Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hồi kết vụ tranh chấp cổ đông trường Pascal

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau gần 3 tháng nghỉ nghị án, mới đây vào chiều 30/11, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra bản án phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác trường Pascal.

Bản chất là việc hợp tác giữa 2 cổ đông là bà Nguyễn Kim Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty TDS) và bà Lê Thị Bích Dung (Hiệu trưởng, đại diện theo pháp luật Trường THCS và THPT Newton).

Vụ án này kéo dài nhiều năm nay và có tính chất phức tạp do các bên góp vốn bằng đất nhưng quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều vấn đề. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra căng thẳng với thời gian xét xử… gần 3 tháng trời.

Theo bản án sơ thẩm, bà Dung và bà Phương đều là cổ đông Công ty TDS. Năm 2011, Công ty TDS được UBND TP. Hà Nội cho thuê diện tích đất 27.946 m2 tại Khu đô thị mới Nam Cường (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Các cổ đông tự phân chia khu đất trên thành 3 phần và hiện đang tranh chấp tại lô đất TH1.

Lô TH1 do nhóm bà Phương quản lý. Bà Phương và bà Dung đã thống nhất sẽ hợp tác xây dựng trụ sở Trường THCS và THPT Pascal.

Theo thỏa thuận ngày 3/11/2016 và 19/1/2017, 23/1/2017, bà Phương chuyển nhượng 4.250 m2 đất cho bà Dung (tương đương 13,09% cổ phần – cổ phần tính bằng m2 đất- PV). Đổi lại, bà Phương được nhận 49% cổ phần Trường Pascal.

Hai bên đã xây dựng tòa nhà làm trụ sở trường học nhưng sau đó xảy ra tranh chấp từ năm 2017 đến nay.

Bà Phương cho rằng, đã giao đất nhưng bà Dung nói chỉ chuyển nhượng 30% cổ phần Trường Pascal. Bà Dung cũng tố bà Phương giao thiếu đất (thực tế chỉ giao 2.896 m2 tương đương 10,5% cổ phần - PV).

Vì xảy ra bất hòa, hai bên đã thỏa thuận, đất trả lại cho bà Phương. Bà Phương mua lại toàn bộ cơ sở vật chất do phía bà Dung xây dựng. Hai bên đã lập tài khoản ngân hàng. Bà Phương đã chuyển tiền vào tài khoản. Bà Dung đã nhận tiền nhưng sau đó chuyển trả vào tài khoản treo.

Do tiếp tục xảy ra bất đồng, bà Phương có các hành vi như treo banner chống đối và đổ gạch đá trước trường học từ tháng 5 - 7/2018. Bà Dung cho rằng, trước sức ép trên nên đã buộc phải ký hợp đồng chuyển nhượng lại 13,09% cổ phần ngày 10/7/2018. Đồng nghĩa là bà Dung phải trả lại diện tích đất trên.

Để hợp thức thỏa thuận trên, bà Phương khởi kiện ra tòa án yêu cầu bà Dung phải xuất hóa đơn với số tiền bà đã thanh toán, đồng thời công nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 10/7/2018.

Tuy nhiên, quá trình tố tụng, phía bà Dung phản tố cho rằng hợp đồng ngày 10/7/2018 vô hiệu do bị đe dọa. Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu trên của bị đơn. Đồng thời, công nhận hợp đồng ngày 23/1/2017 có hiệu lực, tức là bà Dung không phải trả lại đất. Yêu cầu các bên xây ngăn khối trường học tự quản lý nhằm đảm bảo trật tự ổn định.

Không chấp nhận phán quyết trên, bà Phương kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm xem xét và giữ nguyên quyết định tuyên bố hợp đồng ngày 10/7/2018 vô hiệu. Đồng thời, tuyên hợp đồng ngày 23/1/2017 có hiệu lực pháp luật.

Với phán quyết trên, bà Dung không phải trả lại đất mà sẽ thanh toán cho Công ty TDS số tiền hơn 14,2 tỷ đồng và được nhận lại toàn bộ các trang thiết bị trường học đã đầu tư tại 1/2 tòa nhà ở lô TH1 do trường Pascal đang quản lý.

Tòa nghiêm cấm tất cả mọi hành vi đe dọa cản trở và làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học - THCS Pascal tại lô đất TH1.

Bà Dung có quyền, nghĩa vụ đến các cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục khôi phục lại tư cách cổ đông đối với 10,5% cổ phần trong Công ty TDS theo quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan