Lãnh đạo các NHTM ký kết hợp đồng tín dụng cho khu vực Tây Bắc

Lãnh đạo các NHTM ký kết hợp đồng tín dụng cho khu vực Tây Bắc

Hơn 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư vào Tây Bắc

(ĐTCK) Tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc 2013”, ngành ngân hàng đã ký kết 14 hợp đồng đầu tư vốn tín dụng cho các dự án với tổng trị giá lên tới 19.378 tỷ đồng và 35 triệu USD.

Sáng qua (3/4), tại Tuyên Quang, hơn 1.100 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, đại diện WB và các DN lớn đã Tây Bắc tham dự “Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013” do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, UBND tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức.

Khu vực Tây Bắc là một trong những địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: “Mặc dù nền kinh tế cả nước đang rất khó khăn, nhưng lực lượng DN cả nước vẫn dành nhiều quan tâm đầu tư đối với vùng Tây Bắc”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, phát huy được những tiềm năng, lợi thế vùng. Bên cạnh đó, việc tham gia cung ứng vốn tín dụng cho các dự án trọng điểm, dự án lớn trong khu vực đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa tại các địa phương.

“Tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ tín dụng tại các tỉnh Tây Bắc đạt 110.052 tỷ đồng, tăng 16,34% so với 31/12/2011 và chiếm khoảng 3,56% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng tại khu vực này giai đoạn 2010 - 2012 đạt khoảng trên 24%/năm. Tổng huy động đạt 76.210 tỷ đồng, tăng khoảng 38% so với 31/12/2011, chiếm khoảng 2,4% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc. Nguồn vốn huy động mới chỉ đáp ứng được gần 70% nhu cầu tín dụng trên địa bàn, nhưng các tỉnh trong khu vực luôn nhận được sự điều hòa vốn từ Hội sở chính”, ông Bình cho biết.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 2/2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã cấp phép trên địa bàn đạt 2,47 tỷ USD. Hiện có 243 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 2,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 2,6 tỷ USD nguồn vốn ODA được triển khai đầu tư vào khu vực này.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc vẫn chưa được phát huy, kinh tế chậm phát triển, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. “Làm thế nào đó để người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, khơi dậy và liên kết tiềm năng là câu hỏi không dễ trả lời”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Bùi Quang Vinh cho biết, với chức năng là cơ quan tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ về quản lý kế hoạch chiến lược và đầu tư phát triển, Bộ dự kiến sẽ tổ chức công bố trong năm 2013 Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách đặc thù thu hút các nguồn vốn đầu tư và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành và các địa phương trong khu vực trong việc ưu tiên vốn đầu tư cho vay đối với các công trình trọng điểm của quốc gia, của vùng và các công trình tạo ra sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương và của cả vùng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đưa vốn đến tay người nông dân để phát triển sản xuất theo các chính sách trong Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay nông nghiệp, nông thôn...”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Yên Bái đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án với tổng trị giá khoảng 10.623 tỷ đồng.

“Các NHTM ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế Tây Bắc”

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV

"NHNN đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại lớn tham gia vào công tác chuẩn bị trước Hội nghị, tổ chức các nội dung trong Hội nghị chính thức và  thực hiện trách nhiệm cam kết sau Hội nghị, bao gồm cả việc xây dựng các cơ chế, chính sách tín dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội Tây Bắc. Đây là điều chúng tôi rất mong muốn trong nhiều năm nay nhưng chưa làm được.

Mặt khác, thông qua các NHTM, NHNN kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu vực. Các NHTM đã nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong phát triển kinh tế Tây Bắc, đã trực tiếp vận động, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để tham gia đầu tư vào các dự án, các lĩnh vực cụ thể tại các tỉnh Tây Bắc.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các NHTM hợp lực cùng nhau thực hiện An sinh xã hội với quy mô lớn cho khu vực. Như con số tổng kết hoạt động an sinh xã hội trong đợt vận động, quyên góp này, trong điều kiện hết sức khó khăn, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp được hơn 543,665 tỷ đồng, trong đó chủ lực là hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, với mức đóng góp xấp xỉ là 455 tỷ đồng  vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn".