Hỗ trợ "nhầm", ngành lao động có trách nhiệm nhất định

0:00 / 0:00
0:00
Trả lời các chất vấn liên quan đến hỗ trợ còn chậm, còn nhầm ở một số nơi khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có trách nhiệm nhất định của ngành.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn chiều 10/11.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn chiều 10/11.

14h30 phút chiều 10/11 Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Nội dung được chọn để chất vấn xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt.

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách cũng nằm trong nhóm vấn đề Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu trước khi trực tiếp nhận chất vấn của đại biểu, ông Dung cảm ơn đại biểu và cử tri đã thường xuyên theo dõi, giúp đỡ ngành thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng nhìn nhận, Covid-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, sinh kế của dân bị đảo lộn. Đến nay, các gói hỗ trợ, an sinh của Quốc hội, Chính phủ cũng như các địa phương ban hành đã góp phần giúp những đối tượng bị ảnh hưởng bớt khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề an sinh, dân sinh hiện đang có nhiều hệ lụy do dịch bệnh để lại mà cần thời gian đủ dài, chính sách đủ rộng để có thể giải quyết.

41 đại biểu đăng ký chất vấn ngay từ đầu giờ, vấn đề được chất vấn liên quan đến việc hỗ trợ trẻ em mồ côi sau đại dịch, giải pháp phục hồi thị trường lao động, sự thiếu kịp thời trong triển khai chính sách hỗ trợ...

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về đại dịch khiến một số lượng lớn trẻ em ở TP.HCM trở thành mồ côi, gây áp lực cho xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, trên thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Việt Nam có hơn 2.500 em rơi vào hoàn cảnh này.

Về chế độ , Bộ trưởng cho biết, tại Việt Nam, những trẻ mồ côi có người thân chăm sóc thì mức hỗ trợ khoảng 1,8 triệu đồng. Ngoài ra, quyết định hỗ trợ trẻ mồ côi cả cha và mẹ là 5 triệu đồng/trẻ.

Nhiều mạnh thường quân đã cùng chung tay để lo cho trẻ em, phương châm là vận động để các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu. Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội, ông Dung hồi âm đại biểu.

Với chất vấn của một số đại biểu về giải pháp khôi phục lại thị trường để chống sự thiếu hụt lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình để học sinh học nghề ngay năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng 3 kịch bản, theo đó, sẽ sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề, đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động, kịch bản khác thì sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất, ông Dung nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu về một tỉnh phát nhầm tiền hỗ trợ cho 22.000 người, Bộ trưởng có biết không, ông Dung đề nghị điều chỉnh thông tin này vì không phải là phát nhầm và nhận nhầm với con số lớn như vậy.

Ông cho biết sau khi báo chí phản ánh đã trực tiếp điện cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo bằng văn bản, đồng thời cử một Thứ trưởng cùng các đơn vị vào kiểm tra thực tế, gặp cả người phát, người nhận nhầm. Thực tế chỉ có 1.490 người nhận nhầm. Con số 22.000 người là của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho lao động khó khăn ở các khu nhà trọ. Sau đó, tỉnh thấy con số quá lớn, nên đã rà soát lại.

Phần đông người nhận nhầm đã tự hoàn trả lại số tiền, đến nay công việc đã được giải quyết và đã thu hồi được 1,6 tỷ đồng, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, với các chất vấn liên quan đến hỗ trợ còn chậm, còn nhầm ở một số nơi khác, Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm nhất định của Bộ.

Theo Bộ trưởng, qua đánh giá các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Song, Bộ trưởng cũng phân trần là do giãn cách xã hội và số lượng người quá lớn cùng thời điểm tính chất cấp bách. Khâu tổ chức thực hiện, ngành còn điều này điều kia do đó có khuyết điểm như người dân chậm được nhận, một số chưa được nhận, thậm chí còn có phát nhầm, nhận nhầm.

Tại báo cáo gửi đại biểu, Bộ trưởng cũng nêu công tác hỗ trợ ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ, nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” xảy ra.

Một bộ phận người dân, người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được hưởng hoặc chậm được thụ hưởng.

Nhìn chung, mức hỗ trợ còn thấp. Một số chính sách có tỷ lệ đạt thấp, như chính sách đối với đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chính sách cho người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đạt thấp so với dự tính ban đầu.

Việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ, công tác hỗ trợ tại một số địa phương vẫn còn chậm. Một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi, bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật, Bộ trưởng nhận định.

Tin bài liên quan