Hóa giải thách thức giải ngân vốn đầu tư công chậm

0:00 / 0:00
0:00
Có tới 25 tồn tại, vướng mắc đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng.
Hóa giải thách thức giải ngân vốn đầu tư công chậm

Bởi thế, để hóa giải thách thức giải ngân vốn đầu tư công, phải bắt đầu bằng việc giải quyết tận gốc rễ các tồn tại này và đó thực sự là một bài toán không dễ giải.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là lần đầu tiên, các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm được hệ thống một cách đầy đủ và rõ ràng như vậy. Tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 và tháng 8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra các tồn tại, vướng mắc này và phân thành 3 nhóm chính. Đó là nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức sáng 26/9, một lần nữa, 25 nguyên nhân này được nhấn mạnh.

Thực tế, cũng không quá khó để chỉ ra các nguyên nhân “rất quen thuộc”, khiến dù Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo, song cho đến nay, tình hình chưa cải thiện được nhiều. Qua 9 tháng, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%).

Đó là những vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, tài nguyên - môi trường, xây dựng, đấu thầu…

Đó là những khó khăn xuất phát từ việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, hay dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư…

Đó là công tác tổ chức triển khai còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…

Đó còn là các vấn đề liên quan đến giá nguyên vật liệu tăng cao và năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nhưng thực tế mới là năm thứ nhất, vì Kế hoạch mới được thông qua vào giữa năm...

Câu hỏi đặt ra là, vì sao, tình hình không khả quan hơn, dù thực tế do năm nay, kế hoạch được giao cao hơn năm trước, nên tính về số tuyệt đối, số vốn giải ngân trong 9 tháng qua đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái trên 34.500 tỷ đồng?

Và câu trả lời cũng một lần nữa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện”. Rõ ràng, trong cùng một hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngược lại, 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%). Trong đó, có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Không có lời giải thích nào hợp lý hơn là “do công tác triển khai thực hiện”.

Cũng cần phải nhắc lại một lần nữa rằng, trong giải ngân vốn đầu tư công, có yếu tố đặc thù, là “đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán”. Tức là, giải ngân sẽ tăng cao vào dịp cuối năm. Do vậy, khẳng định “giải ngân chậm” có thể chưa hoàn toàn chính xác.

Mặc dù vậy, việc đến hết quý III vẫn còn một lượng lớn vốn đầu tư chưa được giải ngân là điều quá sốt ruột. Hơn thế nữa, việc Chính phủ mới đây đã quyết định giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo tổng mức và cơ cấu ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, cũng đang đặt nhiều áp lực cho vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Không nhanh chóng giải ngân, sẽ bỏ lỡ cơ hội để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và bứt tốc.

Chỉ còn một quý để nỗ lực. Đó là lý do vì sao, khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Và rằng, “nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, vì thế, phải đặc biệt ưu tiên, làm ngày làm đêm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm, nỗ lực như vậy, nếu giải ngân còn chậm, thì đúng là “có lỗi với nhân dân”.

Tin bài liên quan