Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSD) trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" do Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức ngày 23/7. Ảnh Dũng Minh

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSD) trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" do Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức ngày 23/7. Ảnh Dũng Minh

Chuẩn bị đưa vào vận hành công ty đối tác bù trừ trung tâm, cho phép nhà đầu tư không cần ký quỹ trước khi đặt lệnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là thông tin được ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC) tiết lộ khi trao đổi với báo chí bên lề Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính- Đầu tư” tổ chức ngày 23/7.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, thu hút nhà đầu tư và dòng vốn nước ngoài được coi là vấn đề được nhắc đến gần đây. Cơ quan quản lý đã có sự chuẩn bị ra sao và đánh giá mức độ khả thi hiện nay như thế nào?

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý, các tổ chức vận hành và thành viên thị trường đang quyết tâm cao trong việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo đánh giá của chúng tôi, kỳ đánh giá tháng 9 của FTSE Russell là thời điểm Việt Nam có thể được nâng lên hạng thị trường mới nổi thứ cấp. Thông thường, với các chuẩn mực đầu tư ở nước ngoài, các quỹ đầu tư quốc tế phân bổ hạn ngạch nhất định theo mức độ rủi ro. Thị trường càng được xếp hạng cao, mức đầu tư càng lớn. Do vậy, việc nâng hạng sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn từ các định chế tài chính lớn trên thế giới.

Cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường đã chuẩn bị tất cả các công việc. Về mặt pháp lý, Thông tư 68/2024/TT-BTC là bước tháo gỡ ban đầu, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tạm thời không cần ký quỹ trước khi đặt lệnh. Thứ hai, chúng tôi cũng đã triển khai cơ chế kiểm tra số dư giữa ngân hàng lưu ký nước ngoài và công ty chứng khoán trong nước khi đặt lệnh cho nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là việc cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài bằng hình thức trực tuyến, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện thông thoáng hơn trong việc cấp tài khoản tiền gián tiếp.

Về hạ tầng, hệ thống công nghệ KRX đã chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025, từng bước ứng dụng nền tảng công nghệ mới. Sắp tới, chúng tôi đang chuẩn bị từng bước để đưa vào vận hành công ty đối tác bù trừ trung tâm trực thuộc VSDC. Cơ chế này cho phép nhà đầu tư không cần hoặc chỉ cần ký quỹ một phần nhỏ trước khi đặt lệnh giao dịch.

Cùng đó, về dài hạn, nền tảng công nghệ này cũng chuẩn bị cho các nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, thực hiện các cơ chế về bán khống. Chúng ta có thể cho phép triển khai nghiệp vụ mới trên cơ sở sẵn sàng các điều kiện khác. Đây là lộ trình cơ quan quản lý và tổ chức vận hành thị trường đang thực hiện, qua đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường trong nước.

Ngoài nền tảng pháp lý và công nghệ, Việt Nam đã có những hoạt động gì nhằm quảng bá thị trường tới nhà đầu tư quốc tế?

Trong 2- 3 năm gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều hoạt động roadshow tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Úc, Singapore. Tại các sự kiện này, chúng tôi chia sẻ về chính sách kinh tế vĩ mô, các cải cách mở cửa, tháo gỡ trong chính sách, nhất quán và đổi mới trong thể chế chính trị, chính sách đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cơ chế chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt các Nghị quyết ứng dụng khoa học công nghệ, đề cao kinh tế tư nhân.

Chúng tôi cũng truyền tải rõ thông điệp về quyết tâm cải cách thể chế và chính sách mở cửa. Việc ban hành các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 68 khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân và định hướng thành lập khu vực kinh tế như trung tâm tài chính quốc tế bằng các chính sách cụ thể. Điều này giúp nhà đầu tư quốc tế hiểu, tạo điều kiện để họ xây dựng lộ trình đầu tư vào Việt Nam.

Làm sao để chất lượng hàng hóa có thể hấp dẫn các nhà đầu tư khi tham gia thị trường, thưa ông?

Một trong những yếu tố then chốt nhà đầu tư quan tâm là việc xây dựng một nguồn “hàng hóa" đủ lớn và có chất lượng tốt. Đây cũng chính là một trong những điểm nghẽn của thị trường hiện nay. Khi quy mô thị trường mở rộng và dòng vốn lớn tìm đến, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các cổ phiếu mới, có chất lượng. Vì vậy, cần từng bước tháo gỡ các nút thắt để tăng nguồn cung hàng hóa trên thị trường.

Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối. Thứ hai, cần thực hiện lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn để tạo ra nguồn cung hàng hóa mới, hấp dẫn hơn cho thị trường.

Thứ ba, cần tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn tư nhân phát triển bền vững và sớm tiếp cận thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn. Qua đó, hình thành một kênh dẫn vốn lớn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, nên cân nhắc xem xét theo hướng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được chuyển đổi thành công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước đây, đã thí điểm cho một số doanh nghiệp FDI lên sàn, nay cần hoàn thiện chính sách và tạo điều kiện để nhóm doanh nghiệp này niêm yết và huy động vốn.

Tất cả các giải pháp nói trên sẽ tạo ra cung hàng hóa tốt để nhà đầu tư họ có thể tham gia. Thực tế hiện nay, quy mô vốn hóa thị trường chỉ dao động quanh ngưỡng gần 70% GDP, trong khi số lượng doanh nghiệp mới niêm yết gần đây lại khá khiêm tốn, khiến khả năng tạo ra "cầu” mới cho nhà đầu tư còn hạn chế.

Tin bài liên quan