và 28,2 nghìn tỷ (tăng 21% so với năm trước), và sẽ điều chỉnh chi tiết các cấu phần nhỏ ở cập nhật sau.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu đã có hiệu suất hơn 24% kể từ thời điểm báo cáo cập nhật gần nhất và tiệm cận giá mục tiêu trước đó, BSC hiện khuyến nghị nắm giữ đối với VPB dựa trên giá mục tiêu gần nhất là 26.500 đồng/CP (tương đương upside hơn 13% so với giá đóng cửa ngày 24/07/2025) sau khi cập nhật thời điểm định giá sang giữa 2026 và điều chỉnh hệ số mục tiêu nhằm phản ánh giai đoạn nới lỏng tiền tệ.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu VPB

CTCK Agriseco (AGR)

VPB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2025 đạt 11.229 tỷ đồng (tăng 29,4% so với cùng kỳ), riêng quý II/2025 tăng 38,4%, chủ yếu nhờ chi phí dự phòng giảm đáng kể hơn 10% và thu nhập lãi thuần tăng 9,7% nhờ duy trì tín dụng cao. Ngược lại, thu nhập ngoài lãi giảm do lợi nhuận ngoại hối giảm 80%. Tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập đạt 25,8%, là mức thấp nhất toàn hệ thống. Biên lãi ròng (NIM) 6 tháng giảm nhẹ, đạt 5,52% do chi phí vốn tăng.

Tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể xuống 3,97% so với mức 4,2% cuối năm 2024, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay. Điểm sáng là tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ đạt 3,03%, thấp hơn so với cuối năm 2024 (6,3%) giảm áp lực tăng nợ xấu trong các quý tới. Chúng tôi đánh giá Luật hóa Nghị quyết 42/2017/NQ-CP được thông qua giúp VPB đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và chi phí xử lý nợ nhằm khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp, mở rộng dư địa tăng lợi nhuận trong năm nay. Bên cạnh đó, VPB sẽ tập trung củng cố bộ đệm dự phòng nợ xấu trong năm nay trong bối cảnh nợ xấu giảm, tỷ lệ LLR tăng lên 52% tính đến cuối quý II/2025

Tỷ lệ P/B của VPB là 1,1x và thấp hơn mức trung bình lịch sử 1,6x lần. Dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 tăng trên 20% so với năm 2024 nhờ tăng trưởng tín dụng cao và chất lượng tài sản cải thiện. Với mức định giá thấp và triển vọng lợi nhuận tích cực, VPB được đánh giá là cơ hội đầu tư tiềm năng và nắm giữ trong dài hạn.

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của VPB trong 6 tháng cuối năm 2025 tiếp đà tăng trưởng nhờ: Biên lãi ròng năm 2025 cải thiện nhờ tín dụng tăng trưởng cao; Chi phí dự phòng giảm nhờ chất lượng tài sản cải thiện; Quản lý chi phí vận hành hiệu quả. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 27.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

CTCK Agriseco (AGR)

Doanh thu quý II/2025 của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) đạt 16.625 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) chủ yếu do mảng công nghệ tăng chậm lại. Tuy nhiên, lợi nhuận quý 2 duy trì tăng trưởng 18% nhờ biên lợi nhuận mảng viễn thông cải thiện. Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT đã hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận đề ra với lợi nhuận trước thuế đạt 6.166 tỷ đồng (tăng trưởng 19%).

Ngày 16/7/2025, Bộ Công an chính thức nhận chuyển giao 50,2% cổ phần FPT Telecom từ SCIC. FPT sẽ vẫn nắm giữ 45,7% cổ phần và ghi nhận FPT Telecom là công ty con. FPT cũng đã chốt quyền phát hành cổ phiếu tăng vốn với tỷ lệ 15% vào ngày 21/7/2025. Theo đó, FPT sẽ nâng vốn điều lệ từ 14.813 tỷ đồng lên 17.000 tỷ đồng.

FPT vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong 6 tháng đầu năm 2025, dù doanh thu ký mới mảng CNTT nước ngoài chậm lại do ảnh hưởng vĩ mô. Chúng tôi dự báo lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm và cả năm 2025 tăng khoảng 18% so với cùng kỳ nhờ đóng góp từ mảng công nghệ và viễn thông. Giá cổ phiếu đã điều chỉnh 15% từ đầu năm và hiện giao dịch quanh P/E TTM ~21,x lần – tương đương vùng định giá trung bình 5 năm. Với tiềm năng dài hạn từ AI, bán dẫn, phần mềm ôtô, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu với giá mục tiêu sau điều chỉnh là 122.000 đồng/CP.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NT2

CTCK SSI

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 – sàn HOSE) tích cực trong quý II/2025 giúp lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 vượt cả kế hoạch năm của công ty và dự báo trước đó của chúng tôi.

Với kỳ vọng nhu cầu điện toàn quốc tăng cao trong nửa cuối năm 2025, NT2 có thể được EVN huy động sản lượng nhiều hơn.

Tuy nhiên, các lo ngại dài hạn về tình trạng thiếu hụt khí tự nhiên trong nước vẫn còn hiện hữu. Nếu được phê duyệt sử dụng LNG, đây sẽ là yếu tố then chốt để NT2 phục hồi khả năng vận hành ở công suất phát điện cao.

Tin bài liên quan