“Hoàn nhập dự phòng lớn không đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư đã có lãi”

(ĐTCK) So với thực trạng kinh tế rất xấu năm 2008, thời điểm này những ám ảnh về nguy cơ khủng hoảng kinh tế dường như đã vơi bớt nhiều. Trên cả phương diện vĩ mô, cấp ngành và cấp DN, tình hình đã trở nên khả quan hơn, tạo nên sự kỳ vọng lớn về khả năng phục hồi kinh tế.

Ở góc độ một NĐT chứng khoán, lợi nhuận của DN niêm yết luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, bởi đó là thước đo quan trọng nhất thể hiện sức khỏe của DN. Theo thống kê sơ bộ, tổng lợi nhuận trước thuế của DN niêm yết trong quý I/2009 đã tăng hơn 4.500 tỷ đồng so với quý IV/2008.

Để nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng bước đầu phục hồi, trước hết phải thừa nhận hiệu quả rõ rệt từ phía chính sách của Chính phủ, từ chống suy giảm kinh tế đến những chính sách giúp đỡ trực tiếp DN. Từ cuối năm 2008, lạm phát cũng đã bắt đầu được kiểm soát khá hiệu quả. Ngoài ra, việc giảm, giãn nhiều loại thuế đã tạo điều kiện kích thích sản xuất và tiêu dùng; chính sách cho vay hỗ trợ 4%/năm lãi suất trung và dài hạn bắt đầu được triển khai…

Với DN, những khó khăn đã giảm đi rõ rệt, thậm chí có yếu tố trước đây là khó khăn, nay lại thúc đẩy lợi nhuận của DN. Điển hình như việc đầu tư tài chính. Nếu DN vẫn còn các khoản đầu tư tài chính thì đây đang là những khoản sinh lời sau khi đã trích lập dự phòng, bởi lẽ TTCK và bất động sản đã và đang phục hồi mạnh mẽ.

Như vậy, đối với DN trong lĩnh vực tài chính, việc hoàn nhập dự phòng là dấu hiệu tốt thể hiện việc DN đã có thể thu lại chi phí bỏ ra ban đầu đối với các khoản đầu tư từ kỳ trước (chưa nói đến lỗ/lãi so với giá đầu tư ban đầu). Đối với DN trong lĩnh vực khác thì việc hoàn nhập dự phòng cũng mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, NĐT cũng nên chú ý, đối với DN mà lợi nhuận chủ yếu thu về từ các khoản hoàn nhập trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính trong khi hoạt động chính vẫn giảm thì về bản chất, DN có thể đang đi lùi trong hoạt động chính và chưa hẳn các khoản đầu tư tài chính của DN  đã có lãi. Điều quan trọng đối với DN này là NĐT cần chú ý đến hoạt động cốt lõi (core business) của họ, vì nếu không chuyên trong lĩnh vực tài chính thì hoạt động tài chính có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ, nhưng cũng có thể khiến DN trở nên thua lỗ nặng nề.