Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trong 7 ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00
Trong thời gian dịp Tết Âm lịch Giáp Thìn năm 2024 (07 ngày tính từ ngày 08/02-14/02/2024), trên phạm vi toàn quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2024, cả nước có hơn 1.000 DN tham gia xuất nhập khẩu.

Trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2024, cả nước có hơn 1.000 DN tham gia xuất nhập khẩu.

Thông tin mới được Tổng cục Hải quan công bố, trong 7 ngày Tết Âm lịch Giáp Thìn năm 2024 (tính từ ngày 08/02-14/02/2024), trên phạm vi toàn quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cũng trong thời gian này, có tất cả gần 10.000 tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa đã được đăng ký tại 116 Chi cục Hải quan và tương đương thuộc 32 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2024, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 1,41 tỷ USD, trong đó tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 0,73 tỷ USD; tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 0,68 tỷ USD.

Dịp Tết Âm lịch năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn nhập khẩu hàng hóa.

Thống kê sơ bộ cộng dồn từ ngày 01/01 đến hết ngày 14/02/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng thời gian năm 2023; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng thời gian năm 2023 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến hết ngày 14/02/2024, Việt Nam cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu hơn 5,1 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nước ta trong 7 ngày Tết gồm: nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất với 282,8 triệu USD, chiếm 38,7% tổng trị giá xuất khẩu trong dịp Tết.

Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 263,6 triệu USD, chiếm 36,1%; tiếp theo là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị đạt 54,4 triệu USD, chiếm 7,5%…

Tổng trị giá xuất khẩu của 03 nhóm mặt hàng lớn nhất này này chiếm 82,3% tổng trị giá xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt nhập khẩu lớn nhất với trị giá 428,7 triệu USD, chiếm 63% tổng trị giá nhập khẩu; tiếp theo là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trị giá 41,3 triệu USD, chiếm 6%, nhóm mặt hàng xăng dầu các loại trị giá 41,3 triệu USD, chiếm 6%...

3 nhóm mặt hàng lớn nhất này đã chiếm 75% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết Âm lịch năm nay.

Hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang tất cả 77 nước, vùng lãnh thổ. Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ với trị giá 220,7 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng trị giá xuất khẩu trong dịp Tết; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc với 186,9 triệu USD (chiếm 25,6%), Hàn Quốc với 71,2 triệu USD (chiếm gần 10%),...

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ 59 nước, vùng lãnh thổ, trong đó hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất có xuất xứ từ Hàn Quốc với trị giá gần 239 triệu USD, chiếm 35,2% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết; tiếp theo hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với 196,7 triệu USD (chiếm 29%), Cămpuchia từ 41,3 triệu USD (chiếm 6%).

Tin bài liên quan