Hoá giải điểm yếu khoa học công nghệ

Nếu Việt Nam không tập trung đầu tư phát triển KHCN thì trong một vài năm tới, đây sẽ trở thành thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt.

Một trong những khuyến cáo mà các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam khi đẩy mạnh thực hiện tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đó là sự tụt hậu khá xa về khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là cơ sở hạ tầng KHCN phục vụ mục đích tăng trưởng kinh tế bền vững. Mặc dù hiện nay, Việt Nam cũng đã bắt đầu phải đối mặt với vấn đề này, song theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu Việt Nam không tập trung đầu tư phát triển KHCN thì trong một vài năm tới, đây sẽ trở thành thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt.

Ông Phạm Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận xét, trong 3 điểm yếu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam so với DN các nước khác là năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý và quản trị kinh doanh, trình độ nắm bắt KHCN thì gần như điểm yếu thứ 3 và được coi là yếu nhất, là nguồn gốc sâu xa của mọi điểm yếu. Đặc biệt, đối với DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì điểm yếu này lại càng bộc lộ rõ khiến họ khó có thể vươn lên cạnh tranh được với DN nước ngoài trong điều kiện hạn chế về vật lực và tài chính như hiện nay. “Đa số DN Việt Nam đều là DN vừa và nhỏ, trong đó khu vực tư nhân chiếm phần lớn, như vậy, nếu thiếu sự tập trung đầu tư phát triển KHCN và hỗ trợ từ phía Nhà nước thì dù DN có nỗ lực đến mấy cũng đành lực bất tòng tâm”, ông Dũng nói.

Mô tả tình trạng đói công nghệ hiện nay của DN, ông Dũng cho rằng, dường như vẫn tồn tại sự khập khiễng trong năng lực và nhu cầu nắm bắt công nghệ giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là khu vực DN. “Rõ ràng là trong khi phần lớn cơ sở KHCN hiện đại nằm trong tay các cơ quan nhà nước và hàng năm có tới 2% GDP được chi cho nghiên cứu phát triển KHCN song hầu như các xí nghiệp do Nhà nước quản lý lại không quan tâm mấy đến vấn đề đưa vào ứng dụng những thành quả nghiên cứu này. Trong khi đó, DN thuộc khu vực tư nhân mặc dù rất khát khao có được nguồn lực quý giá này thì hầu như lại chẳng được quan tâm đến do phần lớn ngân sách và mục tiêu phát triển KHCN không liên quan gì đến việc hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân. Trong bối cảnh cả nước phấn đấu hướng tới việc xây dựng một nền công nghiệp xuất khẩu, với nhu cầu về phát triển và ứng dụng KHCN trở thành yêu cầu trọng tâm để tăng sức cạnh tranh và phát triển của DN, nếu DN tư nhân không được tham gia vào mục tiêu này thì quả thực là điều không công bằng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo đề xuất của ông, Chính phủ cần hỗ trợ thành lập trung tâm ươm tạo cho DN công nghệ, gọi là các trung tâm kỹ gia theo mô hình tương tự đã và đang được áp dụng tại Đài Loan, Hồng Kông, Singapore. Các trung tâm này sẽ góp phần hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong việc thiết kế, chế tạo mô hình, thử nghiệm, bao gói, đồng thời cung cấp các dịch vụ phụ trợ khác như kho tàng, đào tạo, hội họp, triển lãm, hội thảo…

Ở tầm vĩ mô, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP đánh giá sự phát triển KHCN không chỉ đơn thuần là để hỗ trợ phát triển khu vực DN mà quan trọng hơn, còn là nền tảng để tăng năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Theo ông Pincus, trong điều kiện chậm phát triển và thua kém hơn các nước khác về nhiều phương diện, Việt Nam dứt khoát cần phải đưa phát triển và ứng dụng KHCN trở thành mục tiêu hàng đầu, bởi đây chính là công cụ quan trọng giúp Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, bắt kịp đà phát triển của thế giới. “Để có thể thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng là cần xác định được một ngành chiến lược có có hội tăng trưởng nhanh nhất và phù hợp với nhu cầu phát triển của toàn thế giới. Ngành này, theo tôi, chính là lĩnh vực KHCN, hay nói cụ thể hơn là IT, tin học, điện tử… Thời gian gần đây, Việt Nam đã đưa vào phát triển ngành này khá hiệu quả và đã đạt được những bước tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giai đoạn tiền đề, và Việt Nam cần tập trung hơn nữa tiềm lực phát triển để tạo nền tảng cho phát triển cơ sở hạ tầng KHCN, từ đó tạo bước đột phá cho tăng trưởng công nghiệp và kinh tế trong thời gian tới”, ông Pincus phân tích.

Theo ông Pincus, Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia hết sức thành công trong việc áp dụng chiến lược này. Trong đó, Trung Quốc gần đây đã công bố trước toàn thế giới về việc hình thành hàng chục khu công nghệ cao với các trường đại học, viện nghiên cứu với quy mô quốc tế. Kết quả là đã có tới 40% sản phẩm công nghệ cao được sử dụng trên toàn thế giới hiện đang được sản xuất và chế tạo tại quốc gia này, đồng thời sự phát triển KHCN còn là nguồn lực to lớn giúp Trung Quốc vươn dậy trở thành nền kinh tế tăng trưởng vào loại nhanh nhất thế giới trong một thời gian dài liên tục. Ông Pincus cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm này, nhưng theo khả năng và đặc điểm quy mô kinh tế của mình. “Với đặc thù là nước có quy mô kinh tế nhỏ bé, Việt Nam nên đi theo 2 hướng, vừa nhận làm hợp đồng cho các tập đoàn lớn trên thế giới về các loại hình công nghệ cấp trung bình, đồng thời vừa học hỏi để từ đó phát triển công nghệ của mình dựa trên sự sáng tạo. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút các nhân tài đang học và làm việc tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các sinh viên đã tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin đang làm việc tại Thung lũng Silicon của Mỹ”, ông Pincus nói.