Bà Phương Hoàng Lan Hương

Bà Phương Hoàng Lan Hương

“Hôm nay tốt, không có nghĩa ngày mai cũng tốt”

(ĐTCK) Năm 2014, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán diễn ra thông suốt, an toàn. Hầu hết các thành viên lưu ký đều đảm bảo thanh khoản trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán, số tạm thời mất khả năng thanh toán rất ít và giá trị hụt thanh khoản cũng rất nhỏ.

Chia sẻ với ĐTCK, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), bà Phương Hoàng Lan Hương cho biết, đây là kết quả đáng mừng, nhưng “hôm nay tốt không có nghĩa ngày mai cũng tốt”. Dựa trên tầm nhìn dài hạn, năm mới, hoạt động này sẽ được áp dụng theo quy chuẩn mới, với không gian mở hơn, đồng thời với các hình thức xử lý vi phạm cụ thể hơn.

Thực tế năm 2014 cho thấy, các thành viên lưu ký đã thực hiện thông suốt nghĩa vụ thanh toán sau giao dịch. Vậy tại sao nhà quản lý không tính việc giảm cấp độ, mà lại dự kiến bổ sung các hình thức xử lý vi phạm, thưa bà?

Tháng 1/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 05/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, thay thế quy định cho các hoạt động này tại Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC và Thông tư 43/2010/TT-BTC. Sau văn bản này, VSD sẽ ban hành một bộ quy chế mới, hướng dẫn trình tự, thủ tục cho các giao dịch của thành viên thị trường với VSD trong các hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch chứng khoán, cấp mã chứng khoán.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thanh toán sau giao dịch trên TTCK, Thông tư 05 quy định thêm cách thức xử lý trong trường hợp thành viên lưu ký tạm thời mất khả năng thanh toán. Theo đó, ngày thanh toán giao dịch chứng khoán, thành viên lưu ký không đủ điều kiện để vay tiền từ quỹ hỗ trợ thanh toán hoặc từ ngân hàng thanh toán, hoặc chưa vay được chứng khoán qua hệ thống vay và cho vay chứng khoán, VSD sẽ thực hiện lùi thời hạn thanh toán đối với giao dịch tạm thời mất khả năng thanh toán này tối đa là 3 ngày. Thành viên lưu ký có giao dịch bị lùi sẽ phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân có giao dịch đối ứng liên quan, theo mức 5% giá trị giao dịch lùi/1 ngày thanh toán. Trường hợp nếu đã lùi mà thành viên không có đủ tiền, đủ chứng khoán để thanh toán, thì giao dịch đó sẽ bị loại bỏ và mức bồi thường cho tổ chức, cá nhân có giao dịch đối ứng được quy định là 20% giá trị không thanh toán. Hình thức này mở thêm không gian cho thành viên tạm thời mất khả năng thanh toán, đồng thời cũng quy định những nghĩa vụ bồi thường, xử phạt nếu thành viên rơi vào tình trạng này. Bên cạnh các quy định về bồi thường vật chất, các hình thức xử lý vi phạm trong hoạt động thanh toán giao dịch của thành viên cũng được bổ sung tương ứng với các quy định mới.

Những quy định trên được đưa ra nhằm quản lý rủi ro cho hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán trên toàn thị trường, đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán chứng khoán và quyền lợi của các thành viên tham gia vào hệ thống đó. 

Xin bà chia sẻ tinh thần chung của bộ Quy chế hướng dẫn Thông tư 05 mà VSD sắp ban hành?

Bộ quy chế hướng dẫn Thông tư 05 sẽ là thế hệ văn bản hướng dẫn thứ ba mà VSD xây dựng trong gần 10 năm hoạt động của VSD. Tinh thần chung của các văn bản này là giảm tối đa thủ tục hành chính, nhưng sẽ cụ thể hoá và tăng thêm các hình thức xử lý vi phạm của thành viên trên cơ sở thực tế hoạt động những năm vừa qua để nâng cao tính tuân thủ của các thành viên lưu ký. Thành viên hôm nay, hay năm nay có thể tuân thủ tốt, nhưng không đảm bảo là ngày mai, năm sau cũng sẽ tuân thủ tốt. Mọi văn bản ban hành đều phải căn cứ vào tầm nhìn dài hạn. Đó là lý do chúng tôi sẽ cân nhắc định hình và cụ thể hoá các hình thức kỷ luật cho từng mức độ vi phạm của thành viên. 

Nhiều thành viên thị trường cho biết, trong các hình thức xử lý vi phạm mà VSD áp dụng, hình thức đáng ngại nhất là bị công khai tên tuổi khi vi phạm. Liệu trong quy chế mới, VSD có tiếp tục áp dụng chế tài này, thưa bà?

Chắc chắn là có. Chúng tôi cũng hiểu rằng, hoạt động trên thị trường tài chính, tài sản lớn nhất là uy tín của mỗi DN. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức xử lý mạnh để hướng các thành viên tuân thủ đúng quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán, đảm bảo an toàn hệ thống chung là việc không thể không làm. Nếu tuân thủ đúng quy định, thành viên sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng hụt thanh khoản đến mức phải nêu tên trên thị trường. Thực tế gần 15 năm hoạt động của thị trường chứng khoán cho thấy, có nhiều thành viên chưa từng mắc lỗi này và điều chúng tôi mong nhất là tất cả các thành viên đều không mắc lỗi về thanh toán, để thị trường luôn vận hành suôn sẻ, thông suốt. 

Nếu việc tăng chế tài như cây gậy buộc thành viên phải tuân thủ nghĩa vụ, vậy VSD có nỗ lực gì mang đến “củ cà rốt” cho đơn vị làm tốt, thưa bà?

Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động kết nối với thành viên và với các tổ chức phát hành. Cụ thể, trong năm 2015, VSD sẽ tổ chức hội nghị thường niên với các doanh nghiệp niêm yết và các thành viên lưu ký để chia sẻ thông tin về hoạt động cũng như các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ mới, đồng thời lắng nghe những ý kiến góp ý, những sáng kiến mới của các tổ chức trên nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động mà VSD đang đảm trách. Cùng với đó, chúng tôi sẽ ghi nhận những thành viên thực hiện tốt nghĩa vụ của mình hàng năm, đảm bảo sự an toàn cho chính mình, cho khách hàng và cho cả thị trường. 

Liên quan đến hoạt động thanh toán, điểm mới năm 2014 được báo chí ghi nhận là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trên TTCK là VSD vận hành Hệ thống vay và cho vay chứng khoán. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ dành cho hai đối tượng: thành viên lưu ký nhằm mục đích sửa lỗi giao dịch và thành viên lập quỹ - vay để đủ cổ phiếu hoán đổi rổ ETFs, trong khi thực tế, nhà đầu tư cá nhân mới là đối tượng có nhu cầu vay nhiều nhất, thưa bà?

Về mặt kỹ thuật, hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại VSD có thể mở rộng để đáp ứng được mọi nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý hiện hành chưa mở ra hình thức cho phép bán khống. Vì thế, trước mắt hệ thống vay và cho vay của VSD sẽ chỉ phục vụ cho 2 đối tượng vay nói trên. Thực tế TTCK Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với thế giới, chúng ta phải xây dựng thị trường từng bước, chứ không thể so sánh và “bê” nguyên thực tiễn của nước ngoài vào áp dụng được ngay. 

Liên quan đến các tổ chức phát hành, năm 2015, VSD sẽ mang đến điều gì mới mẻ cho các DN, thưa bà?

Trong năm 2015, VSD sẽ xây dựng hệ thống bỏ phiếu điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành có chứng khoán đăng ký tại VSD trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông, đồng thời giúp người đầu tư thực hiện quyền của mình mà không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. VSD đã đề xuất và được Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp mới tiếp thu đưa hình thức bỏ phiếu điện tử vào Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ năm 2015. Như vậy, cơ sở pháp lý cho hình thức biểu quyết này đã có.

Tại nhiều nước trên thế giới, Trung tâm Lưu ký chứng khoán là tổ chức phù hợp nhất cung ứng cho DN dịch vụ bỏ phiếu điện tử. Tôi hy vọng, đến năm 2016, sản phẩm mới này sẽ được VSD hoàn thiện và được các tổ chức phát hành đón nhận một cách tích cực. 

Năm trước, các tổ chức phát hành và các thành viên lưu ký chấm VSD trên 8 điểm cho đánh giá về chất lượng cung cấp dịch vụ của VSD. Năm nay, mức điểm VSD đạt được là như thế nào, thưa bà?

Năm nay, điểm chấm trung bình của các tổ chức phát hành cho VSD vẫn là 8,7, còn của các thành viên lưu ký là 8,3 điểm. Kết quả năm nay có sự cải thiện hơn năm trước, nhưng chúng tôi hiểu rằng, còn nhiều việc phải nỗ lực để cung cấp dịch vụ tốt hơn. Điểm mới của VSD năm nay là bên cạnh nỗ lực kết nối nhiều hơn với các tổ chức phát hành, các thành viên lưu ký và nhà đầu tư, Ban lãnh đạo của VSD đã thống nhất sẽ lập đường dây nóng để trực tiếp ghi nhận mọi ý kiến từ thị trường. Tất cả những phản ánh của các tổ chức liên quan kèm theo bằng chứng rõ ràng sẽ được chúng tôi xử lý và phản hồi ngay trên hệ thống.

Là tổ chức cung cấp dịch vụ sau giao dịch duy nhất trên TTCK Việt Nam, VSD cam kết nỗ lực phát huy các giá trị cốt lõi, tính chuyên nghiệp và sự sáng tạo để đồng hành với sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan