HNX tự coi mình là... “bà đỡ“

HNX tự coi mình là... “bà đỡ“

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt “ông lớn” trên UPCoM và HNX đã thông qua kế hoạch "chuyển nhà".

Nhiều doanh nghiệp thuộc hàng “ngôi sao” trên cả sàn niêm yết lẫn đăng ký giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quản lý đang có kế hoạch chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), khiến vốn hóa và thanh khoản trên HNX có nguy cơ giảm mạnh.

Dày đặc lịch chuyển sàn sang HOSE

Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt “ông lớn” trên UPCoM và HNX đã thông qua kế hoạch "chuyển nhà".

Trong đó, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với vốn hóa lớn, thanh khoản tốt, thường xuyên có mặt trong Top đầu các cổ phiếu thu hút nhà đầu tư nước ngoài như ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu), SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội), LPB (Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt), VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam)... Trong khi LPB, SHB, ACB còn đang để ngỏ thời điểm chuyển sàn sang HOSE, thì VIB dự kiến tháng 11/2020 sẽ niêm yết trên HOSE.

Ngoài nhóm ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác cũng rục rịch kế hoạch chuyển cổ phiếu từ UPCoM, hay sàn niêm yết HNX sang HOSE như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC)…

Riêng Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA, UPCoM), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR, UPCoM), kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2020 vừa thông qua phương án lựa chọn HOSE hay HNX để niêm yết cổ phiếu trong thời gian tới…

Một trong những lý do chuyển sàn được doanh nghiệp đưa ra là để đón đầu việc tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo định hướng phân bảng thành các khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của SHB, Hội đồng quản trị Ngân hàng khẳng định phương án chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE là nhằm “thực hiện chủ trương tại Quyết định 32/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, đồng thời gia tăng hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán”.

HNX vui với sứ mệnh "tiếp sức"

Với những tiêu chuẩn cao hơn về quy mô vốn cũng như nghĩa vụ công bố thông tin, sàn HOSE lâu nay vẫn thu hút giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại hơn là sàn HNX, hay UPCoM. Vì vậy, để cải thiện hình ảnh doanh nghiệp cũng như tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, từ đó thuận lợi hơn trong kế hoạch huy động vốn mới, nhiều doanh nghiệp sau một thời gian giao dịch trên UPCoM hay niêm yết cổ phiếu trên HOSE đã quyết định dời sàn qua HOSE.

HNX tự coi mình là... “bà đỡ“ ảnh 1

Rất nhiều cổ phiếu “hot” trên sàn HOSE hiện nay vốn “xuất thân” từ UPCoM hay HNX như POW (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam), HVN (Tổng công ty Hàng không Việt Nam), VGC (Tổng công ty Viglacera - CTCP), BHN (Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), DBC (CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam)…

Tuy nhiên, việc hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn và hiện là các “thỏi nam châm” hút mạnh vốn của nhà đầu tư đồng loạt lên kế hoạch “chuyển nhà” khiến thị trường e ngại sẽ ảnh hưởng lớn tới sức hấp dẫn của “chợ” UPCoM hay HNX, vốn đìu hiu lâu nay.

Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2019, thanh khoản bình quân phiên của sàn HNX chỉ đạt hơn 407 tỷ đồng, giảm 48% so với năm 2018, thanh khoản của UPCoM chỉ đạt hơn 297,2 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, thanh khoản của sàn HOSE năm qua đạt bình quân 4.080 tỷ đồng/phiên.

Tháng 5/2020, giai đoạn thị trường chứng khoán có sự sôi động đặc biệt nhờ sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư mới, thanh khoản của HNX trong tháng đạt hơn 555 tỷ đồng/phiên, còn UPCoM đạt hơn 375 tỷ đồng/phiên. Trong khi cùng thời điểm, thanh khoản bình quân của sàn HOSE đạt 5.739 tỷ đồng/phiên.

Đem e ngại trên tới lãnh đạo của HNX thì được chia sẻ, đúng là việc nhiều doanh nghiệp lớn trên UPCoM và sàn niêm yết HNX chuyển sàn niêm yết khó tránh khỏi ảnh hưởng đến hoạt động của HNX trên một số khía cạnh, nhất là về mặt giá trị và khối lượng giao dịch, tính thanh khoản của thị trường. Bởi lẽ, đây là những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, kinh doanh hiệu quả, luôn nằm trong Top các cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường, thu hút mạnh nhất nhà đầu tư nước ngoài giao dịch.

“Với sứ mệnh tiếp sức cho nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, HNX luôn trong tâm thế sẵn sàng là bà đỡ cho các doanh nghiệp trải qua bước trung chuyển làm quen với luật chơi trên thị trường chứng khoán trước khi đưa cổ phiếu lên các sàn niêm yết như mong muốn của doanh nghiệp. Chúng tôi tự động viên nhau luôn chấp nhận chịu khổ, vất vả trong giai đoạn ban đầu giúp doanh nghiệp làm quen với các quy định trên thị trường chứng khoán, nhất là về minh bạch thông tin, từ đó góp phần nâng cao giá trị cho doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp lựa chọn sàn nào để niêm yết là quyết định của họ, vì những mục tiêu mà công ty, cổ đông hướng đến. Nhiệm vụ của sở giao dịch chứng khoán là tạo thuận lợi để đáp ứng mong đợi chính đáng của doanh nghiệp, qua đó góp phần phát triển hàng hóa cả về lượng và chất, mang lại cơ hội đầu tư mới, hấp dẫn cho công chúng đầu tư…”, một lãnh đạo HNX chia sẻ.

Trong khi đó, từ phía tiếp nhận các doanh nghiệp này là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, một lãnh đạo Sở cho biết, HOSE sẵn sàng đón nhận những cổ phiếu mới lên niêm yết.

Trả lời câu hỏi trong trường hợp một lượng lớn cổ phiếu ồ ạt lên sàn HOSE tại cùng một thời điểm, hệ thống công nghệ của Sở có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, liệu có phát sinh rủi ro gì về mặt hạ tầng giao dịch với thị trường, nhà đầu tư, đại diện HOSE khẳng định, hệ thống công nghệ thông tin của Sở hiện nay hoạt động ổn định và đáp ứng được nhu cầu gia tăng cổ phiếu lên đăng ký giao dịch. HOSE đang phối hợp với các bên liên quan khẩn trương hoàn tất các hạng mục của gói thầu hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường. Các công việc đang diễn ra theo đúng tiến độ như yêu cầu, để đảm bảo khi cơ quan quản lý chốt thời điểm là đưa vào vận hành.

Liên quan đến một số cổ phiếu như PVS, DGC đã gửi hồ sơ niêm yết lên HOSE cả năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc chuyển sàn, đại diện HOSE cho biết, sự chậm trễ này là do phía các doanh nghiệp gặp vướng mắc trong bổ sung hồ sơ để đáp ứng chuẩn yêu cầu niêm yết. Có những loại hồ sơ doanh nghiệp hoàn thành nhanh, nhưng có những loại, chẳng hạn như báo cáo tài chính năm có kiểm toán, thì phải đợi lâu, nên thời gian hoàn tất việc chuyển sàn niêm yết kéo dài.

Tin bài liên quan