Hỗ trợ doanh nghiệp, cần có tư duy giảm tối đa chi phí

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ cần cân nhắc kỹ chi phí và điều kiện tuân thủ các quy định, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thiết thực và ngay lập tức.
Hiện nhiều nhà sản xuất thép không gỉ trong nước không thể nhập được nguyên liệu để sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Hiện nhiều nhà sản xuất thép không gỉ trong nước không thể nhập được nguyên liệu để sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Lại mong được đối thoại

Ngay sau khi có thông tin Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp thép không gỉ lại dấy lên hy vọng về một cuộc làm việc, đối thoại với Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Chúng tôi chỉ mong có thể làm rõ các kiến nghị về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với thép không gỉ, để Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng xem xét toàn diện vướng mắc của doanh nghiệp”, đại diện nhóm 27 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ vừa ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ nói.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng vào đầu tháng 6/2023, các doanh nghiệp một lần nữa kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ QCVN 20:2019/BKHCN, có hiệu lực trở lại vào tháng 6/2023 sau 2 năm tạm dừng hiệu lực do ý kiến của chính nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép không gỉ. Ngay cả trường hợp không thể hủy bỏ, các doanh nghiệp đề xuất phương án cho phép 2 chủng loại hàng hóa GD1 và GD2 đã được Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) tiếp tục hoàn thiện và công bố tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian nhanh nhất.

Theo các doanh nghiệp, trong thời gian QCVN 20:2019/BKHCN tạm dừng hiệu lực, các doanh nghiệp đã phối hợp với Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam hoàn thành dự thảo tiêu chuẩn gửi lấy ý kiến các đơn vị tổ chức trong ngành thép không gỉ; đưa ra sự phi lý về quyết định cấm nhập nguyên liệu thép không gỉ không đạt tiêu chuẩn quốc gia, nhưng vẫn cho phép nhập khẩu các sản phẩm hoàn thiện sử dụng loại nguyên liệu đó, gửi các cơ quan có liên quan.

“Nhưng nửa năm đã trôi qua, chúng tôi không nhận được văn bản trả lời nào. Hiện tại, hàng trăm nhà sản xuất thép không gỉ trong nước không thể nhập khẩu được nguồn phôi này để sản xuất, cũng có nghĩa hàng trăm nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm gia dụng, nội thất, xây dựng trong nước có uy tín, có thương hiệu không có nguyên liệu để sản xuất. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm xấp xỉ 30%, thị trường bị hàng nhập khẩu lấy mất...”, đại diện nhóm doanh nghiệp lý giải.

Đau đáu câu hỏi: Có cách nào khác đỡ khó cho doanh nghiệp?

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng được nhận đơn kiến nghị của các doanh nghiệp thép không gỉ. “Hai tuần qua, chúng tôi tiếp nhiều doanh nghiệp đến chia sẻ vướng mắc, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Không chỉ các doanh nghiệp thép không gỉ, chúng tôi tiếp tục nhận các kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh hàng hóa quá cảnh, các doanh nghiệp bị ách tắc hoàn thuế giá trị gia tăng, vướng mắc trong thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy… Các doanh nghiệp nói đã gửi kiến nghị đi nhiều nơi, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Tuấn cho biết.

Nhưng vấn đề mà ông Tuấn muốn đặt ra, cũng như câu hỏi mà các doanh nghiệp thép không gỉ đau đáu, đó là trong lúc doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở bờ vực phá sản, có cách nào giải quyết nhanh các vướng mắc.

Với hàng quá cảnh mà doanh nghiệp vận tải Việt Nam thực hiện theo hợp đồng vận tải container từ Trung Quốc về đến cửa khẩu tại Tây Ninh, các doanh nghiệp đang kêu cứu vì bị kiểm tra sở hữu trí tuệ ở cửa xuất theo hình thức thủ công, khiến doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại nặng, phải bồi thường hợp đồng do không đảm bảo thời gian vận chuyển.

“Nếu các cơ quan quản lý thấy cần kiểm tra với hàng hóa quá cảnh, thì chỉ cần kiểm chặt cửa nhập là có thể giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng quá cảnh cho biết, đã có xu hướng hàng hóa tìm lối qua Thái Lan, Myanmar, thay vì Việt Nam, để chảy về ASEAN. Hay với các doanh nghiệp thép không gỉ, Bộ Khoa học và Công nghệ có cần phải áp dụng quy chuẩn rất cao đối với nguyên liệu thép không gỉ hay không và có cần phải áp dụng trở lại vào thời điểm này không?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Tư duy hỗ trợ có địa chỉ

Trong Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, quan điểm hạn chế tối đa thủ tục hành chính phát sinh trong thực thi chính sách, giải pháp; tuyệt đối không làm gia tăng thêm điều kiện, rào cản pháp lý, chi phí tuân thủ trong sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân đã được nêu thành một đầu mục.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang rất trông đợi vào việc thực hiện nghiêm túc quan điểm này. Theo ông, đây là lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại, xác định những quy định chưa thực sự cần thiết hay tạo ra chi phí tuân thủ quá lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp có thể lùi thời gian thực hiện, để giảm gánh nặng chi phí tuân thủ thường rất lớn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sẽ có những quy định pháp luật cần phải ban hành, như các tiêu chí, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy định về định mức chi phí tái chế (Fs), sẽ làm khó doanh nghiệp do phải đầu tư không hề nhỏ để tuân thủ. Bên cạnh các giải pháp đang thực hiện, cần tính đến các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng phó với thách thức mới, như gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu, ứng phó với thuế carbon…

“Đây là cách hỗ trợ trực tiếp, có địa chỉ mà doanh nghiệp nhận được ngay và có tác động tích cực ngay. Việc kiểm soát ở góc độ quản lý nhà nước cũng thuận tiện, rõ ràng, tránh được tâm lý e ngại trong thực thi”, ông Hiếu phân tích.

Đặc biệt, ông Hiếu nhắc lại cách thực thi các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19, đó là tự động áp dụng, linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đây là những điều mà doanh nghiệp, nền kinh tế đang cần ngay.

Tư duy hỗ trợ theo hướng “sandbox”

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng vào tư duy hỗ trợ theo hướng “sandbox”, áp dụng cho một số dự án khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, như chưa hoàn thành phần móng... “Lúc này, nhiều doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, nếu được gỡ ngay các điều kiện để có thể áp dụng các giải pháp thị trường, nhất là mua bán dự án, mua bán một phần tài sản, thì sẽ có thêm điều kiện phục hồi, tránh được tình trạng đóng băng, thậm chí là phá sản do không bán được tài sản”, ông Hiếu đề xuất.

Tin bài liên quan