Ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM

Ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM

Hồi ức về một thời gian khó

(ĐTCK-online) Sự ra đời của Sở GDCK TP. HCM (tiền thân là Trung tâm GDCK TP. HCM) vào tháng 7/2000 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc xây dựng TTCK ở Việt Nam. Gắn bó với những ngày đầu thành lập thị trường, mỗi cá nhân tham gia vào các mảng công việc khác nhau đều giữ riêng cho mình những ký ức đẹp, để rồi mỗi dịp Hạ chuyển sang Thu lại cùng ôn lại kỷ niệm xưa và bổ sung vào kho tàng ấy những câu chuyện mới.

Tôi được vinh dự tham gia công tác điều hành Sở từ ngày đầu thành lập và tiếp tục gắn bó trong suốt chặng đường 10 năm tiếp theo. Đó sẽ luôn là những hồi ức đẹp để mỗi khi tái hiện lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày nào.

 

1. Khai trương hoạt động

Sau bao nhiêu thai nghén chuẩn bị, Lễ khai trương Trung tâm GDCK TP. HCM được tổ chức vào ngày 20/7/2000. Với tôi, thật khó diễn tả hết cảm xúc vào giây phút ấy. Có cái gì đó như vỡ oà ra. Kể từ đây, thị trường GDCK tập trung đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Niềm vui dâng trào mà trách nhiệm cũng đè nặng lên vai.

8 ngày sau khi khai trương hoạt động là khai trương phiên giao dịch đầu tiên của Trung tâm GDCK TP. HCM. Xuất phát điểm chỉ với 2 cổ phiếu niêm yết, 5 CTCK thành viên, vài ngàn NĐT và 1 tiếng thời lượng giao dịch khớp lệnh định kỳ. Phiên giao dịch đầu tiên đóng cửa với khối lượng giao dịch 4.200 cổ phiếu và 70 triệu đồng. Hồi ấy, mọi người thường hay đùa với nhau, bao giờ thì giá trị giao dịch một phiên lên đến 3 tỷ đồng?

 

2. Thuở ban đầu

Tôi không phải Giám đốc đầu tiên của Trung tâm GDCK TP. HCM. Vị giám đốc đầu tiên là anh Vũ Bằng, nay là Chủ tịch UBCK. Đấy có thể nói là thời gian đầu đầy khó khăn, khi mà nguồn tài chính cho vận hành hoạt động khá hạn hẹp, thị trường còn non trẻ, nhân sự mỏng và công nghệ còn lạc hậu. Chắc ít ai tưởng tượng được rằng, vào thời điểm ban đầu ấy, cả Trung tâm chỉ có 2 - 3 phòng máy lạnh phục vụ cho hội họp, mỗi phòng có 1 - 2 máy vi tính phục vụ cho hơn 10 nhân viên. Đời sống vật chất thì khó khăn, nhưng tình người thì vô cùng ấm áp.

TTCK dần thu hút được sự quan tâm của công chúng đầu tư. Ngưỡng 3 tỷ đồng giá trị giao dịch/phiên đã được phá trong khoảng thời gian 6 tháng. Cuối năm 2001, số lượng DN niêm yết là 11 và cuối năm 2002 là 20 công ty. Số lượng tài khoản giao dịch cũng tăng từ gần 3.000 năm 2000 đến gần 9.000 và 13.600 trong 2 năm tiếp theo. Đây có thể coi là giai đoạn thử thách đầu tiên đối với TTCK Việt Nam, khi mà chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm, tăng hơn 100% cuối năm 2000, liên tục tăng và đạt đỉnh điểm là 563 điểm vào ngày 22/6/2001. Sau đó, thị trường quay đầu và liên tục giảm xuống mức 183 điểm vào cuối năm 2002. Bên cạnh sự kỳ vọng của các NĐT còn có cả sự chưa trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, sự ảo tưởng về mức lợi nhuận không có giới hạn và tâm lý đầu tư theo bầy đàn. Giai đoạn năm 2001 - 2002 có thể được xem giai đoạn bong bóng đầu tiên của TTCK Việt Nam.

 

3. Phát triển thị trường

Trong năm 2005, cấu trúc TTCK tại Việt Nam có sự thay đổi bằng việc thành lập Trung tâm GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Phòng đăng ký - Lưu ký - Thanh toán bù trừ trực thuộc Trung tâm GDCK TP. HCM được tách ra để chuyển về Trung tâm Lưu ký. Anh em đã làm việc với nhau một thời gian dài, cùng trải qua giai đoạn ban đầu đầy khó khăn thử thách, nay kẻ đi, người ở không tránh được sự bịn rịn, quyến luyến. Buồn, nhưng mừng cho sự trưởng thành của bạn bè, đồng ngiệp và cũng mơ về một ngày không xa khi tất cả lại về chung mái nhà Sở GDCK Việt Nam.

Chắc chắn Sở GDCK nào trên thế giới cũng đều mong muốn được trải qua giai đoạn như Trung tâm GDCK TP. HCM vào cuối năm 2006. Để đua kịp thời hạn chấm dứt ưu đãi thuế cuối năm 2006, số lượng DN xin niêm yết nhiều đến hoa cả mắt. Trong giai đoạn này, mặc dù khâu thẩm định và cấp phép niêm yết vẫn do UBCK thực hiện, nhưng khi các công ty nộp hồ sơ vào Trung tâm GDCK TP. HCM, các anh em phòng Quản lý niêm yết đã phải làm việc ngày đêm để bổ sung hồ sơ và hoàn tất thủ tục niêm yết. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2006, có hơn 50 công ty lên niêm yết mới trên Trung tâm, gấp gần 2 lần số lượng niêm yết của cả 5 năm trước cộng lại. Vất vả nhưng rất vui, giống như thuyền đánh cá đi đúng vào luồng cá lớn.

 

4. Bong bóng thứ hai

Có lẽ chưa lúc nào thông tin về TTCK Việt Nam lại tràn ngập trên các hãng thông tấn trong nước và quốc tế như giai đoạn 2006 - 2007. Tăng trưởng kinh tế được phản ánh vào sự tăng trưởng trên TTCK, cộng hưởng với các đợt  lên sàn ồ ạt vào cuối năm 2006 và tiếp tục trong năm 2007, cùng các đợt đấu giá lớn liên tiếp diễn ra, chỉ số VN-Index liên tục lập và phá kỷ lục. Bản thân chúng tôi cũng không giấu nổi niềm tự hào trước sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế.

Chưa hết mừng đã chuyển sang lo khi chỉ số tăng quá cao. Rồi đến giai đoạn điều chỉnh giảm, thêm tác động của lạm phát, suy giảm kinh tế trong nước và suy thoái kinh tế toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào TTCK khi chỉ số VN-Index

giảm từ hơn 1.000 điểm xuống dưới 300 điểm. Để thị trường tự điều chỉnh là phương châm xuyên suốt của UBCK và Trung tâm GDCK TP. HCM. Tuy vậy, Trung tâm đã thể hiện vai trò rất tích cực và chủ động của mình trong việc cung cấp thông tin để giúp thị trường có cơ sở tự điều chỉnh. Nếu có thể quay ngược thời gian trở lại, tôi vẫn nghĩ chúng tôi đã làm hết sức có thể trong giai đoạn đó.

 

5. Phát triển Sở

Sự phát triển về lượng đòi hỏi sự thay đổi về chất. Cái áo Trung tâm GDCK đã trở nên quá chật chội. Với các điều kiện chín muồi, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chuyển lên Sở GDCK TP. HCM vào tháng 5/2007. Kỷ niệm 10 năm TTCK cũng là kỷ niệm 3 năm Trung tâm GDCK TP. HCM chuyển lên Sở GDCK TP. HCM.

Có một điều mà tôi rất tự hào trong quá trình điều hành Trung tâm và sau này là Sở GDCK TP. HCM, đó là Sở luôn thể hiện vai trò tiên phong trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ thị trường. Có 2 cột mốc lớn trong quá trình phát triển hệ thống và phương thức giao dịch tại Sở là chuyển sang khớp lệnh liên tục và giao dịch trực tuyến.

Khớp lệnh liên tục là nền tảng cho việc phát triển giao dịch trực tuyến và phát triển các phần mềm quản lý giao dịch tại CTCK. Vì vậy, triển khai giao dịch liên tục cũng chính là sự khẳng định đẳng cấp và mức độ phát triển của thị trường. Khi bắt đầu đề xuất việc triển khai giao dịch liên tục, rất nhiều ý kiến tán thành, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại về sự "liên tục" của việc khớp lệnh. NĐT phải hiểu hết các rủi ro bên cạnh các lợi ích trước mắt của phương thức giao dịch mới này. Chính vì vậy, Sở GDCK TP. HCM, ngoài sự chuẩn bị chu đáo về mặt hệ thống, đặc biệt nhấn mạnh công tác phổ biến kiến thức, tuyên truyền cho NĐT.

Nếu công tác phổ biến kiến thức được chú trọng trong triển khai giao dịch liên tục thì công tác chuẩn bị, thử nghiệm hệ thống lại được đề cao trong triển khai giao dịch trực tuyến. Một tổ triển khai giao dịch trực tuyến đã được thành lập riêng tại Sở GDCK TP. HCM. Nhóm này phụ trách việc phát triển hệ thống, thử nghiệm với các CTCK thành viên, khảo sát để có kết luận về việc đáp ứng của các CTCK... Kết quả là giao dịch trực tuyến đã giúp thay đổi căn bản phương thức xác nhận, chuyển và quản lý lệnh tại các CTCK, giải quyết bài toán thắt nút cổ chai và trái đường cho xử lý giao dịch tháng.

10 năm trôi qua thật nhanh, lứa nhân viên trẻ hồi ấy nay đã là cán bộ chủ chốt. Thị trường đã lớn mạnh, giá trị giao dịch trung bình hiện nay đạt con số gần 3.000 tỷ đồng, gấp gần 1.000 lần so với con số kỳ vọng của 10 năm trước. 10 năm của một đời người cũng đã trôi qua. Nhìn lại, tôi thấy quả thật mình và các anh em trong Sở đã có một vinh dự lớn khi được đồng hành cùng TTCK Việt Nam trong suốt hành trình vừa qua. Những gì đọng lại là những kỷ niệm vô giá mà bản thân mỗi chúng ta, bằng những nỗ lực và đóng góp của mình, đã là một phần của những ký ức ấy.