Học để vươn lên

Học để vươn lên

(ĐTCK) Sở GDCK Hà Nội vừa công bố sẽ tổ chức đoàn công tác đến tìm hiểu về quản trị DN tại Thái Lan, với thành phần tham dự chủ đạo là DN niêm yết.

Tiếp sau Đoàn công tác của Sở GDCK TP. HCM  (HOSE) đến Sở GDCK Malaysia theo sự kết nối của CTCK Maybank KimEng để tìm hiểu về hệ thống thông tin các DN niêm yết tại đây và cách mà hệ thống có thể giúp tăng cường tính minh bạch, quản trị công ty của các DN niêm yết, Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa công bố sẽ tổ chức đoàn công tác đến tìm hiểu về quản trị DN tại Thái Lan, với thành phần tham dự chủ đạo là DN niêm yết. Các cuộc làm việc này hướng đến việc tìm hiểu và học hỏi những điểm hay, điểm tích cực của các TTCK lân cận, có sự phát triển hơn chúng ta để từ đó rút ngắn khoảng cách của TTCK Việt Nam.

Học để vươn lên ảnh 1

Thiết lập hệ thống thông tin các DN niêm yết và hỗ trợ DN nâng cao chất lượng quản trị là 2 mảng việc đã được các Sở GDCK tại Việt Nam triển khai, nhưng mới ở bước ban đầu. Theo tìm hiểu của ĐTCK, HNX và HOSE đã đưa vào vận hành hệ thống công bố thông tin tự động của DN niêm yết (qua Internet), với khoảng 80% DN đã áp dụng thành công phương thức này. Thay vì DN phải gửi báo cáo đến Sở bằng văn bản qua đường bưu điện và phải đợi, thì nay, bằng việc kết nối qua Internet, thông tin từ DN đến Sở và từ Sở đến thị trường đã thông suốt, không còn những “khoảng dừng kỹ thuật” đợi văn bản đến như trước đây. Tuy nhiên, sự thông suốt cũng có mặt trái, khi việc chạy theo tốc độ thông tin luôn tỷ lệ nghịch với chất lượng kiểm duyệt thông tin công bố. Mùa công bố báo cáo thường niên 2013, dư luận từng sửng sốt khi trên website của HOSE đăng tải báo cáo thường niên của một DN lớn, trong đó thông điệp của người đứng đầu DN có nhiều nội dung phản cảm. Nguyên nhân dẫn đến việc này là hệ thống công bố thông tin tự động, khi Sở nhận được những báo cáo định kỳ từ DN thì hệ thống sẽ chủ động đăng tải ra công chúng, tạo ra một khoảng hở về kiểm soát chất lượng thông tin. Làm thế nào để vẫn đảm hệ thống thông tin thông suốt từ các thành viên thị trường đến cơ quan quản lý và công chúng, nhưng vẫn đảm bảo kiểm duyệt chất lượng là một trong nhiều vấn đề mà TTCK Việt Nam cần học để vận dụng.

Việc hỗ trợ DN để cải tiến chất lượng quản trị cũng là một nhiệm vụ lớn khi những khó khăn của nền kinh tế kéo dài đã khiến hàng trăm DN niêm yết - những DN với quy mô tương đối lớn, từng hoạt động hiệu quả - rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải đối diện với nợ xấu và phá sản. Nếu như các năm trước, HNX thường chủ động liên hệ với DN để tổ chức Đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, thì năm nay, HNX chọn cách công bố thông tin và mời các DN có nhu cầu đăng ký đi… học. Theo ghi nhận ban đầu, lượng DN có nhu cầu khảo sát và học tập là cao hơn dự kiến của HNX.

Cùng với việc tổ chức Đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, tìm hiểu của ĐTCK được biết, HNX đang lên kế hoạch cho cuộc bình chọn chất lượng quản trị DN, mà trước hết là chất lượng minh bạch thông tin tại DN. Cuộc bình chọn không nằm ngoài mục đích chọn lựa và khích lệ những DN làm tốt công tác công bố thông tin, quản trị DN, chia sẻ kinh nghiệm chung với thị trường và giúp cộng đồng DN vươn lên.    

Cũng liên quan đến việc học, chia sẻ tại cuộc giao lưu giữa Nick - chàng trai khuyết tật giàu nghị lực - với các doanh nhân Việt Nam sáng 24/5, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Ngân hàng TMCP An Bình nói, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng sâu, rất sâu đến các DN, khiến các DN rơi vào tình trạng khó, khó như bị cụt hết “cả chân cả tay”. Làm thế nào để vươn lên tiếp tục tồn tại và phát triển, đó là câu hỏi lớn mà các doanh nhân Việt Nam đang phải đối mặt.  Tuy Nick không chia sẻ được kinh nghiệm để giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nhưng gặp Nick và giao lưu với chàng trai đặc biệt này cũng là một cách học với nhiều doanh nhân Việt Nam về nghị lực sống, về sự liêm chính và trách nhiệm xã hội của người lãnh đạo DN. Nói về tình trạng nợ xấu đang làm rất nhiều lãnh đạo DN và ngân hàng tại Việt Nam mất ngủ, Nick chia sẻ, nếu ngay từ nhỏ, trẻ em được học và thấm nhuần nguyên tắc “có vay, có trả” thì trong tương lai, xã hội sẽ không còn hiện tượng lạm dụng, chiếm đoạt tài sản của nhau quá nhiều...